Theo phóng viên TTXVN tại New York, các nguồn tin ngoại giao ngày 2/3 cho biết Anh đã đề xuất Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp kín về tình hình tại Myanmar vào ngày 5/2 tới.
Trước đó, hôm 4/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ra tuyên bố báo chí về tình hình Myanmar, bày tỏ “quan ngại sâu sắc” cuộc chính biến ở Myanmar, và kêu gọi giới lãnh đạo quân sự “trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ, bao gồm cả bà Aung San Suu Kyi."
Ngày 26/2 vừa qua, Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng tổ chức phiên họp không chính thức thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Myanmar dưới sự chủ trì của Chủ tịch Volkan Bozkir.
[Singapore kêu gọi tránh các biện pháp trừng phạt Myanmar]
Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Christine Schraner Burgener, đại diện của hơn 50 nước thành viên Liên hợp quốc và 8 tổ chức khu vực đã tham dự và phát biểu ý kiến. Bà Burgener kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay tháo gỡ căng thẳng tại quốc gia Đông Nam Á này.
Myanmar rơi vào bế tắc chính trị kể từ ngày 1/2 sau khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng và bang và các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD).
Quân đội Myanmar cho rằng có nhiều gian lận trong cuộc bầu cử gần đây, cho dù Ủy ban Bầu cử liên bang Myanmar bác bỏ cáo buộc này.
Quân đội Myanmar cam kết sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực, đồng thời phủ nhận việc tiến hành đảo chính./.
Hữu Thanh (TTXVN/Vietnam+)