Anh và New Zealand vừa đạt được một thỏa thuận thương mại tự do mà London cho rằng sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và doanh nghiệp nước này.
Theo phóng viên TTXVN tại London, Thủ tướng Anh Boris Johnson và người đồng cấp New Zealand Jacinda Ardern ngày 20/10 đã nhất trí về thỏa thuận trên thông qua cuộc điện đàm trực tuyến sau 16 tháng đàm phán.
Thủ tướng Johnson cho biết thỏa thuận này sẽ cắt giảm chi phí cho các doanh nghiệp xuất khẩu và mở cửa thị trường việc làm của New Zealand cho các chuyên gia Anh.
Theo thỏa thuận, thuế quan sẽ được xóa bỏ đối với nhiều hàng hóa của hai nước, như quần áo, tàu thủy và xe ủi của Anh, và rượu vang, mật ong và quả kiwi của New Zealand.
[Thủ tướng Anh khẳng định không thay đổi chiến lược kinh tế]
Chính phủ Anh cho biết với thỏa thuận này, những người làm các nghề như luật sư và kiến trúc sư sẽ có thể làm việc ở New Zealand dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của chính phủ, bản thân thỏa thuận với New Zealand không có khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Anh trong khi New Zealand sẽ hưởng lợi hơn bởi có thể xuất khẩu nhiều thịt cừu hơn sang Anh.
Hợp tác thương mại với New Zealand chỉ chiếm dưới 0,2% tổng thương mại của Anh.
Tuy nhiên, giống như thỏa thuận thương mại đạt được với Australia gần đây, Chính phủ Anh hy vọng đây là bước tiến để nước này gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Anh đã ký các thỏa thuận riêng rẽ với nhiều thành viên trong khu vực thương mại tự do này từ khi còn ở trong Liên minh châu Âu (EU).
Tuy nhiên, việc gia nhập CPTPP sẽ cho phép nước này tiếp cận các dịch vụ và thương mại kỹ thuật số nhiều hơn.
Liên minh Lao động và Nông dân Quốc gia (NFU) cho rằng thỏa thuận có thể gây thiệt hại cho nông dân Anh và hạ thấp tiêu chuẩn thực phẩm của nước này. NFU cho biết, giống như thỏa thuận với Australia, thỏa thuận này có "mặt trái lớn," đặc biệt đối với nông dân chăn nuôi bò sữa và bò thịt của Anh.
Theo Chủ tịch NFU Minette Batters, các thỏa thuận với Australia và New Zealand đồng nghĩa với việc Anh sẽ mở cửa cho một lượng lớn thực phẩm nhập khẩu, cho dù những thực phẩm này có được sản xuất theo tiêu chuẩn của Anh hay không, trong khi không đổi lại được lợi ích gì đáng kể cho nông dân Anh.
Bà Batters cho biết các trang trại ở Anh hiện đang chịu chi phí sản xuất cao hơn so với nông dân New Zealand và Australia do tình trạng thiếu nhân công và chi phí cho các trang trại gia tăng.
Bà cho rằng nông dân Anh sẽ phải cạnh tranh với nông dân tại một trong số quốc gia có định hướng xuất khẩu lớn nhất thế giới, trong khi ngành nông nghiệp Anh không nhận được đầu tư dài hạn và đúng hướng./.
Minh Hợp (TTXVN/Vietnam+)