Lời đề nghị được bà Liz Truss đưa ra trong cuộc họp với Bộ trưởng phụ trách đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Nhật Bản Yasutoshi Nishimura và Bộ trưởng Thương mại New Zealand Damien O'Connor. Theo đó, với đề nghị trên, Anh đã trở thành nước đầu tiên ngoài các nước thành viên sáng lập nộp đơn đăng ký tham gia thỏa thuận này.
Thông báo về động thái trên, Bộ trưởng Thương mại và Quốc tế Anh Liz Truss nói quyết định này sẽ đặt nước Anh vào "trung tâm của một số nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới". Bà Liz Truss cũng nhấn mạnh, việc Anh gia nhập CPTPP sẽ giúp “xây dựng lại hệ thống thương mại toàn cầu tốt đẹp hơn”.
Theo bà Liz Truss, việc tiếp cận thị trường 9.000 tỷ Bảng nhằm đảm bảo có các cơ hội thương mại và đầu tư gia tăng, giúp kinh tế Anh khắc phục thách thức chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra. Ngoài ra, Hiệp định CPTPP cũng giúp Anh đa dạng hóa các quan hệ thương mại và chuỗi cung ứng, tăng cường an ninh kinh tế trong thời kỳ bất ổn trên thế giới. Đồng thời, CPTPP sẽ giúp xóa bỏ thuế quan đối với thực phẩm, đồ uống và xe hơi, đồng thời giúp thúc đẩy lĩnh vực công nghệ và dịch vụ.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, việc nước Anh trở thành thành viên của CPTPP sẽ chứng minh rằng "một năm sau khi chúng tôi rời EU, chúng tôi đang xây dựng những quan hệ đối tác mới".
Nhật Bản, nước Chủ tịch Hội đồng CPTPP năm 2021, và các nước thành viên hoan nghênh động thái này của Anh, coi đây là động lực mở rộng thương mại tự do dựa trên các quy tắc thương mại và đầu tư tiêu chuẩn cao.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến, bà Liz Trus cho biết: “Khi chúng ta tìm cách khôi phục lại sau tác động của đại dịch COVID-19, điều quan trọng hơn đối với các đồng minh có cùng chí hướng là cùng nhau thúc đẩy và thực thi tự do thương mại.”
"Tôi hy vọng rằng việc Anh gia nhập (CPTPP) sẽ khuyến khích những quốc gia khác có chung quan điểm và triển vọng để cân nhắc việc gia nhập nhóm quan trọng này", bà Liz Trus nói.
Dự kiến, các cuộc đàm phán chính thức về việc Anh gia nhập CPTPP sẽ được bắt đầu trong năm nay. Trong quá trình đàm phán, Anh cần chứng minh rằng có thể tuân thủ các quy định của CPTPP, đồng thời phải đàm phán về thuế quan với các từng nước trong số 11 thành viên.
Hiệp định CPTPP được hình thành vào năm 2018, cam kết dỡ bỏ 95% các loại thuế quan giữa 11 quốc gia thành viên tham gia, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Ước tính khu vực thương mại tự do này chiếm 13% GDP toàn cầu.
Bộ trưởng phụ trách đàm phán TPP của Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết, Nhật Bản “sẽ phụ trách việc đàm phán nhằm hướng tới sự phát triển của CPTPP”, đồng thời nước Chủ tịch Hội đồng CPTPP cũng bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ quay trở lại CPTPP sau khi cựu Tổng thống Donald Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới này vào đầu năm 2017./.
Hoài Hà (Theo Reuters, gov.uk)