Theo Timesnownews.com, để thu hẹp khoảng cách với sức mạnh hải quân đang tăng lên của Trung Quốc, Ấn Độ dự định khởi động quá trình đấu thầu cho một siêu dự án trị giá 550 tỷ rupee (7,5 tỷ USD) đóng 6 tàu ngầm thông thường cho Hải quân Ấn Độ.
Các tàu này sẽ được đóng tại Ấn Độ theo mô hình đối tác chiến lược, cho phép các doanh nghiệp trong nước bắt tay với các tập đoàn quốc phòng nước ngoài hàng đầu để sản xuất các nền tảng quân sự tiên tiến tại Ấn Độ, trong nỗ lực giảm thiểu phụ thuộc vào nhập khẩu.
Đề nghị mời thầu cho dự án có tên là P-75 I này, vốn được coi là một trong những dự án "Sản xuất tại Ấn Độ" lớn nhất, sẽ được ban hành vào tháng 10 và Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã công bố danh sách các ứng cử viên gồm 2 hãng đóng tàu của nước này và 5 tập đoàn quốc phòng nước ngoài hàng đầu cho dự án trên.
Hai công ty của Ấn Độ là tập đoàn L&T and công ty nhà nước Mazagaon Docks Ltd. Trong 5 công ty nước ngoài có Thyssen Krupp Marine Systems (Đức), Navantia (Tây Ban Nha) and Naval Group (Pháp).
Hải quân Ấn Độ hiện vận hành 15 tàu ngầm thông thường và 2 tàu ngầm hạt nhân. Lực lượng này có kế hoạch sở hữu 24 tàu ngầm mới, trong đó có 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân, để tăng cường năng lực chiến đấu dưới mặt nước.
[Ấn Độ dự kiến trang bị mới hàng loạt tàu ngầm cho hải quân]
Với việc Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương, nơi Hải quân Ấn Độ coi là sân sau, những tàu ngầm này sẽ rất quan trọng đối với các lợi ích chiến lược của Ấn Độ.
Theo các nhà phân tích hải quân quốc tế, Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đang vận hành 50 tàu ngầm và 350 tàu nổi và theo dự báo, tổng số tàu các loại của Trung Quốc sẽ vượt 500 tàu trong 8-10 năm tới.
Trong khi đó, Hải quân Ấn Độ cũng đang trong quá trình tiếp nhận 57 máy bay tiêm kích dành cho tàu sân bay, 111 máy bay trực thăng dành cho hải quân (NUH), và 123 máy bay trực thăng đa nhiệm theo mô hình đối tác chiến lược./.
(Vietnam+)