Ngày 15/2, Ấn Độ đã phát động một chiến dịch ngoại giao nhằm cô lập Pakistan và lên án quốc gia láng giềng vì đã thúc đẩy khủng bố.
Bí thư Đối ngoại Ấn Độ ông Vijay Gokhale đã gặp khoảng 25 trưởng cơ quan đại diện ngoại giao các nước tại New Delhi bao gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, các quốc gia Nam Á và các đối tác quan trọng khác như Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Israel, Canada...
Tại cuộc gặp, toàn bộ trưởng phái đoàn ngoại giao các nước đều không nghi ngờ về vai trò của tổ chức Jaish-e-Mohammed (JeM), có trụ sở tại Pakistan và được nước này hậu thuẫn trong cuộc tấn công Pulwama.
Trước đó, ông Gokhale cũng đã triệu tập Cao ủy Pakistan tại Ấn Độ Sohail Mahmood tới Bộ Ngoại giao để đưa ra một công hàm phản đối mạnh mẽ về vụ tấn công.
Ấn Độ đã yêu cầu Pakistan phải có "hành động ngay lập tức và có thể kiểm chứng" chống lại JeM cũng như phải ngăn chặn ngay lập tức bất kỳ nhóm hoặc cá nhân nào liên quan đến khủng bố hoạt động từ lãnh thổ của mình.
New Delhi cũng đã triệu hồi Cao ủy của mình tại Pakistan Ajay Bisaria về nước để tham khảo ý kiến sau vụ tấn công kinh hoàng nêu trên.
Đồng thời, Ấn Độ cũng chuẩn bị nộp hồ sơ lên Lực lượng Hành động Tài chính (FATF) - một tổ chức quốc tế quan trọng về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố - để vạch trần những mối quan hệ của nước láng giềng Pakistan với khủng bố, đồng thời tìm cách liệt Islamabad vào danh sách đen.
Tại cuộc họp toàn thể tiếp theo của FATF diễn ra ở Paris (Pháp) vào tuần tới, Ấn Độ cũng sẽ hối thúc việc liệt Pakistan vào danh sách đen, qua đó cho phép áp dụng các biện pháp chống lại Islamabad.
Đặc biệt, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley tuyên bố nước này rút quy chế Tối huệ quốc dành cho Pakistan kể từ năm 1994 với hiệu lực tức thì sau vụ tấn công khủng bố nói trên.
Với quyết định này, New Delhi tiến hành áp thuế nhập khẩu ngay lập tức đối với tất cả các loại hàng hóa bắt nguồn từ Pakistan lên 200%.
Trong khi đó, phía Pakistan khẳng định vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở huyện Pulwama thuộc bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ vào chiều 14/2 là "vấn đề gây quan ngại nghiêm trọng" mặc dù Pakistan cực lực bác bỏ các cáo buộc của Chính phủ và truyền thông Ấn Độ rằng Pakistan liên quan đến vụ tấn công này.
Trong một tuyên bố, Chính phủ Pakistan nhấn mạnh nước này "luôn lên án các hành vi bạo lực ở bất cứ nơi nào trên thế giới", đồng thời bác bỏ mạnh mẽ bất cứ lời lẽ bóng gió nào của các thành phần trong Chính phủ và truyền thông Ấn Độ nhằm tìm cách gắn vụ tấn công với Pakistan mà không dựa trên kết quả điều tra nào.
Tuyết Minh