Ngày 3/11, Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken đã tiến hành điện đàm để bàn về những nỗ lực nhằm đạt được lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza và Liban.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Ai Cập, trong cuộc điện đàm, hai ngoại trưởng đã thảo luận về các nỗ lực hiện nay nhằm đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza và cung cấp viện trợ cho người dân tại vùng lãnh thổ của Palestine trong bối cảnh khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng.
Ông Abdelatty đã lên án việc Israel ngăn chặn viện trợ nhân đạo tới Gaza và gây khó khăn cho hoạt động của Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA).
Ngoại trưởng Ai Cập nêu bật tầm quan trọng của yêu cầu trao quyền cho Chính quyền Palestine và sự cần thiết phải coi Bờ Tây và Gaza là phần không thể tách rời của lãnh thổ Palestine, nhằm chuẩn bị cho việc chấm dứt chiếm đóng và thiết lập Nhà nước Palestine.
Hai bên cũng đánh giá về tình hình ở Liban. Ngoại trưởng Abdelatty chỉ trích những cuộc tập kích của Israel vào lãnh thổ Liban và các vụ tấn công nhằm vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Liban, mà ông cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Ai Cập đề nghị phối hợp các nỗ lực quốc tế để đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức, thiết lập thỏa thuận đình chiến, thực hiện đầy đủ Nghị quyết 1701 của Liên hợp quốc và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Liban.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cho biết nước này đã đệ trình bức thư lên Liên hợp quốc, có chữ ký của 52 quốc gia và hai tổ chức, kêu gọi ngừng cung cấp vũ khí cho Israel.
Phát biểu họp báo ở Djibouti nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh quan hệ đối tác Thổ Nhĩ Kỳ-châu Phi, Ngoại trưởng Fidan cho hay Thổ Nhĩ Kỳ đã viết bức thư chung kêu gọi tất cả các quốc gia ngừng bán vũ khí và đạn dược cho Israel. Ankara đã chuyển bức thư này, có 54 bên tham gia ký kết, tới Liên hợp quốc vào ngày 1/11.
Trong số những quốc gia ký tên vào bức thư của Thổ Nhĩ Kỳ có Saudi Arabia, Brazil, Algeria, Trung Quốc, Iran và Nga, cùng hai tổ chức là Liên đoàn Arập (AL) và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC).
Tháng trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã kêu gọi Liên hợp quốc áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Israel, theo ông đây là “giải pháp hiệu quả” để chấm dứt xung đột ở Dải Gaza./.
LHQ cho biết viện trợ nhân đạo không theo kịp nhu cầu do hạn chế về khả năng tiếp cận; không có sẵn các hàng hóa cơ bản, cứu sinh; các tổ chức nhân đạo không an toàn để thực hiện công việc của mình.