Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) mới đây đã lên tiếng hoan nghênh thông báo về việc các bên giao tranh tại Libya nhất trí nối lại đàm phán nhằm tìm kiếm một lệnh ngừng bắn.
Trong tuyên bố chung cuối ngày 2/6, các bộ trưởng ngoại giao Ai Cập và UAE "kêu gọi các bên giữ vững cam kết toàn diện đối với tiến trình chính trị dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc và Hội nghị Berlin."
Tại Hội nghị Berlin diễn ra hồi tháng Một năm nay, đại diện các nước tham dự đã cam kết tôn trọng và kiểm soát chặt chẽ lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya, chấm dứt việc hỗ trợ cho các bên xung đột với mục tiêu lâu dài là biến thỏa thuận ngừng bắn tại thời điểm đó thành một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn. Tuy nhiên, sáng kiến này đã bị ngưng trệ thời gian qua.
Ai Cập và UAE đưa ra tuyên bố trên một ngày sau khi Phái bộ Hỗ trợ Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) thông báo các bên xung đột tại quốc gia Bắc Phi này nhất trí tái khởi động các cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm một lệnh ngừng bắn, sau nhiều tuần giao tranh ác liệt tại thủ đô Tripoli.
Quá trình đàm phán gồm các cuộc họp theo hình thức 5+5 diễn ra trước đó, với sự tham gia của 5 sỹ quan cấp cao do mỗi bên chỉ định.
Libya rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi. Hiện ở nước này tồn tại hai chính quyền với lực lượng vũ trang riêng.
Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) hoạt động ở thủ đô Tripoli được LHQ công nhận và được các nhóm vũ trang hậu thuẫn, trong khi lực lượng Quân đội quốc gia (LNA) trung thành với Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông.
Bạo lực gia tăng kể từ tháng 4/2019 khi tướng Haftar bắt đầu chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli từ GNA.
Trong vài tuần trở lại đây, GNA đã đánh bật lực lượng LNA ra khỏi một số vùng thuộc miền Tây Bắc và phần lớn khu vực LNA từng kiểm soát ở Tripoli.
Tuy nhiên, ngày 1/6, LNA tuyên bố đã tái chiếm một số khu vực. Hai bên đã thống nhất thiết lập hai lệnh ngừng bắn trong năm nay, song các cuộc pháo kích và xung đột vẫn tiếp diễn.
Tháng Ba vừa qua, đặc phái viên Liên hợp quốc tại Libya Ghassan Salame từ chức và từ đó Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vẫn chưa tìm được người thay thế, khiến các nỗ lực hòa giải càng trở nên khó khăn hơn.
Theo thống kê, tình trạng bạo lực tại Libya đã khiến hàng nghìn người thương vong và buộc hơn 200.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Cộng đồng quốc tế đang lo ngại về nguy cơ thảm hoạ nhân đạo có thể bùng phát ở quốc gia Bắc Phi này./.
Minh Tâm (TTXVN/Vietnam+)