Ai Cập ngày 20/8 đã cảnh báo rằng các vụ đốt và xúc phạm kinh Koran ở Thụy Điển đã làm xấu hình ảnh của quốc gia châu Âu này trong thế giới Arab và Hồi giáo.
Cùng ngày, trong cuộc gặp với Đại sứ Thụy Điển tại Cairo Hakan Emsgard, Bộ trưởng Truyền giáo Ai Cập Mohamed Mokhtar Gomaa nhấn mạnh Chính phủ Thụy Điển cần nhanh chóng hàn gắn rạn nứt do những sự cố như vậy ở cấp độ pháp lý và xã hội.
Ông Gomaa kêu gọi Chính phủ Thụy Điển thực hiện những nỗ lực nghiêm túc để ngăn chặn, tránh để tái diễn các vụ báng bổ kinh Koran, trong một khung thời gian cụ thể.
Bộ trưởng Ai Cập cho biết việc xúc phạm kinh Koran là “một vấn đề thái quá và không thể chịu đựng được” và “không thể bỏ qua, nhắm mắt làm ngơ hoặc dung thứ.”
Đại sứ Emsgard khẳng định những nhận xét của ông Gomaa sẽ được chuyển đến các cơ quan hữu quan ở Thụy Điển và nhấn mạnh những nỗ lực không ngừng của chính phủ nước này trong việc giải quyết vấn đề.
[Thụy Điển cân nhắc cho phép cảnh sát chặn hành động đốt kinh Koran]
Theo ông Gomaa, những vụ báng bổ kinh Koran tạo ra sự thù hận giữa những người Hồi giáo với những kẻ thực hiện những hành vi này, và cả với những người cho phép những hành động này diễn ra, đồng thời cảnh báo về hệ lụy của những hành động khiêu khích đó.
Ông Gomaa nhấn mạnh: “Nỗi sợ hãi lớn nhất là vấn đề vuột khỏi tay những người có lý trí và khôn ngoan, dẫn đến một kết quả không có lợi cho bất kỳ ai.”
Quan chức Ai Cập khẳng định sự cần thiết phải hợp tác để xây dựng lòng khoan dung tôn giáo, tôn trọng cảm xúc của người khác và đề phòng việc xúc phạm tín ngưỡng thiêng liêng.
Những vụ mạo phạm và đốt kinh Koran diễn ra gần đây ở Đan Mạch và Thụy Điển đã gây ra sự phẫn nộ trong các cộng đồng Hồi giáo trên toàn thế giới.
Cả hai quốc gia châu Âu này đã xác nhận rằng đang tìm kiếm các biện pháp để hạn chế những hành động nêu trên, sau sự lên án rộng rãi từ các quốc gia Hồi giáo, mà đã gây ra căng thẳng ngoại giao.
Chính phủ Thụy Điển cũng nói rằng các vụ việc này đang gây tổn hại đến tình hình an ninh của đất nước và thu hút sự chú ý của các nhóm khủng bố.
Tuần trước, Thụy Điển đã phải nâng cảnh báo khủng bố lên mức 4 trên thang điểm 5, tuyên bố rằng quốc gia Bắc Âu này đã trở thành mục tiêu của những kẻ khủng bố.
Ai Cập đã lên án mạnh mẽ việc đốt kinh Koran, triệu tập cả đại sứ Đan Mạch tại Ai Cập và đại biện lâm thời tại Đại sứ quán Thụy Điển ở Cairo để trao đổi về vấn đề này.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry đã điện đàm với những người đồng cấp Thụy Điển và Đan Mạch vào đầu tháng Tám, để thảo luận về những nỗ lực nhằm không để những vụ việc này tiếp tục tái diễn./.
Nguyễn Tùng (TTXVN/Vietnam+)