Chủ tịch Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA), ông Osama Rabie, ngày 4/3, cho biết Ai Cập đang nghiên cứu mở rộng và hoàn thành luồng kênh thứ hai của Kênh đào Suez.
Được cấp vốn toàn bộ bởi SCA, dự án này sẽ giúp tăng khả năng tiếp nhận tàu thuyền và góp phần giảm tắc nghẽn giao thông đường thủy qua tuyến kênh đào này.
Sau thông báo ngày 3/3 về dự án mới mở rộng Kênh đào Suez, ông Rabie đã tiết lộ thêm chi tiết về dự án này.
Theo Chủ tịch SCA, dự án này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu về tính khả thi, tác động môi trường, nghiên cứu kỹ thuật, nghiên cứu về đất, quá trình nạo vét và các nghiên cứu khác.
SCA tiến hành những nghiên cứu này với sự hợp tác của các công ty tư vấn quốc tế lớn và dự kiến sẽ hoàn thành trong khoảng 16 tháng.
Sau đó, dự án mở rộng Kênh đào Suez sẽ được trình lên Chính phủ Ai Cập để phê duyệt. Tuy nhiên, ông Rabie không nêu tên các công ty đang tham gia vào quá trình nghiên cứu dự án.
Ông khẳng định nguồn tài trợ sẽ được cung cấp bởi ngân sách đầu tư của SCA và sẽ không gây thêm bất kỳ gánh nặng nào cho ngân sách chung của đất nước.
Chủ tịch SCA giải thích rằng dự án này nhằm mục đích mở rộng Kênh đào Suez theo cả hai hướng, tăng khả năng tiếp nhận tất cả các loại và kích cỡ tàu.
Drewry cho biết số lượng tàu container đi qua Kênh Suez trong 3 tuần đầu năm 2024 đã giảm 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, số tàu di chuyển qua Mũi Hảo Vọng tăng 218% trong giai đoạn này.
Ông Rabie nhấn mạnh rằng SCA đang thúc đẩy chiến lược đầy tham vọng nhằm cải tạo Kênh đào Suez, thông qua việc phát triển cơ sở hạ tầng và xem xét các dự án mới sẽ được tài trợ bằng ngân sách đầu tư của SCA.
Ông Rabie tiết lộ rằng SCA đã hoàn thành giai đoạn đầu của Dự án Phát triển khu vực phía Nam, mở rộng tuyến kênh thêm 40m từ Km132-162.
Công việc vẫn đang được tiến hành để hoàn tất giai đoạn thứ hai của dự án từ Km122-132, với khoảng 46,5 triệu m3 cát đã được nạo vét.
Dự án này nhằm mục đích tăng công suất tiếp nhận tàu của Kênh đào Suez lên trung bình 6 chiếc và tăng hệ số an toàn hàng hải trong khu vực này lên 28%.
Kênh đào Suez là tuyến đường biển ngắn nhất kết nối châu Á với châu Âu, chiếm tới 12% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa toàn cầu, góp phần thúc đẩy thương mại thế giới.
Trong thời gian qua, các cuộc tấn công của lực lượng Houthi tại Yemen nhằm vào các tàu thuyền thương mại trên Biển Đỏ đã khiến các công ty vận tải biển chủ chốt phải chuyển hướng khỏi tuyến hàng hải quan trọng này.
Các công ty buộc phải chọn tuyến đường vận chuyển dài hơn và đắt đỏ hơn để hạn chế rủi ro cũng như thiệt hại do các cuộc tấn công của Houthi gây ra./.