Ngày 27/8, Ai Cập thông báo các cuộc đàm phán liên quan đến Đập Thủy điện Đại Phục hưng (GERD) gây tranh cãi của Ethiopia đã được nối lại, sau khi hai nước hồi tháng trước nhất trí tiến tới một thỏa thuận sau nhiều năm căng thẳng giữa hai bên.
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, tại cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh các Quốc gia Láng giềng Sudan hồi tháng 7 vừa qua, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi và Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã đồng ý hoàn tất một thỏa thuận trong vòng 4 tháng, sau nhiều năm bất đồng về GERD.
Trong một tuyên bố, Bộ Thủy lợi và Tài nguyên Nước Ai Cập cho hay vòng đàm phán mới về GERD đã bắt đầu vào sáng 27/8 tại Cairo, với sự tham gia của các phái đoàn từ Ai Cập, Sudan và Ethiopia.
[Ai Cập kêu gọi thỏa thuận ràng buộc về pháp lý với đập Thủy điện GERD]
Với tổng vốn đầu tư 4,2 tỷ USD, GERD đã trở thành tâm điểm tranh chấp khu vực kể từ khi Ethiopia khởi công dự án này vào năm 2011, khiến Ai Cập lo ngại nguồn nước sông Nile của quốc gia Bắc Phi này sẽ sụt giảm mạnh.
Bộ trưởng Thủy lợi và Tài nguyên Nước Ai Cập Hani Sewilam nói rằng các cuộc đàm phán hiện nay với mục tiêu đạt được một thỏa thuận "có tính đến lợi ích và những lo ngại của ba nước," đồng thời kêu gọi "chấm dứt các biện pháp đơn phương liên quan đến GERD."
Vào tháng 6/2023, Ethiopia tuyên bố sẽ tiến hành đợt trữ nước thứ 4 cho hồ chứa của GERD, bất chấp sự phản đối liên tục của hai quốc gia hạ nguồn là Ai Cập và Sudan.
Các cuộc đàm phán kéo dài về vấn đề tích nước và vận hành con đập đến nay đã không mang lại thỏa thuận giữa Ethiopia và hai quốc gia láng giềng ở hạ nguồn sông Nile.
Ai Cập lâu nay luôn coi GERD là mối đe dọa hiện hữu do nước này phụ thuộc vào sông Nile để đáp ứng 97% nhu cầu nước.
Tuy nhiên, con đập này vẫn là trọng tâm trong các kế hoạch phát triển của Ethiopia và Addis Ababa thông báo đã bắt đầu sản xuất điện lần đầu tiên từ GERD vào tháng 2/2022./.
Nguyễn Trường (TTXVN/Vietnam+)