Ngày 14/8, một nguồn tin chính phủ Ai Cập nói với tờ tin tức Asharq rằng quốc gia Bắc Phi này đang có kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế trị giá 6 tỷ USD trong năm nay.
Theo nguồn tin này, trong kế hoạch ngân sách tài khóa 2022-2023, Ai Cập dự kiến sẽ nhận tài trợ từ bên ngoài khoảng 146,4 tỷ bảng Ai Cập (tương đương 7,7 tỷ USD), tăng khoảng 87% so với tài khóa trước đó.
Hồi tháng Ba, Ai Cập cũng đã lần đầu tiên chào bán trái phiếu quốc tế bằng đồng yen tại thị trường Nhật Bản, với giá trị là 500 triệu USD.
[Ai Cập sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới vào năm 2030]
Hãng tin Bloomberg mới đây cho biết Ai Cập đang tìm cách huy động 41 tỷ USD để bù đắp cho thâm hụt tài khoản vãng lai và trả nợ đáo hạn vào cuối năm 2023. Quốc gia Bắc Phi này cần khẩn trương huy động thêm ngoại tệ cho nền kinh tế để bù đắp thâm hụt.
Theo Bloomberg, Ai Cập cũng đàm phán với các ngân hàng khu vực và quốc tế để vay khoảng 2,5 tỷ USD nhằm giảm bớt áp lực kinh tế ngày càng gia tăng.
Là nước nhập khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, Ai Cập đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề do giá dầu mỏ và hàng hóa lương thực tăng cao thời gian gần đây, trong khi mất nguồn thu du lịch từ khách Nga và Ukraine.
Áp lực đã buộc Ai Cập phải tìm kiếm sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Đầu tháng này, Ai Cập tuyên bố đang đàm phán với IMF về khoản vay mới trị giá 5-7 tỷ USD và dự kiến hai bên có thể sẽ đạt được một thỏa thuận vào cuối năm nay.
Thời gian gần đây, Ai Cập đã nhận được các khoản đầu tư và hỗ trợ tài chính từ các nước vùng Vịnh, trong đó Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Qatar cam kết huy động hơn 22 tỷ USD tiền gửi và đầu tư vào nền kinh tế đang gặp khó khăn của đất nước Kim tự tháp./.
Nguyễn Tùng (TTXVN/Vietnam+