Ai Cập bác bỏ tuyên bố nước này có nguy cơ phá sản do nợ nước ngoài 

Chính phủ Ai Cập trích dẫn một báo cáo về hiệu suất của nền kinh tế từ tháng 6 đến tháng 11 năm nay cho biết tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP của Ai Cập là 34,1%, dưới mức giới hạn rủi ro tối đa là 50%.
Ai Cập bác bỏ tuyên bố nước này có nguy cơ phá sản do nợ nước ngoài

Chính phủ Ai Cập ngày 8/12 đã bác bỏ tuyên bố cho rằng nước này có nguy cơ phá sản do các khoản nợ và chi phí trả nợ gia tăng trong thời kỳ tăng lãi suất và lạm phát.

Chính phủ Ai Cập đã trích dẫn một báo cáo về hiệu suất của nền kinh tế nước này từ tháng 6 đến tháng 11 năm nay cho biết tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP của Ai Cập là 34,1%, dưới mức giới hạn rủi ro tối đa là 50%.

Báo cáo tiết lộ thêm cấu trúc và sự đa dạng của các công cụ nợ nước ngoài của Ai Cập bao gồm các khoản vay, tiền gửi, trái phiếu đã phát hành và các cơ sở tín dụng ngắn hạn đều đang tích cực.

Nội các Ai Cập cũng khẳng định phần lớn nợ nước ngoài của Ai Cập là trung và dài hạn. Khoảng hai phần ba nợ nước ngoài ở mức lãi suất cố định, giúp giảm thiểu rủi ro khi lãi suất quốc tế gia tăng.

Theo báo cáo, trước những cuộc khủng hoảng kinh tế liên tiếp mà thế giới đã chứng kiến trong các giai đoạn trước, các chính phủ trên khắp thế giới có xu hướng áp dụng các chính sách kinh tế mở rộng để giảm thiểu hậu quả của những tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế đối với các gia đình và công ty.

Những chính sách như vậy đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể về mức nợ toàn cầu, lên mức kỷ lục 350% GDP toàn cầu vào cuối quý 2/2022.

Chính phủ nói thêm rằng Ai Cập đặt mục tiêu duy trì kỷ luật tài khóa, giảm thâm hụt ngân sách xuống 5,6% GDP và đạt thặng dư ngân sách đầu tiên ở mức 0,2% GDP.

Các biện pháp này sẽ góp phần giảm nợ và đạt được sự ổn định tài chính và kinh tế cho ngân sách chung của đất nước và đảm bảo an toàn cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

[Ai Cập có kế hoạch phát hành 6 tỷ USD trái phiếu quốc tế]

Tuyên bố của Chính phủ Ai Cập được đưa ra sau khi Cơ quan thống kê và huy động công trung ương Ai Cập (CAPMAS) công bố chỉ số chung về giá tiêu dùng đã tăng 2,5% lên 140,7 điểm trong tháng 11.

CAPMAS cho biết tỷ lệ lạm phát hàng năm trong tháng 11 đã tăng lên 19,2%, so với 16,3% trong tháng 10.

Tỷ lệ lạm phát hàng năm ở khu vực thành thị cũng đã tăng trong tháng 11 lên 18,7%, so với 16,2% trong tháng 10.

Thông báo của CAPMAS nhấn mạnh rằng giá bánh mỳ và ngũ cốc tăng 52,1%, thịt và gia cầm tăng 30,3%, cá và hải sản tăng 38%, các sản phẩm từ sữa và trứng tăng 40%, càphê và trà tăng 23,1%.

CAPMAS cũng cho biết giá các sản phẩm thuốc lá tăng 0,3%, quần áo tăng 2,1%, giày dép tăng 1,3%, đồ đạc trong nhà tăng 2,6% và thiết bị gia dụng tăng 3,1%.

Trước đó, ngày 7/12, Bộ trưởng Tài chính Ai Cập Mohamed Maait đã khẳng định nền kinh tế của quốc gia Bắc Phi này có khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên trong và bên ngoài, nhờ việc thực hiện hiệu quả các chương trình cải cách kinh tế toàn diện, cũng như nỗ lực nghiêm túc để duy trì ổn định tài chính và tăng trưởng bền vững trong các lĩnh vực khác nhau./.

(Vietnam+)

 

208 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 779
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 779
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77206645