Afghanistan tiến gần hơn tới tương lai hòa bình 

(ĐCSVN) – Ngày 17/5, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và đối thủ Abdullah Abdullah đã ký kết thỏa thuận chia sẻ quyền lực, giúp tháo gỡ mâu thuẫn gay gắt kéo dài kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống hồi năm ngoái khiến Afghanistan lún sâu vào khủng hoảng chính trị.
Afghanistan tiến gần hơn tới tương lai hòa bình

Những diễn biến này cho thấy đất nước Afghanistan đã tiến một bước gần hơn tới tương lai hòa bình sau một thời gian dài chìm trong bất ổn. Và để hiện thực hóa điều này thì một “cái bắt tay trọn vẹn” giữa các lãnh đạo cấp cao trên hành trình cả một con đường lại là điều thực sự cần thiết.

Trên trang Twitter, phát ngôn viên Tổng thống Afghanistan Sediq Sediqqi cho biết, theo thỏa thuận vừa đạt được, ông Ghani tiếp tục giữ vị trí là Tổng thống Afghanistan, còn ông Abdullah sẽ dẫn đầu Hội đồng tối cao hòa giải dân tộc, phụ trách các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai với Taliban- bên đã ký một thỏa thuận mang tính lịch sử với Mỹ để mở đường cho việc rút các lực lượng nước ngoài, trong đó có cả nhiệm vụ huấn luyện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Afghanistan.

Ngoài ra, thỏa thuận cũng mở đường cho ông Abdullah có thể giới thiệu nhân sự lên Tổng thống để lựa chọn đứng vào hàng ngũ Nội các. Một số nguồn tin cho hay, thỏa thuận bảo đảm phe ủng hộ ông Abdullah sẽ nắm giữ  50% số thành viên nội các cũng như vị trí thống đốc các tỉnh.

Việc Tổng thống Ghani và đối thủ chính trị Abdullah ký kết thỏa thuận chia sẻ quyền lực đã được Mỹ và NATO hoan nghênh với kỳ vọng rằng điều này sẽ giúp chấm dứt xung đột, khôi phục ổn định tại Afghanistan. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của Mỹ và NATO cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo Afghanistan phải đoàn kết và nỗ lực hơn nữa để mang lại hòa bình lâu dài cho quốc gia Nam Á này. 

Trong bài phát biểu ngắn gọn được truyền hình trực tiếp, ngày 17/5, Tổng thống Ghani tin tưởng rằng, người dân Afghanistan sẽ được chứng kiến lệnh ngừng bắn trong những ngày tới và tiếp theo sau, sẽ là việc thiết lập một nền hòa bình lâu dài dưới vai trò dẫn dắt của ông Abdullah.

Về phía ông Abdullah nhấn mạnh, đất nước Afghanistan đã phải gánh chịu nhiều tổn thất do chiến tranh, bất ổn chính trị và giờ là đại dịch COVID-19. “Tôi hy vọng rằng, thỏa thuận ngày hôm nay sẽ đặt dấu chấm hết cho khủng hoảng” – ông Abdullah nói.

 
 Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani (phải) và ông Abdullah Abdullah ký kết thỏa thuận ngày 17/5/2020. (Video: AFP)

Ông Abdullah từng giữ vị trí điều hành cấp cao trong chính phủ Afghanistan và đã ra tranh cử Tổng thống vào ngày 28/9/2019. Tuy nhiên, ông cũng là người đã bác bỏ kết quả bỏ phiếu bầu cử, trong đó Ủy ban bầu cử Afghanistan tuyên bố Tổng thống đương nhiệm Ghani là người chiến thắng. Ngày 18/2, ông Abdullah công bố ý định sẽ thành lập một chính phủ song song tồn tại của riêng mình sau thất bại trong cuộc bầu cử diễn ra vào năm ngoái. Những căng thẳng tiếp diễn trong nhiều tháng qua đã khiến đất nước Afghanistan chìm sâu vào một “cuộc khủng hoảng kép” về chính trị và an ninh, trong bối cảnh giao tranh giữa các lực lượng chính phủ và Taliban vẫn tiếp diễn ngay cả sau thời điểm Mỹ và Taliban ký kết thỏa thuận hòa bình hồi tháng 2/2020.

Hơn thế nữa, bất đồng chính trị cũng khiến các nhà lãnh đạo hàng đầu của Afghanistan tốn nhiều thời gian và công sức, từ đó, khiến những nỗ lực thiết lập hòa bình tại quốc gia Tây Nam Á này bị chệch hướng. Mối quan hệ rạn nứt kéo dài này đã khiến giới quan sát tỏ ra hoài nghi về khả năng liệu chính phủ Afghanistan có thể bù đắp được thời gian đã mất để về đạt được những mục tiêu đề ra, nếu như không tăng cường gấp đôi, gấp ba nỗ lực.

Hiện đất nước Afghanistan đang phải đối mặt với những khó khăn chồng chất, khi mà tiến trình hòa đàm đầy trắc trở giữa chính phủ và lực lượng Taliban dự kiến diễn ra vào đầu tháng 3/2020 vẫn chưa được khởi động, trong khi bạo lực thì lại đang có chiều hướng gia tăng. Tình hình an ninh tại Afghanistan được dự báo là sẽ tiếp tục trở thành “chủ đề nóng” trong những ngày tới, sau khi ông Ghani chỉ thị cho lực lượng chính phủ tái khởi động các chiến dịch tấn công chống lại Taliban, sau một vụ tấn công tàn bạo nhằm vào một phòng hộ sinh ở thủ đô Kabul vào tuần trước bị chính phủ Afghanistan nghi là do Taliban thực hiện. Đáp lại, Taliban cũng phản ứng cứng rắn khi bác bỏ cáo buộc trên và coi tuyên bố mới nhất của ông Ghani chẳng khác nào một “lời tuyên chiến”.

Trong một động thái nhằm xoa dịu tranh cãi giữa các bên, Đặc phái viên của Mỹ về Afghanistan Zalmay Khalilzad cho rằng, vụ tấn công vào nhà hộ sinh ở thủ đô Kabul có thể do lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thực hiện. Theo quan điểm của ông Khalilzad thì giờ là lúc các bên cần tỏ ra nghiêm túc để đáp ứng sự mong mỏi của người dân Afghanistan và cộng đồng thế giới nhằm chấm dứt xung đột tại quốc gia này./.

 
Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)
121 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 671
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 671
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77283772