Giới chức Nga và Ấn Độ cho rằng lực lượng Taliban cần tuân thủ các cam kết đã đưa ra liên quan đến vấn đề bảo đảm an ninh cũng như thành lập chính phủ chuyển tiếp.
Nguồn tin Chính phủ Ấn Độ cho biết ngày 8/9, Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval và Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolay Patrushev đã có cuộc hội đàm về tình hình Afghanistan.
Hai bên đều cho rằng các tổ chức khủng bố nước ngoài tại Afghanistan đang tạo ra mối đe dọa an ninh đối với khu vực Trung Á và Ấn Độ.
Ngoài ra, quan chức an ninh hai nước bày tỏ lo ngại Afghanisan có nguy cơ cao trở thành một trung tâm sản xuất ma túy của thế giới.
Cùng ngày, các quan chức ngoại giao Pakistan, Trung Quốc, Tajikistan, Uzbekistan, Iran và Turkmenistan đã họp trực tuyến, thảo luận chiến lược về Afghanistan sau khi Taliban giành quyền kiểm soát nước này.
[Afghanistan: EU và Đức không ủng hộ thành phần Chính phủ lâm thời]
Kết thúc cuộc họp, các nước này đã ra tuyên bố chung nhất trí sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa để ngăn ngừa thảm họa nhân đạo đang ngày càng trầm trọng tại Afghanistan và cần có cách tiếp cận chung trong đối phó với những thách thức như an ninh biên giới, ngăn chặn Afghanistan trở thành "sào huyệt" của chủ nghĩa khủng bố và dòng người di tản ồ ạt.
Phát biểu ngày 8/9 trong một cuộc họp trực tuyến với giới chức ngoại giao các nước láng giềng với Afghanistan, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng so với các nước khác, Mỹ và các đồng minh cần có sự hỗ trợ lớn hơn về kinh tế cũng như các hoạt động cứu trợ tại quốc gia Tây Nam Á này.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ các nước trên cần hỗ trợ đường hướng phát triển tích cực của Taliban, trong khi vẫn tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và độc lập của quốc gia này. Ngoài ra, ông cho rằng tất cả các bên cần tăng cường hợp tác biên giới để ngăn chặn các tổ chức khủng bố từ Afghanistan.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood đã đề xuất mời chính quyền mới tại Afghanistan tham gia một diễn đàn khu vực gồm 6 nước để ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo tại quốc gia Tây Nam Á này.
Ông cho rằng sự tham gia của Afghanistan sẽ làm gia tăng hiệu quả của diễn đàn này trong việc theo đuổi các mục tiêu chung hướng tới hòa bình và ổn định ở chính nước này.
Ông nhấn mạnh căn cứ tình hình thực tế hiện nay tại Afghanistan, các ưu tiên hàng đầu hiện nay tại nước này là ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo nhấn chìm người dân nước này./.
Lan Phương (TTXVN/Vietnam+)