Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) ngày 27/5 đã triển khai Cơ chế Kinh tế Tuần hoàn châu Phi (ACEF) với tổng giá trị lên tới 4 tỷ euro (4,29 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các quốc gia tại lục địa này.
Phát biểu tại buổi ra mắt ACEF trong khuôn khổ cuộc họp thường niên lần thứ 57 của AfDB đang diễn ra tại thủ đô Accra, Ghana, Phó Chủ tịch AfDB phụ trách hành động khí hậu Kevin Kanina cho biết cơ chế này nhằm giúp tất cả các nước châu Phi thích ứng với quá trình biến đổi khí hậu trên cơ sở tập trung vào ba trụ cột chính gồm xây dựng năng lực thể chế; hỗ trợ khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME); và mở rộng thành viên của Liên minh Kinh tế Tuần hoàn châu Phi (ACEA).
ACEA được khởi động để thúc đẩy sự chuyển tiếp của các quốc gia châu Phi hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn, mang lại tăng trưởng kinh tế, việc làm và cả những tác động tích cực về môi trường.
Cho đến nay, chỉ có Ghana, Côte d'Ivoire, Nigeria, Rwanda và Nam Phi là thành viên của ACEA.
Trả lời phỏng vấn báo chí Ai Cập, Giám đốc chi nhánh của AfDB, ông Gareth Phillips khẳng định định chế tài chính này đang cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để Ai Cập tổ chức Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 27 (COP27) dự kiến vào tháng 11 tới, trong đó ACEF sẽ là một chủ đề quan trọng.
Ngoài ra, với vai trò là một bên hợp tác của cơ chế ACEF, Ngoại trưởng Phần Lan Juha Savolainen đã lên tiếng kêu gọi châu Phi tăng gấp đôi tài chính cho các sáng kiến thích ứng với biến đổi khí hậu tới năm 2025, nhằm tránh khỏi những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Trước đó, trong báo cáo triển vọng kinh tế châu Phi mới công bố, AfDB lưu ý răng lục địa này cần từ 32-40 tỷ USD/năm để hỗ trợ chuỗi giá trị năng lượng nhằm tăng cường khả năng tiếp cận đại điện năng cho người dân vào năm 2030./.
Việt Khoa (TTXVN/Vietnam+)