Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) tại thủ đô Niamey của Niger kết thúc ngày 9/7 sau khi lãnh đạo 54 nền kinh tế thành viên ra mắt Khu vực Thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) cũng như thống nhất khởi động tiến trình thực hiện hiệp định thương mại lớn này.
Sau 17 năm đàm phán gai góc, AfCFTA được kỳ vọng mở rộng cánh cửa giao thương của thị trường trị giá 2.500 tỷ USD cũng như giúp nâng cao đời sống của 1,2 tỷ dân tại lục địa thường chỉ được biết đến với nghèo đói và xung đột này.
Tại hội nghị thu hút gần 5.000 đại biểu gồm nguyên thủ cùng hàng trăm bộ trưởng các quốc gia thành viên AU, Tổng thống nước chủ nhà Niger Mahamadou Issoufou khẳng định AfCFTA có hiệu lực là sự kiện quan trọng nhất đối với châu Phi kể từ khi thành lập Tổ chức Thống nhất châu Phi (OAU) năm 1963 và sau đó chuyển thành Liên minh châu Phi ngày nay.
Chia sẻ nhận định trên, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahamat nhấn mạnh rằng AfCFTA - "giấc mơ bấy lâu’’ của "Lục địa Đen" - nay đã trở thành hiện thực và trong tương lai hoàn toàn có thể trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, Liên hợp quốc gọi AfCFTA là "cây cầu" nối tới hòa bình ở châu Phi.
Thật vậy, sau khi AfCFTA đi vào hoạt động, việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan sẽ giúp tăng tỷ trọng thương mại nội khối lên 60% trong vòng 3 năm tới so với tỷ lệ hiện tại là 16%.
Bên cạnh đó, AfCFTA sẽ góp phần bảo đảm tăng trưởng bền vững, tạo việc làm, giảm nghèo, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy phát triển công nghiệp và hội nhập kinh tế toàn cầu tốt hơn.
AfCFTA được đánh giá sẽ làm thay đổi cơ bản "cuộc chơi" bấy lâu nay tại châu Phi. Thay vì trước đây chỉ tập trung vào các đối tác "xa xôi" tận châu Âu hay Mỹ, các quốc gia châu Phi từ giờ sẽ có cơ hội tăng cường giao thương với nhau và bổ sung cho nhau để cùng phát triển.
Theo số liệu của AU, kim ngạch thương mại giữa các nước châu Phi hiện đang thấp hơn rất nhiều so kim ngạch giữa các nước châu Phi với các khu vực khác trên thế giới. Thương mại nội khối châu Phi chỉ chiếm 16% trong tổng giá trị thương mại của toàn châu lục, thấp hơn so mức 19% tại Mỹ Latinh, 51% ở châu Á, 54% ở Bắc Mỹ và 70% ở châu Âu.
Các chuyên gia cho rằng bên cạnh tình trạng bất ổn chính trị và xung đột thường xuyên xảy tại nhiều quốc gia, một nguyên nhân quan trọng khác ngăn cản việc giao thương giữa các nước châu Phi là việc thiếu hụt một hành lang pháp lý, các chính sách ưu đãi cũng như sự đồng lòng từ các quốc gia thành viên.
[Các nước AU chính thức ra mắt Khu vực Thương mại tự do châu Phi]
Mặc dù AfCFTA đã được ra mắt nhưng AU cho biết hiệp định này sẽ chỉ được kích hoạt một cách đầy đủ từ ngày 1/7/2020 nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các quốc gia thành viên có thời gian chuẩn bị mọi thứ cần thiết để có thể tham gia một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng tự do hóa thương mại phải phù hợp với việc cải cách cơ cấu nội bộ. Không một quốc gia nào có thể tự do hóa mọi thứ ngay lập tức. Vì thế, quá trình này sẽ kéo dài không chỉ trong 1 năm mà là vài năm.
Theo nhận định của Vụ trưởng Vụ Thương mại Bộ Công Thương Malawi Christina Chatima, các nước phát triển kém hơn cần 10 năm để loại bỏ thuế quan, thậm chí nhóm 6 nước kém phát triển nhất, gồm cả Niger và Malawi, cần tới 15 năm để chuẩn bị.
Ngoài một vài kiến nghị về việc lùi thời gian kích hoạt đầy đủ AfCFTA, nhiều thành viên AU cũng đề nghị trong quá trình thực thi cần tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí xác định xuất xứ hàng hóa nhằm tránh việc gian lận xuất xứ để được hưởng thuế suất ưu đãi.
Ngoài ra, nhiều nước kêu gọi AU cần tiếp tục cụ thể hóa lịch trình nhượng bộ thuế quan về thương mại hàng hóa, làm rõ cơ chế giám sát và loại bỏ những trở ngại phi thuế đối với thương mại trực tuyến, thúc đẩy nền tảng thanh toán số và xây dựng một cổng thông tin trực tuyến theo dõi tình hình thực hiện AfCFTA.
Bên cạnh đó, sự phát triển không đồng đều của các nền kinh tế sẽ dẫn đến xung đột về lợi ích giữa các quốc gia tham gia AfCFTA, chẳng hạn như giữa Nam Phi và Nigeria.
Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) ở Niamey, Niger. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Là một nền kinh tế phát triển nhất châu lục với sản phẩm mang hàm lượng công nghệ và tính hoàn thiện cao, sau khi xóa bỏ hàng rào thuế quan, hàng hóa của Nam Phi sẽ dễ dàng xâm nhập chiếm lĩnh thị trường các nước châu Phi như Nigeria và cuối cùng sẽ làm tê liệt ngành công nghiệp chế tạo non trẻ tại các quốc gia này.
Trong khi đó, Nigeria hiện tại chỉ có mặt hàng xuất khẩu chủ đạo là dầu thô - sản phẩm mà giá bán luôn phụ thuộc vào sự trồi sụt của thị trường thế giới.
Đây cũng được xem là nguyên nhân chủ yếu khiến Nigeria chần chừ trong một thời gian dài và cuối cùng mới quyết định cùng Benin tham gia ký gia nhập AfCFTA vào phút chót tại Niamey hôm 7/7 vừa rồi.
Hiện tại, trong 55 nước thành viên AU, chỉ còn quốc gia 4,5 triệu dân Eritrea là chưa tham gia AfCFTA. Tuy nhiên, tại hội nghị thượng đỉnh AU vừa qua, quốc gia Đông Bắc Phi này cho biết sẽ tham gia hiệp định tự do thương mại trong thời gian sớm nhất sau khi hoàn tất những bước chuẩn bị cần thiết.
Mặc dù AfCFTA còn chứa đựng một số tồn tại mang tính kỹ thuật cần tiếp tục giải quyết, nhưng việc 54 quốc gia thành viên AU đã đồng lòng xây dựng và đưa vào hoạt động hiệp định thương mại được mong đợi bấy lâu này là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử không chỉ đối với 1,2 tỷ người dân nơi đây, mà còn với phần còn lại của thế giới.
Bên cạnh kỳ vọng sẽ giúp cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân châu Phi đang còn nhiều thiếu thốn, từng bước hiện thực hóa "ước mơ" một châu Phi không còn đói nghèo, AfCFTA sẽ nâng vị thế của châu Phi trên bàn đám phán thương mại ngang hàng với Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) hay Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA)./.
Phi Hùng (TTXVN/Vietnam+)