Hội nghị các Bộ trưởng kinh tế ASEAN trực tuyến lần thứ 52 (AEM-52) và các Đối thoại, tham vấn cấp Bộ trưởng Kinh tế của ASEAN với các Đối tác ngoại khối đã được tổ chức trực tuyến ngày 25/8.
Hội nghị do Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì, với sự tham dự của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN và đại diện Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN.
Các nội dụng mà hội nghị AEM-52 thảo luận lần này tập trung vào các nội dung như: Rà soát tiến trình triển khai các sáng kiến về kinh tế trong năm 2020 khi Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch; Thảo luận, cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 và ứng phó của khu vực, bao gồm cả khả năng xây dựng Kế hoạch phục hồi toàn diện của ASEAN.
Hội nghị cũng thảo luận các khuyến nghị của Nhóm Đặc trách về Hội nhập Kinh tế ASEAN trình lên các Bộ trưởng Kinh tế đồng thời thảo luận báo cáo của các SEOM lên các Bộ trưởng Kinh tế; thảo luận nội dung chuẩn bị cho đối thoại với hàng loạt đối tác của ASEAN cũng như với cộng đồng doanh nghiệp khu vực và chia sẻ quan điểm của các bộ trưởng về tiến trình cải cách WTO…
[Đưa các nước CLMV trở thành điểm đến quan trọng hấp dẫn nhà đầu tư]
Các Bộ trưởng đã xem xét, thảo luận và thông qua một số văn kiện chính do SEOM trình lên, bao gồm: Chỉ số Hội nhập số ASEAN; Tài liệu tham chiếu (TOR) về Kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo ASEAN; Hướng dẫn thúc đẩy kinh doanh toàn diện trong ASEAN.
Trong số đó, “Chỉ số Hội nhập số ASEAN” và “Tài liệu tham chiếu về Kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo ASEAN” là 2 trong tổng số 13 sáng kiến ưu tiên của Việt Nam cho năm Chủ tịch ASEAN 2020. Các sáng kiến còn lại vẫn đang được Việt Nam tham vấn và thúc đẩy triển khai, dự kiến sẽ được hoàn thành trong năm 2020 theo kế hoạch đề ra.
Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN trực tuyến lần thứ 52. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Mặc dù đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều quốc gia ASEAN, Việt Nam vẫn nỗ lực thúc đẩy việc tổ chức các hội nghị cấp Bộ, cấp Vụ cũng như cấp Nhóm công tác nhằm duy trì việc vận hành của khung hợp tác kinh tế ASEAN, thúc đẩy các hoạt động thương mại, đầu tư, kết nối, sáng tạo...
Đặc biệt, Việt Nam đã chủ động đề xuất và tham gia vào các sáng kiến khu vực nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế, duy trì chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng khu vực và thế giới.
Hội nghị đã đưa ra Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN, Kế hoạch hành động Hà Nội; Tuyên bố chung và Kế hoạch hành động của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN+3; Tuyên bố chung và Kế hoạch hành động của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN-Nhật Bản. Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN-Trung Quốc và Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN-Hàn Quốc.
Ngoài ra, Hội nghị AEM-52 cũng đã trao đổi quan điểm về các diễn biến kinh tế ở góc độ toàn cầu và khu vực, bao gồm cả tác động kinh tế của đại dịch COVID-19./.
Một số nội dung nổi bật khác cũng đã được thảo luận, bao gồm:
+ Thảo luận trong nội bộ ASEAN về định hướng đàm phán, hướng tới mục tiêu kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định RCEP vào cuối năm 2020 theo chỉ đạo của các Nhà Lãnh đạo.
+ Triển khai Kế hoạch tổng thể năm 2025 của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), đặc biệt là việc đánh giá giữa kỳ để có thể điều chỉnh Kế hoạch tổng thể năm 2025 phù hợp với bối cảnh mới trong khu vực cũng như giúp ASEAN vượt qua các thách thức trên quy mô toàn cầu.
+ Tiến độ thực hiện 13 ưu tiên, sáng kiến (PED) do Việt Nam đề xuất trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, trong đó đã hoàn thành việc thực hiện 2 sáng kiến và đang trong giai đoạn cuối hướng đến hoàn thành các ưu tiên còn lại.
+ Những phát triển trong quan hệ kinh tế ASEAN với đối tác ngoại khối như: Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc, Mỹ, Hongkong (Trung Quốc), Đông Á, Australia, New Zealand, EU...
|
Đức Duy (Vietnam+)