Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 4/4 đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2023 của các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực này, chủ yếu nhờ triển vọng từ việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp dụng để phòng dịch COVID-19 và mở lại biên giới.
ADB dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á đạt 4,8% trong năm 2023, cao hơn mức 4,6% đưa ra trong dự báo hồi tháng 12/2022.
Năm 2022, các nền kinh tế này tăng trưởng 4,2%. Nhóm các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á gồm 46 nước thành viên ADB, trải dài từ Kazakhstan tại Trung Á tới Quần đảo Cook ở Thái Bình Dương.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và chiếm khoảng 50% tăng trưởng kinh tế khu vực nêu trên, đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế từ tháng 12/2022 giúp khôi phục các hoạt động kinh tế.
Trong báo cáo mới, ADB nêu rõ các triển vọng kinh tế của khu vực châu Á đang phát triển được cải thiện đáng kể nhờ quá trình mở cửa nhanh chóng của Trung Quốc. Điều này hỗ trợ tăng trưởng cho các nhà xuất khẩu hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa trung gian và hàng hóa thành phẩm trong khu vực.
Ngành du lịch của khu vực cũng sẽ hưởng lợi, trong đó phải kể đến Campuchia, Maldives, Palau và Thái Lan, bởi Trung Quốc là nguồn khách du lịch chủ yếu của những nước này, tính đến năm 2019.
[Kinh tế châu Á tăng trưởng khiêm tốn, ít điểm sáng trong năm 2023]
ADB dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5% trong năm 2023 và 4,5% trong năm 2024, đều cao hơn mức 3% năm 2022 - mức thấp nhất trong 40 năm, chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch và khủng hoảng ngành bất động sản tại nước này.
Theo ABD, lạm phát của khu vực, tính cả giá thực phẩm và năng lượng, được dự báo ở mức 4,2% năm 2023 và 3,3% năm 2024, đều cải thiện so với mức 4,4% của năm 2022.
Theo ADB, lạm phát tại Trung Quốc dự kiến ở mức "dễ chịu" khi tiêu dùng trong nước cần thời gian phục hồi sau các đợt phong tỏa, đồng thời áp lực giá cả toàn cầu giảm nhẹ và các nền kinh tế phát triển dần giảm tốc.
Nếu không tính Trung Quốc, lạm phát khu vực đang phát triển ở châu Á là 6,2% trong năm 2023 và 4,4% trong năm 2024.
Bên cạnh đó, trong báo cáo mới, ADB cảnh báo xung đột tại Ukraine sẽ làm trầm trọng thêm tình hình lạm phát, dẫn tới các đợt tăng lãi suất mới.
Nam Á được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh nhất khu vực, trong đó Ấn Độ có thể tăng trưởng 6,4% nhờ nhu cầu trong nước ổn định. Năm 2022, kinh tế Ấn Độ tăng trưởng 6,8%./.
Khánh Ly (TTXVN/Vietnam+)