Ngày 14/12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Malaysia từ 4,7% xuống 3,8% và năm 2022 từ 6,1% xuống 5,9%.
Theo dự báo của ADB, kinh tế khu vực Đông Nam Á sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2021, trong khi kinh tế Malaysia tăng trưởng 3,8%. Dù tăng trưởng của Malaysia có giảm so với mức dự báo trước đó (4,7%), nhưng chỉ đứng sau Singapore với 6,9%, Philippines với 5,1% và cao hơn Indonesia với 3,5%, Việt Nam (2%) và Thái Lan (1%).
Cùng với việc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 đối với một số nước Đông Nam Á, ADB cũng làm điều tương tự đối với các nước đang phát triển ở châu Á. Nguyên nhân là do sự xuất hiện của biến thể Omicron và số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới không ngừng tăng lên cho thấy dịch bệnh vẫn chưa thể kết thúc trong lai gần.
[Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có phù hợp ở Đông Nam Á?]
Trong bản bổ sung Báo cáo triển vọng phát triển châu Á công bố cùng ngày, ADB dự báo kinh tế châu Á năm 2021 sẽ đảo ngược tình hình so với năm ngoái, chuyển từ suy giảm 0,1% sang tăng trưởng 7% trong năm nay, nhưng thấp hơn mức dự báo 7,1% đưa ra vào tháng Chín vừa qua.
Đối với năm 2022, ADB dự đoán tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển ở châu Á sẽ chậm lại còn 5,3%, thấp hơn mức dự báo trước đó là 5,4%.
Theo ADB, các nước đang phát triển ở châu Á dự kiến sẽ duy trì xu thế phục hồi như mong đợi trong Báo cáo triển vọng phát triển châu Á hồi tháng 9/2021. Tuy nhiên, báo cáo chỉ rõ sự xuất hiện của biến thể Omicron gần đây cảnh tỉnh mọi người rằng dịch bệnh cần có thể sẽ bùng phát mạnh hơn./.
Hà Ngọc (TTXVN/Vietnam+)