A Ngo, điểm sáng ở miền Tây Đakrông 

(QT) - Trở lại A Ngo lần này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước những đổi thay của một xã nằm ở phía tây huyện Đakrông, sát biên giới Việt-Lào. Từ ngày nhà nước đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh nhánh tây và tỉnh Quảng Trị nâng cấp cửa khẩu La Lay thành cửa khẩu quốc tế, từ trung tâm huyện lỵ về A Ngo với khoảng cách hơn 70 cây số đều đi được bằng ô tô hết sức thuận lợi. Hai bên đường, nhiều hộ gia đình trước đây ở trong núi sâu đã ra làm nhà, mở cơ sở buôn bán, kinh doanh, đời sống cả vật chất lẫn tinh thần đã có bước cải thiện đáng kể.

Bên cạnh đó, xã lồng ghép nguồn vốn từ chương trình 134, 135 và gần đây là chương trình 30a của Chính phủ, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Trên địa bàn đã có thêm 10 tuyến đường giao thông được nâng cấp và xây dựng mới bằng bê tông. Các công trình thủy lợi, hệ thống nước sinh hoạt tự chảy được sửa chữa, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Cơ sở vật chất trường học, trạm y tế được xây dựng mới. Hiện tại tỷ lệ hộ dùng điện đạt 98,5 %. Trên địa bàn xã đã có điểm phục vụ bưu chính - viễn thông, có internet. Đặc biệt, nhận thấy trên địa bàn nhiều nơi dân cư ở thưa thớt, nhiều hộ không có đất sản xuất, năm 2008 xã đã đề nghị và được huyện chấp thuận xây dựng Khu định canh định cư thôn Pi Rao có tổng mức đầu tư hơn 9 tỷ đồng.

 

Cùng với xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm, 70 hộ gia đình người dân tộc thiểu số đã đến đây sinh sống và lập nghiệp lâu dài, mỗi gia đình được cấp 900 m2 đất vườn và đất làm nhà ở, gần 1 ha đất sản xuất và hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế. Tiếp chúng tôi trong căn nhà xây kiên cố, khang trang, anh Hồ Văn Sao, (35 tuổi) ở Khu định canh định cư thôn Pi Rao bộc bạch, sinh ra ở thôn A Đang, nhà đông anh em, đất đai của bố mẹ lại ít, không đủ chia đều cho các con nên khi nghe có chủ trương lên khu định canh định cư, anh đã bàn với vợ đăng ký ngay. Lên đây anh thấy đất đai rộng, màu mỡ, làm ăn dễ, con cái học hành thuận tiện, đau ốm đã có trạm xá. Từ tháng 2/2016, UBND tỉnh có quyết định thành lập thôn Pi Rao, do vậy người dân rất thuận lợi trong việc đăng ý hộ khẩu, vay vốn để đầu tư cho sản xuất.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn Hêm, Chủ tịch UBND xã A Ngo cho biết: Sau khi hoàn thành công tác quy hoạch đất đai, quy hoạch khu dân cư, cùng với ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh và sản xuất, xã thực hiện có hiệu quả các chính sách, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế. Cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể cũng như Đồn Biên phòng đóng trên địa bàn cũng vào cuộc xác định nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho mỗi người dân có ý thức không trông chờ, ỷ lại, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu. Bên cạnh đó, chính quyền xã đã phát động khai hoang, cấp đất sản xuất, hỗ trợ giống cây, giống vật nuôi, mở các lớp tập huấn kỹ thuật với phương thức cầm tay chỉ việc, xây dựng một số mô hình điểm để người dân tham khảo, học tập.

 

Nhờ vậy, chỉ tính từ năm 2011 khi được huyện chọn là 1 trong 2 xã điểm xây dựng nông thôn mới đến nay, nền kinh tế của A Ngo có sự chuyển biến tích cực. Người dân đã nỗ lực vươn lên xóa nghèo bằng cách khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tận dụng khai hoang đất bằng trồng lúa nước, mở rộng diện tích ngô, khoai, sắn, phát triển chăn nuôi trâu bò, dê, nuôi cá nước ngọt. Đồng thời hàng năm người dân còn trồng hàng chục héc ta rừng, nhận khoán, bảo vệ, chăm sóc hơn 1.400 ha rừng sản xuất và hơn 1.500 ha rừng phòng hộ. Không chỉ phát triển kinh tế, nâng thu nhập bình quân đầu người hiện nay lên hơn 8,3 triệu đồng, người dân A Ngo đã có sự quan tâm đến việc học hành của con em. 100% trẻ trong độ tuổi đều được đến trường, có 59 học sinh đang theo học ở Trường phổ thông dân tộc nội trú của huyện và 24 em theo học tại các trường đại học, cao đẳng.

 

Từng gia đình đã biết làm đẹp nhà cửa của mình, vệ sinh nhà cửa, nương vườn sạch sẽ, tích cực tham gia các đợt ra quân làm xanh, sạch, đẹp môi trường do các tổ chức đoàn thể phát động, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Rõ ràng với chủ trương của nhà nước về xây dựng nông thôn mới, với nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án, đặc biệt là được thụ hưởng chương trình 30a của Chính phủ, các xã miền núi như A Ngo đã có thêm những điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế. Song điều phấn khởi nhất là cấp ủy, chính quyền và nhân dân ở đây đã phát huy quyền làm chủ, quản lý và sử dụng các nguồn vốn có hiệu quả, đúng mục đích nên đã làm cho đời sống vật chất và tinh thần của từng hộ gia đình ngày càng được nâng lên.

 

Năm 2017 và những năm tới, xã A Ngo xác định cùng với nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp, sẽ từng bước khai thác lợi thế nằm gần Cửa khẩu quốc tế La Lay để tập trung phát triển thương mại, dịch vụ. Bên cạnh đó tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu hoàn thành 19/19 tiêu chí trong thời gian sớm nhất.

 

Bá Thuần

 
 

 

1470 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 867
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 867
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77044503