Kết quả khảo sát, được thực hiện từ tháng 10 - 12/2018 với 401 doanh nghiệp, 184 tổ chức xã hội dân sự và 3.900 cá nhân tham gia, cho thấy tới 96% số người được hỏi tại 10 nước thành viên ASEAN biết đến tổ chức này.
Trong các vấn đề quan tâm, 47% ý kiến cho rằng ASEAN cần ưu tiên cho cuộc chiến chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và buôn lậu ma túy. Các vấn đề cũng được quan tâm gồm hòa bình và ổn định khu vực (47% ý kiến), nhân quyền (45%), phòng chống tham nhũng và thúc đẩy quản trị tốt (42%).
Hơn 4/5 người được hỏi cho biết đang hưởng lợi từ ASEAN thông qua các hoạt động du lịch, cơ hội việc làm, học tập và mua sắm. Về các kênh truyền thông, truyền hình và Internet là hai kênh tiếp nhận thông tin chính của người dân về ASEAN, bên cạnh các mạng xã hội, báo viết và đài phát thanh.
Cuộc khảo sát nhằm mục đích đánh giá sự hiểu biết và nhận thức chung về ASEAN, cũng như các chiến lược truyền thông hiện tại và xác định các kênh truyền thông hiệu quả nhằm phổ biến thông tin tới công dân các nước ASEAN.
Nghiên cứu được Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Quỹ hội nhập Nhật Bản - ASEAN và được Ipsos Business Consulting thực hiện.
TTXVN cho biết, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa xã hội Kung Phoak nhấn mạnh rằng PoAA giúp phát triển các chiến lược truyền thông nhằm “tạo cộng hưởng” giữa người dân các nước và thúc đẩy thực hiện một số sáng kiến quan trọng trong Năm Bản sắc ASEAN 2020./.
BT