Quyền Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Á-Phi và Trung Đông, Học Viện Quan hệ Quốc tế Campuchia, Viện Hàn Lâm Hoàng gia Campuchia (RAC), học giả Uch Leang cho biết trong suốt 57 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, Campuchia và Việt Nam đã không ngừng đề cao và thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, từ thời điểm Campuchia tái lập Vương quốc thứ hai cho đến hôm nay.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Phnom Penh nhân dịp kỷ niệm 57 năm Ngày chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia (24/6/1967-24/6/2024), ông Uch Leang cho biết trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet vào tháng 12/2023, hai bên đã thể hiện mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ truyền thống lâu đời giữa hai nước.
Thông qua chuyến thăm, Lãnh đạo hai nước cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ, tăng cường và mở rộng hơn nữa hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục, thương mại, đầu tư, du lịch, văn hóa, an ninh, quốc phòng và biên giới, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước.
Qua đó, từng bước hướng tới các mục tiêu phát triển trong chiến lược ngũ giác giai đoạn 1 của Chính phủ Hoàng gia Campuchia nhiệm kỳ 7 với phương châm lấy con người làm trung tâm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước phù hợp với tầm nhìn đưa Campuchia trở thành quốc gia phát triển vào năm 2050, cũng như tầm nhìn Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Học giả Uch Leang khẳng định trải qua nhiều giai đoạn hợp tác phát triển, mối quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia luôn được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân Campuchia trân trọng, đề cao, vun đắp.
Tinh thần đó tiếp tục được Thủ tướng Hun Manet nhấn mạnh trong bài phát biểu mới đây, nhân sự kiện kỷ niệm lần thứ 47 Ngày tưởng niệm “Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” ở Campuchia, hôm 20/6, tại Khu lịch sử quân sự Techo Koh Thmar X16 thuộc địa phận ấp Koh Thmar (xã Tonloung, huyện Memut, tỉnh Tboung Khmum), tiếp giáp biên giới Việt Nam.
Khu Lịch sử quân sự Techo Koh Thmar X16 là quần thể di tích lịch sử gắn liền với sự kiện khởi đầu “Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” của Chủ tịch đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Campuchia đương nhiệm Samdech Techo Hun Sen và các đồng đội vào cuối thập niên 1970, đánh dấu sự kiện nhà lãnh đạo này vượt biên sang Việt Nam tìm kiếm sự hỗ trợ từ quốc gia láng giềng, vào ngày 20/6/1977.
Từ khởi đầu đó, chàng trai 25 tuổi Hun Hen năm ấy đã tổ chức tập hợp lực lượng, phối hợp cùng các lực lượng yêu nước chân chính khác của Campuchia lúc bấy giờ, cùng sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả của Việt Nam, tiến hành cuộc đấu tranh chính nghĩa để giải cứu dân tộc, tiến tới chiến thắng lịch sử, giải phóng đất nước và nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot vào ngày 7/1/19179.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm lần thứ 47 sự kiện lịch sử trên, Thủ tướng Hun Manet khẳng định tinh thần yêu nước và sự hy sinh của các chiến sỹ và nhân dân qua các thời kỳ lịch sử đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và xây dựng nền hòa bình, ổn định xã hội ở Vương quốc Campuchia, cũng như đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội, vì lợi ích tối thượng của dân tộc, tổ quốc và nhân dân Campuchia.
Trong bài phát biểu được phát sóng trực tiếp trên Đài truyền hình quốc gia Campuchia và các nền tảng truyền thông khác, Thủ tướng Hun Manet bày tỏ quan điểm mãi ghi nhớ sự tham gia, đóng góp của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam, đã tham gia hỗ trợ Campuchia trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ông khẳng định lịch sử là nhân tố quan trọng hàng đầu của mỗi quốc gia và trong mối quan hệ giữa các quốc gia.
Đề cập đến mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng, Thủ tướng Hun Manet cho biết Lãnh đạo hai nước thường xuyên khẳng định Campuchia và Việt Nam có lịch sử từng hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong công cuộc giành độc lập từ chế độ thực dân. Trong đó, lãnh đạo và nhân dân Campuchia từng hỗ trợ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng đất nước, tiến tới thống nhất dân tộc và phát triển.
Tương tự, lãnh đạo và nhân dân Việt Nam cũng từng hỗ trợ Campuchia trong sự nghiệp giải phóng đất nước khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Từ góc nhìn đó, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia nhiệm kỳ 7 nhấn mạnh “Đó là sự thật lịch sử mà nhân dân hai nước chúng ta cần hiểu rõ, để tránh hiểu lầm bởi cách diễn đạt, lý giải không có cơ sở thực tiễn lịch sử.”
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, nhà nghiên cứu Uch Leang cho rằng hành trình 57 năm quan hệ ngoại giao giữa Campuchia và Việt Nam tuy trải qua một số giai đoạn thăng trầm nhưng mối quan hệ này đã kinh qua nhiều thử thách, được tôi luyện trong nhiều bối cảnh, tạo dựng được nền móng vững chắc, cộng với những điểm tương đồng trong chính sách đối ngoại, đã tạo động lực mạnh mẽ thúc quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai nước lên một tầm cao mới, ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả trên mọi lĩnh vực, trở thành tài sản chung vô giá, trường tồn và không gì lay chuyển được của hai dân tộc.
Từ góc nhìn đó, nhà nghiên cứu thuộc RAC nêu rõ: “Điều đặc biệt quan trọng là Campuchia đã hỗ trợ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, trong khi Việt Nam hỗ trợ đất nước Campuchia trong công cuộc đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot và tiếp tục vun đắp truyền thống tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhằm duy trì hòa bình, ổn định trên tinh thần “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” trong quan hệ giữa hai nước”./.
Thủ tướng Campuchia bày tỏ cảm ơn Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng các hạng mục công trình để biến chiến trường năm xưa trở thành khu di tích lịch sử, trở thành khu vực biên giới hòa bình.