Theo CDC châu Phi, con số trên được cập nhật trong ngày 22/3 và hiện số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 đã lên tới 37 trường hợp ở 7 quốc gia trong khu vực.
Cũng theo cơ quan này, Ai Cập hiện đứng đầu châu Phi với 294 trường hợp mắc COVID-19, Nam Phi đứng thứ hai với 240 bệnh nhân và tiếp đó là Maroc với 104 trường hợp.
Ngoài ra, 108 người mắc bệnh COVID-19 trên toàn châu lục đã được điều trị khỏi bệnh.
Giám đốc khu vực châu Phi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bà Matshidiso Moeti cảnh báo châu Phi đang chứng kiến diễn biến cực kỳ nhanh chóng của đại dịch COVID-19, ngoài ra một số lượng lớn người nhiễm bệnh chưa bị phát hiện do các nước châu Phi đang thiếu nghiêm trọng các bộ dụng cụ xét nghiệm.
Đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh
Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nhiều quốc gia châu Phi đã nhanh chóng hạn chế việc đi lại. Senegal đã đóng cửa không phận của nước này vào hôm 19/3. Angola và Cameroon cũng đã đóng cửa không phận, biên giới trên đất liền và trên biển. Rwanda đã cấm tất cả các chuyến bay thương mại trong vòng 1 tháng. Trong khi đó, quốc đảo Mauritius đã đóng cửa biên giới sau khi công bố phát hiện trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên.
Tối 20/3, Burkina Faso cũng tuyên bố đóng cửa các biên giới trên đất liền và trên không và ban bố lệnh giới nghiêm từ ngày 21/3. Burkina Faso ngày 21/3 thông báo thêm 24 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4 bộ trưởng gồm Ngoại trưởng, Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Giáo dục và Bộ trưởng Khai mỏ.
Giới chức tôn giáo Ai Cập ngày 21/3 yêu cầu đóng cửa mọi đền thờ và nhà thờ, cấm tụ tập cầu nguyện trong vòng 2 tuần.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa hôm 19/3 cũng có cuộc gặp với các chức sắc tôn giáo tại nước này để yêu cầu tạm dừng các hoạt động có nhiều người tham dự. Với ca đầu tiên được phát hiện hôm 5/3 vừa rồi, Nam Phi hiện đang là quốc gia có tốc độ lây lan dịch COVID-19 nhanh nhất châu Phi và là ổ dịch lớn thứ hai sau Ai Cập.
Từ ngày 20/3, giới chức CHDC Congo đã áp dụng một loạt biện pháp phòng ngừa dịch bệnh lây lan, đặc biệt tại thủ đô Kinshasa, nơi có ít nhất 10 triệu dân và cũng là địa bàn có nhiều ca nhiễm nhất trên cả nước. Các trường học, quán bar, nhà hàng và các địa điểm cầu nguyện đã được yêu cầu đóng cửa trong khi giới chức cũng cho biết sẽ hạn chế số người sử dụng các dịch vụ giao thông công cộng cùng lúc.
Ngày 19/3, Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa đã ra lệnh đóng cửa các trường học. Thời điểm đi học trở lại sẽ được thông báo khi dịch bệnh được kiểm soát. Bên cạnh đó, Chính phủ Zimbabwe cũng cấm các cuộc tụ tập có sự tham gia từ 100 người trở lên trong 60 ngày tới.
Nigeria cũng tuyên bố sẽ đóng cửa trường học, hạn chế các hội nghị khu vực tại thành phố Lagos thuộc bang cùng tên và thủ đô Abuja.
BT