155 năm ngày sinh của V.I. Lenin: Thấm nhuần bài học “Thà ít mà tốt” 

V.I.Lenin đã yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước tuân theo quy tắc “Thà ít mà tốt” để đạt được mục đích “xây dựng một nước cộng hòa thật sự xứng danh là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Soviet.”
155 năm ngày sinh của V.I. Lenin: Thấm nhuần bài học “Thà ít mà tốt”

Ngày 22/4, nhân dân tiến bộ trên thế giới kỷ niệm 155 năm ngày sinh của V.I. Lenin (22/4/1870-22/4/2025) - Lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới, người sáng lập Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III), đồng thời lãnh đạo nhân dân Nga tiến hành Cách mạng Tháng Mười Nga, lập ra Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo.

Hơn 107 năm qua, cuộc Cách Tháng Mười Nga và những tư tưởng, lý luận của Lenin, trong đó có xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa vẫn còn nguyên giá trị thời sự, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam chúng ta thực hiện cuộc cách mạng sắp xếp tổ chức bộ máy công quyền theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thu hút sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội.

Là người lãnh đạo đất nước Soviet những năm đầu sau Cách mạng Tháng Mười, Lenin đã có những chỉ dẫn rất quan trọng trong tổ chức bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị với luận điểm nổi tiếng “Thà ít mà tốt.”

Lenin cho rằng tổ chức bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị là lĩnh vực trọng yếu nhất và khó khăn nhất của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, đồng thời cũng nêu rõ "đây là nhiệm vụ khó khăn nhất."

Và thực tiễn cho thấy sau 5 năm xây dựng bộ máy nhà nước của chính quyền cách mạng, chính V.I. Lenin đã phải nhìn thẳng vào sự thật rằng: “Thế là đã năm năm, chúng ta ra sức cải tiến bộ máy nhà nước của ta. Nhưng đó chỉ là một hoạt động phí công, một hoạt động qua năm năm, đã chỉ cho chúng ta thấy rõ rằng hoạt động đó chỉ là vô hiệu, thậm chí còn vô ích, hay thậm chí còn có hại là khác” và “... bộ máy nhà nước của chúng ta, trong một mức độ rất lớn, vẫn còn là một tàn dư của thời trước, và rất hiếm được sửa đổi một cách ít nhiều đáng kể. Bộ máy ấy chỉ mới được tô điểm sơ qua bên ngoài; ngoài ra, nó vẫn là điển hình thật sự của bộ máy nhà nước cũ ở ta.”

ttxvn-lenin-4.jpg

Ngay trong đêm 7/11/1917, Đại hội các Soviet được triệu tập, thành lập Chính quyền Soviet do V.I.Lenin đứng đầu. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

 

Trong bộ máy nhà nước đó, Lenin không ngại chỉ ra có một bộ phận cán bộ chỉ “nói những lời rỗng tuếch, những lời ba hoa... chạy ngược, chạy xuôi tíu tít... cải tổ các cơ quan và lập ra các cơ quan mới.”

Từ thực trạng đáng buồn đó của bộ máy nhà nước, V.I.Lenin đã yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước tuân theo quy tắc “Thà ít mà tốt” để đạt được mục đích “xây dựng một nước cộng hòa thật sự xứng danh là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Soviet.”

Theo đó, V.I. Lenin đã lựa chọn tập trung ưu tiên đổi mới hoạt động của các cơ quan đầu não của bộ máy nhà nước. V.I. Lenin còn đưa ra đề xuất kết hợp giữa một cơ quan đảng và một cơ quan nhà nước do tính chất và nhiệm vụ của chúng có nhiều điểm tương đồng.

“Thật vậy, tại sao lại không kết hợp hai loại cơ quan đó lại khi lợi ích của công việc đòi hỏi phải làm như thế? Phải chăng chưa bao giờ có ai nhận xét chẳng hạn rằng trong một bộ dân ủy như Bộ Dân ủy ngoại giao, việc kết hợp như thế thật là vô cùng có ích và đã được thực hiện ngay từ khi bộ đó mới được thành lập?”

Cùng với những chỉ dẫn về tổ chức chức sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Lenin cũng đặc biệt quan tâm đến những con người làm việc cho bộ máy nhà nước. Theo Lenin, để để xây dựng được một bộ máy thật sự mới và thật sự xứng đáng với danh hiệu là bộ máy xã hội chủ nghĩa, thì cần “... chọn những người xứng đáng và phải kiểm tra việc chấp hành thực tiễn: làm như thế nhân dân sẽ tán thành... và chỉ khi nào biểu hiện được đúng ý nguyện của nhân dân, thì chúng ta mới quản lý nhà nước được.”

Sau hơn một thế kỷ, những chỉ dẫn của V.I.Lenin về sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước vẫn còn có giá trị thời sự đến ngày nay.

 

ttxvn-lenin-1.jpg

V.I.Lenin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Moskva trong Lễ kỷ niệm một năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, 7/11/1918. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Mặc dù diện tích không quá lớn, nhưng bộ máy hành chính các cấp của Việt Nam hiện nay lại ở trong nhóm đầu các nước có bộ máy hành chính cồng kềnh trên thế giới.

Khoảng 12.000 đơn vị hành chính không chỉ “ngốn” tới 70% ngân sách, mà còn là sự cồng kềnh của bộ máy với nhiều tầng nấc trung gian, chồng chéo trách nhiệm... lại “tồn tại” trong thời gian dài đang kéo lùi sự phát triển.Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, Đảng đã nhận ra thực trạng này.

“Từ Đại hội XII, nghị quyết của Trung ương đã đánh giá bộ máy nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, phải sắp xếp, phải tinh gọn. Nhưng, hiện nay mới làm từ dưới lên như xã, huyện sáp nhập còn tỉnh chưa làm tới. Sắp xếp ở một số vụ, cục, tổng cục của bộ, ngành còn Trung ương chưa làm,” Tổng Bí thư phát biểu tại diễn đàn Quốc hội tháng 10/2024 và khẳng định: “Không tinh gọn bộ máy không phát triển được."

Và trong bài viết: “"Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả," Tổng Bí thư cũng đã khẳng định việc tinh gọn tổ chức bộ máy “phải tuân theo qui tắc này: Thà ít mà tốt...” của V.I.Lenin.

Như vậy cuộc cách mạng nhằm đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, là yêu cầu tất yếu, là chủ trương đúng đắn của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với lý luận chủ nghĩa Marx-Lenin về nhà nước; cũng như tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

 

Có thể nhận thấy kể từ khi người đứng đầu Đảng phát động cuộc cách mạng đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đến nay, thực tiễn dần sáng tỏ những lý luận, cách làm mà V.I.Lenin làm trong đổi mới, sắp xếp tổ chức máy nhà nước Soviet cách đây hơn 100 năm, đã và đang được Đảng ta vận dụng thực hiện đúng đắn, được dư luận xã hội đồng thuận, nhân dân hưởng ứng, chung tay hướng đến xây dựng “bộ máy xã hội chủ nghĩa” gần dân, sát dân, đáp ứng các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, đủ năng lực tổ chức triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng vào thực tiễn, có tầm nhìn chiến lược, bảo đảm hình thành và mở rộng không gian phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trong tình hình mới./.

 

 155 năm Ngày sinh V.I.Lenin - lãnh tụ vĩ đại của cách mạng vô sản thế giới

Lenin là người sáng lập ra Quốc tế Cộng sản; đồng thời lãnh đạo nhân dân Nga tiến hành cuộc Cách mạng tháng Mười, thành lập ra Nhà nước công nông đầu tiên do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo.

(TTXVN/Vietnam+)
 
https://www.vietnamplus.vn/155-nam-ngay-sinh-cua-vi-lenin-tham-nhuan-bai-hoc-tha-it-ma-tot-post1034275.vnp
16 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 706
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 706
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 93645804