Yên tâm với chất lượng tàu vỏ thép ở Quảng Trị  

(QT) - Thời gian qua, sau vụ việc nhiều tàu vỏ thép của ngư dân ở các tỉnh Bình Đình và Quảng Nam bị hỏng máy, han gỉ vỏ tàu… chỉ sau vài chuyến ra khơi, dư luận cả nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng đang rất quan tâm đến vấn đề chất lượng của những con tàu vỏ thép được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ. Vậy, chất lượng những con tàu vỏ thép ở Quảng Trị ra sao? Liệu có đảm bảo an toàn cho những chuyến ra khơi dài ngày hay không?

 

Đến thời điểm hiện tại, tàu vỏ thép ở Quảng Trị vẫn đảm bảo chất lượng và hoạt động tốt

Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản là chính sách lớn phù hợp với nguyện vọng của ngư dân, tạo động lực phát triển thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy mạnh hoạt động khai thác hải sản xa bờ, nâng cao năng suất, sản lượng, thu nhập của ngư dân và tăng cường bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Đối với tỉnh Quảng Trị, đây là chính sách phát triển thủy sản mang tính đột phá và khá toàn diện nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển của địa phương, nhất là đẩy mạnh phát triển khai thác hải sản xa bờ và từng bước hoàn thiện các cơ sở hạ tầng nghề cá của tỉnh như cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão Cửa Tùng, Cửa Việt, cảng cá và khu dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Cồn Cỏ. Đồng thời hình thành và phát triển các cơ sở đóng sửa chữa tàu thuyền để kịp thời triển khai đóng mới, nâng cấp tàu cá cho ngư dân trong tỉnh.

Việc thực hiện chính sách phát triển thủy sản đã tạo động lực khuyến khích ngư dân và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển thủy sản, tăng năng lực đội tàu cá khai thác hải sản xa bờ, nhiều tàu công suất lớn, vỏ thép có trang thiết bị hiện đại được ngư dân đầu tư để nâng cao chất lượng, sản lượng hải sản. Từ khi Nghị định 67 ra đời, nhiều hộ ngư dân đã tích cực tham gia đóng mới, nâng cấp tàu cá để hoạt động xa bờ, giảm dần tàu cá có công suất nhỏ hoạt động ven bờ, góp phần giảm áp lực khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ, từng bước thực hiện cơ cấu lại đội tàu theo hướng phát triển khai thác xa bờ, tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo mô hình tổ, đội sản xuất trên biển và góp phần nâng cao đời sống của người dân vùng biển.

Theo thống kê đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 24 tàu cá đóng mới và 81 tàu nâng cấp được các ngân hàng xem xét thẩm định hồ sơ và ký kết hợp đồng vay vốn đóng mới theo Nghị định 67. Hiện nay, có 16 tàu vỏ thép được đóng mới (14 chiếc đã đi vào hoạt động), chủ yếu là các tàu làm nghề khai thác thủy sản. Hầu hết các chủ tàu tổ chức đóng tại các công ty có uy tín, kinh nghiệm như: Công ty TNHH đóng tàu Cửa Việt, Công ty TNHH cơ khí thủy sản Hải Phòng, Công ty Cổ phần Kỹ thuật biển S.TECH Đà Nẵng và Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Văn Tuấn ở Thái Bình…

Huyện Gio Linh là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng tàu vỏ thép được đóng mới. Tính đến nay, toàn huyện có 9 tàu vỏ thép (8 chiếc đã đi vào hoạt động, 1 chiếc đang đóng); trong đó, xã Trung Giang có 3 chiếc, thị trấn Cửa Việt 3 chiếc và Gio Hải 3 chiếc. Chúng tôi tìm về nhà ngư dân Bùi Đình Chiến (54 tuổi) ở khu phố 6, thị trấn Cửa Việt, người sở hữu 2 chiếc tàu công suất lớn đánh bắt ở ngư trường khơi xa.

Trò chuyện cùng chúng tôi trong căn nhà cao tầng khang trang, bề thế, ông Chiến cho hay, ngoài chiếc tàu vỏ gỗ có công suất 725 CV hành nghề lưới rê bùng nhùng hoạt động bấy lâu nay, sau khi có Nghị định 67 của Chính phủ, ông Chiến vay 19 tỷ 470 triệu đồng từ Ngân hàng BIDV để đóng mới con tàu vỏ thép có công suất 829 CV. Sau khi hoàn thành, tổng mức đầu tư cho con tàu mới gần 21 tỷ đồng.

Con tàu vỏ thép này được đóng ở Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Văn Tuấn (Thái Bình), hạ thủy vào ngày 27/2/2017, hành nghề lưới chụp mực ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Ông Chiến nói: “Từ khi đưa vào hoạt động đến nay, tàu vỏ thép của tôi đã đi được 4 chuyến biển khai thác ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Qua quá trình sử dụng, tôi thấy chất lượng tàu rất tốt, máy móc được mua mới đồng bộ nên không gặp bất cứ trục trặc gì cả. Sau cơn bão số 4 vừa rồi, tàu của tôi bị hư hỏng bánh lái vì bão lớn nhưng đã được sửa chữa kịp thời và ra khơi hoạt động không lâu sau đó. Tôi cùng các bạn thuyền rất yên tâm khi đánh bắt, khai thác thủy sản trên con tàu hiện đại này”.

Còn anh Hồ Văn Hoàn ở thôn Bắc Sơn, chủ con tàu vỏ thép Trường Thịnh mang số hiệu QT 90129 TS cho biết, tàu của anh đang trên đường ra ngư trường vịnh Bắc Bộ để hành nghề vây rút đánh bắt thủy sản. Tàu Trường Thịnh của anh Hoàn được đưa vào hoạt động từ ngày 3/3/2017 với công suất máy 829 CV. Khi được hỏi về chất lượng con tàu vỏ thép của mình, anh Hoàn chia sẻ: “Qua quá trình vận hành, hoạt động đánh bắt thủy sản, tôi chưa thấy trên tàu có hư hỏng nào đáng kể, chỉ có vài hư hỏng lặt vặt do quá trình làm việc thôi. Chúng tôi có thông báo với cơ sở đóng tàu và được hỗ trợ sửa chữa, khắc phục ngay sau đó. Thân tàu chưa bị gỉ và máy móc thì vẫn vận hành êm ru. Nói chung, chất lượng con tàu của tôi rất tốt, tôi rất yên tâm khi cùng anh em bạn thuyền vượt sóng ra khơi trên con tàu vững chắc, hiện đại này”.

Hầu hết, các chủ tàu vỏ thép mà chúng tôi gặp đều rất yên tâm về con tàu của gia đình mình. Họ chưa thấy có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp nào trên tàu. Ông Phan Văn Nghi, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết thêm, đến nay ở địa phương chưa xảy ra tình trạng tàu vỏ thép bị hư hỏng, cũng chưa có trường hợp nào ngư dân phàn nàn về chất lượng tàu hay máy móc. Chúng tôi đã có dịp ghé vào xưởng đóng tàu của Công ty TNHH đóng tàu Cửa Việt.

Ông Võ Văn Thụ, giám đốc công ty cho biết, từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 67 đến nay, công ty ông đã đóng mới 8 chiếc tàu vỏ thép; trong đó có 5 chiếc của ngư dân Quảng Trị, 3 chiếc còn lại của các chủ tàu người ngoại tỉnh. Tất cả những con tàu này đều đã đi vào hoạt động. Có vài chiếc đã đến thời gian lên đà bảo dưỡng sau hơn 1 năm đánh bắt, khai thác thủy sản nơi biển khơi như tàu của ông Đoạn Văn Dũng, ông Võ Minh Bình và một số tàu khác cũng đang chuẩn bị lên đà.

“Từ khâu chọn thép đến mua sắm máy móc, các bộ phận khác trên tàu và đóng tàu đều được chúng tôi làm theo đúng quy trình, quy định nên chất lượng tàu luôn được đảm bảo. Đến nay, chưa có chủ tàu nào phản ánh hay phàn nàn về chất lượng tàu do công ty đóng. Thường thường, sau thời gian dài hoạt động ra khơi, vào lạch, các tàu rất dễ bị va quệt gây trầy xước lớp sơn. Nếu không lên đà bảo dưỡng thì rất dễ bị gỉ sét thân tàu, vỏ tàu.

Theo quy định, tàu vỏ thép phải được lên đà bảo dưỡng sau 1 năm hoạt động và trong quy định của Nghị định 67, chủ tàu được hỗ trợ 100% chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ nhưng không quá 1% giá trị đóng mới tàu vỏ thép có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên theo định mức kinh tế kỹ thuật duy tu, sửa chữa định kỳ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn. Nhưng đến nay, các chủ tàu vẫn chưa được hỗ trợ khoản này. Vì vậy, nhiều chủ tàu vẫn còn e ngại khi phải lên đà duy tu bảo dưỡng định kỳ”, ông Thụ cho biết thêm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh thông tin, trước tình trạng tàu vỏ thép ở các tỉnh lân cận miền Trung bị hỏng máy, han gỉ vỏ thân tàu chỉ sau vài chuyến ra khơi, ngành nông nghiệp tỉnh đã có công văn gửi về các địa phương và phối hợp với các ban, ngành liên quan kiểm tra chất lượng tàu vỏ thép trên địa bàn toàn tỉnh. Qua quá trình kiểm tra, chưa có tàu nào có dấu hiệu hư hỏng do đóng mới, chỉ có một vài trường hợp bị hỏng trong quá trình khai thác do tác động của thời tiết và con người tạo ra.

Chất lượng vỏ tàu được bảo đảm, chỉ có một số tàu đã sử dụng qua 1 năm trên mặt boong có hiện tượng han gỉ vài chỗ do quá trình hoạt động. Hệ thống máy móc trên tàu đồng bộ, hoạt động tốt. Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp với các ban, ngành chức năng tiếp tục rà soát, kiểm tra các quy trình đóng tàu cá đúng yêu cầu, chặt chẽ, nhất là xem xét điều chỉnh máy móc trang thiết bị phù hợp theo thực tế đánh bắt trên tàu cá.

“Nguyên do tàu vỏ thép ở Quảng Trị có chất lượng tốt là vì trong quá trình từ làm hợp đồng, đóng tàu, mua máy, lắp máy đến khi bàn giao đều có sự giám sát kỹ càng của chủ tàu, đơn vị cho vay vốn và các cơ quan quản lý chất lượng. Do đó, tàu vỏ thép khi được bàn giao luôn đạt chất lượng. Hiện nay, sở đang hoàn thiện văn bản để gửi các ban, ngành liên quan sớm có chính sách hỗ trợ ngư dân kinh phí bảo dưỡng tàu theo định kỳ”, ông Huân cho biết thêm.

 

Trần Thanh

 

 

1001 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 724
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 724
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87027521