Trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều chính sách về phát triển CN, tiểu thủ công nghiệp địa phương, tạo điều kiện thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong tổng giá trị sản phẩm của tỉnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm CN chủ yếu được xây dựng, điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo cơ sở cho việc bố trí sản xuất và đầu tư hợp lý, hiệu quả. Các chính sách về phát triển hạ tầng khu CN, cụm CN, phát triển làng nghề, ngành nghề truyền thống, chính sách về khuyến công… được ban hành, tạo hành lang pháp lý để hỗ trợ phát triển CN. Kết cấu hạ tầng các khu CN, cụm CN ở các huyện, thành phố, thị xã đã hình thành. Các loại hình doanh nghiệp CN phát triển cả về quy mô, số lượng, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Nhiều dự án trọng điểm đã hoàn thành, đưa vào hoạt động góp phần gia tăng giá trị sản xuất CN. Sản xuất CN đã đóng góp quan trọng vào thu ngân sách của tỉnh, chiếm tỷ trọng khoảng 70% tổng nguồn thu nội địa trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là tốc độ tăng trưởng ngành CN Quảng Trị chưa cao, thiếu bền vững. Cơ cấu nội bộ ngành CN chuyển dịch chưa mạnh; doanh nghiệp CN sản xuất hiện đại và các sản phẩm có sức cạnh tranh cao chưa nhiều; công nghệ, máy móc thiết bị chậm đổi mới. Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển CN có mặt chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, nhất là hạ tầng sân ga, bến cảng. Chưa có nhiều dự án sản xuất CN quy mô lớn mang tính động lực. Các dự án được triển khai thực hiện có quy mô nhỏ. Một số dự án lớn, trọng điểm tiến độ triển khai thực hiện còn chậm…do phải có thời gian thẩm định của các bộ, ngành ở Trung ương.
Trên cơ sở quan điểm của Đảng về phát triển CN, tỉnh Quảng Trị xác định tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thu hẹp khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế so với các địa phương khác trong khu vực và cả nước. Phát triển CN đa dạng về cơ cấu, phát huy thế mạnh CN chế biến, CN năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, tận dụng nguồn nguyên, nhiên liệu của địa phương, sản xuất các hàng hóa có thương hiệu và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế trong quá trình hội nhập. Khai thác lợi thế của Hành lang kinh tế Đông - Tây, khu kinh tế trọng điểm miền Trung để đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các khu kinh tế, khu CN, cụm CN. Mục tiêu được đề ra là phấn đấu tỷ trọng CN trong GRDP đạt trên 25%; tỷ trọng CN chế biến, chế tạo trong GRDP đạt khoảng 18%. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng CN đạt bình quân trên 14%/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động CN đạt trên 9%/năm. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực CN đạt trên 10%. Hoàn thiện và khai thác hiệu quả 3 khu công nghiệp Nam Đông Hà, Quán Ngang, Tây Bắc Hồ Xá và các cụm CN trên địa bàn; cơ bản hoàn thành việc đầu tư, khai thác và phát huy hiệu quả của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; hình thành một số doanh nghiệp trong tỉnh có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế.
Nhiệm vụ và giải pháp được đề ra là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách phát triển công nghiệp. Chuyển dịch cơ cấu ngành CN và đẩy mạnh phát triển các ngành CN ưu tiên. Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển CN. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển nhân lực công nghiệp, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong tổng thể các giải pháp, cần chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực phục vụ của các cơ quan dịch vụ công; khuyến khích và nhân rộng các mô hình cải cách hành chính sáng tạo nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực công nghiệp. Triển khai quyết liệt, có hiệu quả Chương trình hành động số 92-CTHĐ/ TU ngày 17/10/2017 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp, khởi nghiệp doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị. Triển khai tốt các chính sách nâng cao năng lực công nghệ, quản trị cho các doanh nghiệp CN; khuyến khích, hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, các tập đoàn kinh tế thuộc lĩnh vực sản xuất CN; khuyến khích phát triển các doanh nghiệp CN vừa và nhỏ, các doanh nghiệp hỗ trợ. Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là trong lĩnh vực CN chế biến, điện tử, năng lượng, khai khoáng, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, mới, sạch, tiết kiệm, sử dụng nguyên liệu của tỉnh, phụ kiện trong nước, sử dụng nhiều lao động địa phương.
Mặt khác, xây dựng và quảng bá rộng rãi danh mục dự án thu hút đầu tư vào lĩnh vực CN, đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư để thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng vào lĩnh vực sản xuất CN. Xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ cụ thể đối với từng nhóm hàng, ngành hàng theo hướng nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh; áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, cải tiến công nghệ. Phát triển hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông trong phát triển CN, nhất là hạ tầng kết nối số đảm bảo an toàn, đồng bộ đáp ứng nhu cầu phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tranh thủ công nghệ tiên tiến, lợi thế của nước đi sau, đi tắt, đón đầu, tận dụng tối đa lợi thế lao động của địa phương và khai thác có hiệu quả năng lực sản xuất hiện có. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai thuận lợi; ưu tiên, khuyến khích các dự án đầu tư sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường, cương quyết không đánh đổi môi trường với tăng trưởng CN. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển CN với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh.
Minh Phương