UBND tỉnh Quảng Trị góp ý kiến hoàn thiện các báo cáo, tờ trình, đề án trình kỳ họp thứ 6-HĐND tỉnh 

(QT) – Hôm nay 6/11/2017, UBND tỉnh đã họp phiên toàn thể góp ý kiến hoàn thiện các báo cáo, tờ trình, đề án trình kỳ họp thứ 6- HĐND tỉnh. Các đồng chí: Mai Thức, UVTVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Quân Chính, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Tại kỳ họp thứ 6-HĐND tỉnh dự kiến sẽ thảo luận cho ý kiến và thông qua 22 báo cáo, tờ trình, đề án quan trọng. Đặc biệt là các báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội, QP-AN năm 2017, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, QP-AN năm 2018; Báo cáo thực hiện phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2017 và phương án phân bổ vốn năm 2018 và các đề án về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị đến năm 2020; Đề án phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; Đề án quy hoạch phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Tờ trình thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 từ nguồn vốn ngân sách địa phương; Tờ trình bổ sung quy định tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách thời kỳ ổn định 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị…

 

Báo cáo về tình hình KT-XH, QP-AN năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018 đã đạt những kết quả kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Về đầu tư phát triển, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư công; tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư để thực hiện và giải ngân các nguồn vốn ngoài nhà nước.

 

Trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế ngành giáo dục đã triển khai chương trình hành động đổi mới căn bản và toàn diện. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm thực hiện có hiệu quả, đặc biệt là phòng ngừa các bệnh, dịch nguy hiểm. Các hoạt động văn hóa, thể thao được đẩy mạnh và có nhiều tiến bộ...

 

Về chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH năm 2018, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt trên 7-75% so với năm 2017, GRDP bình quân đầu người đạt 40-42 triệu đồng. Giữ vững chuẩn phổ cập THCS tại 100% xã, phường, thị trấn; phấn đấu tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 96%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 54,4%; tạo mới việc làm cho trên 9.500 lao động.

 

Để đạt được các chỉ tiêu đề ra, UBND tỉnh đã đưa ra 11 nhóm giải pháp quan trọng để thực hiện, trong đó tập trung tái cơ cấu nền kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với tăng chất lượng, hiệu quả, nâng cao năng suất lao động; tiếp tục thực hiện 3 đột phá trong Chiến lược phát triển KT-XH 2011-2020...

 

Do vậy định hướng xây dựng kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2018 có sự gắn kết chặt chẽ với quá trình thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư công theo hướng chỉ ưu tiên tập trung cho các công trình, dự án cần thiết, cấp bách để đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của địa phương và góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Đồng thời chủ động thực hiện các giải pháp phù hợp để đẩy mạnh thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển.

 

Với tầm quan trọng của các báo cáo, đề án, tờ trình dự kiến được thông qua tại kỳ họp cuối năm này nên UBND tỉnh giao các sở, ngành liên quan chủ trì soạn thảo và trực tiếp đối chất, giải trình với UBND tỉnh đối với từng nội dung, số liệu và giải pháp thực hiện nên về cơ bản đã được chuẩn bị một cách đầy đủ, nghiêm túc và phù hợp với điều kiện, khả năng thực hiện của tỉnh.

 

Hầu hết các ý kiến tại cuộc họp đều thống nhất cao với các báo cáo, tờ trình, đề án đã trình bày. Tuy nhiên tại cuộc họp các đại biểu vẫn tiếp tục tham gia đóng góp thêm nhiều ý kiến quan trọng và xác đáng như khẳng định một cách nhất quán rằng tái cơ cấu nông nghiệp thực chất là tái cơ cấu công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Vì vậy, cần phải có sự đánh giá hiệu quả của một số cây trồng chủ lực, con nuôi chủ lực, tập trung lựa chọn một số cây trồng chính để đầu tư phát triển tạo doanh thu cao.

 

 Đối với vấn đề xây dựng nông thôn mới cần có sự đầu tư của nhà nước ở một số tiêu chí như bê tông hóa, kiên cố hóa kênh mương Nhà nước hỗ trợ 50% nhưng trong lúc Nhà nước chưa có vốn đối ứng thì nên cho dân ứng trước vốn để hoàn thiện công trình, sau đó Nhà nước hoàn trả. Nên giảm chi phí tập huấn, hội thảo mà tập trung vào xây dựng các mô hình trọng điểm làm minh chứng hiệu quả về các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Cần có kế hoạch tôn tạo các di tích lịch sử, đưa vào chương trình giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

 

Đối với đề án ”Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã đưa ra 7 nhóm giải pháp nhưng có ý kiến cho rằng nên bổ sung nhóm giải pháp khuyến khích cộng đồng làm du lịch bởi đây chính là chủ thể để phát triển du lịch đã được đề cập trong nhóm giải pháp thứ nhất là đổi mới, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, đồng thời tăng cường công tác quảng bá tiềm năng du lịch.

 

Trên lĩnh vực y tế, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân cần nghiên cứu, bổ sung các giải pháp nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 20, 21 ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, công tác dân số trong tình hình mới.

 

Về đề án phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả phòng chống ma túy và năng lực của lực lượng trực tiếp phòng chống ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, có ý kiến cho rằng phần nhiệm vụ, giải pháp chưa thể hiện rõ vế thứ hai của đề án. Trong đó vấn đề sau cai nghiện ma túy là rất quan trọng tuy nhiên các giải pháp vẫn còn chung chung, thiếu tính cụ thể, chưa giải quyết được mục tiêu cụ thể đặt ra, do đó cần thay đổi tên gọi của đề án, nên chuyển theo hướng các giải pháp nâng cao năng lực của lực lượng trực tiếp phòng chống ma túy.

 

Sau khi nghe các đại biểu tham gia ý kiến, phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Mai Thức, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan soạn thảo 22 báo cáo, đề án, tờ trình nhanh chóng cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các số liệu cho phù hợp với các ý kiến tham gia góp ý. Lưu ý những nội dung, vấn đề trọng tâm và các lý giải về nguyên nhân thành công cũng như tồn tại, hạn chế. Cần lưu ý về chỉ tiêu thu ngân sách năm 2017 phải tập trung thu đủ để đảm bảo chi.

 

Việc đầu tư xây dựng cơ bản những tháng cuối năm cần hoàn thiện các phần việc còn lại để kịp giải ngân vốn. Về thu ngân sách, ngoài chỉ tiêu đã tạm giao thu 2.630 tỷ đồng đề nghị Sở Tài chính hoàn thiện báo cáo để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh. Sở Tài chính cần xây dựng, ký kết quy chế phối hợp giữa Tài chính, Thuế, Hải quan.

 

Đối với báo cáo về thực hiện kế hoạch biên chế hành chính năm 2017, kế hoạch biên chế năm 2018, đây là vấn đề mà các đại biểu thảo luận nhiều nhưng theo quan điểm của tỉnh là không có bổ sung thêm biên chế, chỉ triển khai điều chỉnh giữa các ngành. Đặc biệt ở Sở Giáo dục và Đào tạo nên có kế hoạch điều chỉnh chứ không tăng thêm biên chế.

 

Đối với tự chủ tài chính yêu cầu Sở Tài chính đề xuất các ngành sớm soạn thảo, chuẩn bị kế hoạch triển khai.

 

Về các đề án xây dựng nông thôn mới cần chỉnh sửa theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Khó khăn nhất là kinh phí thực hiện theo chỉ tiêu đề ra, do đó Sở Nông nghiệp&PTNT phải cân đối, rà soát nguồn đầu tư theo như đề xuất dự kiến khoảng 80 tỷ đồng là quá lớn.

 

Việc thu phí khai thác tài nguyên, danh mục thu hồi đất cần nghiên cứu để bổ sung và điều chỉnh mức thu phù hợp để hạn chế việc bỏ phí nguồn thu, lãng phí đất đai.

 

Đối với Đề án phòng chống ma túy cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các ngành theo đề án đã trình bày cần có sự tham gia của phụ nữ, đoàn thanh niên và các cơ quan, đoàn thể làm nòng cốt mới mang lại hiệu quả...

 

Các cơ quan, đơn vị soạn thảo đề án, tờ trình hoàn thiện văn bản gửi về UBND tỉnh trước ngày 10/11/2017 để UBND tỉnh ký trình HĐND tỉnh.     

 

H.N.K

808 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 660
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 660
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87204565