Triệu Phong thay đổi phương thức làm ăn trên vùng cát  

(QT) - Từ tháng 4/2016, sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, cũng như hàng trăm hộ ở xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong, cuộc sống của gia đình chị Phan Thị Hoa hết sức khó khăn. Thế nhưng sau khi được sự hỗ trợ của chính quyền, các tổ chức đoàn thể mở các lớp tập huấn, chị đã mạnh dạn vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội 70 triệu đồng để chuyển hướng làm ăn.

Trên mảnh vườn rộng hơn 2 sào, nhận thấy lâu nay trồng khoai lang cho năng suất thấp, chị cải tạo thực hiện đa cây. Hơn 1 nửa diện tích chị lên luống trồng ném, kiệu, còn lại làm giàn trồng mướp đắng, bí đao. Nhờ chọn giống tốt và tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên các loại cây trồng đều sinh trưởng, phát triển tốt. Chị vừa bán 1 lứa mướp đắng thu về 24 triệu đồng, còn trong năm 2016 vừa qua, mảnh vườn này đã thu nhập hơn 64 triệu đồng. Ngoài ra chị còn chăn nuôi thêm lợn, gà nên hiện tại cuộc sống cơ bản ổn định, có thu nhập để trang trải cuộc sống, sinh hoạt và nuôi 3 người con đang học đại học.

 

Giải ngân nguồn vốn cho người dân xã Triệu An, Triệu Phong

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Xuân Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Vân cho biết: “Là xã vùng biển bãi ngang, có tổng diện tích gieo trồng gần 300 ha, trong đó một số ít diện tích trồng lúa nhưng chỉ gieo cấy được 1 vụ, năng suất thấp, còn lại đất cát chủ yếu trồng khoai lang. Lâu nay đời sống của người dân nơi đây vốn rất khó khăn, từ tháng 4/ 2016, bị ảnh hưởng sự cố ô nhiễm môi trường biển nên lại càng khó khăn hơn.

 

Trước tình hình đó, trên cơ sở khảo sát thực tế, xã đã tuyên truyền, vận động và tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp trên vùng cát. Bên cạnh đó có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành về kinh phí, tổ chức tập huấn, đặc biệt tỉnh, huyện đã tăng cường kỹ sư nông nghiệp về tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật nên ngoài việc thâm canh cây lúa, người dân đã mở rộng diện tích các loại cây trồng cạn có chất lượng cao như đậu đen xanh lòng, mướp đắng, dưa leo, ném, kiệu kết hợp hình thức luân canh, xen canh gối vụ, vừa tăng hệ số sử dụng đất vừa nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích.

 

Ngoài ra, xã còn vận động và hỗ trợ cho các nhóm hộ và gia đình hình thành gia trại, trang trạị, trồng cỏ nuôi bò, nuôi lợn có quy mô từ 50 con trở lên, nuôi gà, vịt từ 100 con trở lên. Điều rất phấn khởi là sau khi nhận tiền đền bù thiệt hại, nhiều hộ đã tham khảo học tập các mô hình và ưu tiên đầu tư cho sản xuất, chăn nuôi. Chính nhờ vậy đời sống của người dân trong xã từng bước được cải thiện. Nếu duy trì và nhân rộng các mô hình đã mang lại hiệu quả thì đây chính là hướng đi phù hợp, tạo sinh kế bền vững cho người dân”.

 

Không chỉ ở Triệu Vân mà mấy năm trở lại đây, đặc biệt sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, các xã vùng cát ven biển Triệu Phong đã có các hình thức, biện pháp hỗ trợ để người dân thay đổi phương thức làm ăn, tìm chọn được các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp đưa vào sản xuất, chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế cao. Cùng với ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống kênh tiêu thủy, đê chắn cát, huyện đã có các chính sách hỗ trợ cho người dân mở rộng diện tích rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất để cải tạo môi sinh môi trường, tăng độ ẩm cho đất.

 

Bên cạnh đó tổ chức tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống cây, con, khuyến khích người dân thành lập nhóm hộ, xây dựng một số vùng chuyên canh, sản xuất mang tính hàng hóa. Triển khai các hoạt động hướng đến làm thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất, giúp người dân biết lựa chọn cây, con, sử dụng phân bón, bố trí thời vụ hợp lý, làm chuồng trại để thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Ông Phan Quang Giải, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong nhấn mạnh: “Sự cố ô nhiễm môi trường biển đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hơn 3.900 hộ gia đình ở các xã ven biển. Tuy nhiên việc khắc phục gặp rất nhiều trở ngại bởi hơn 75% số hộ dân thiếu kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ thiếu đất sản xuất và đa số thiếu vốn. Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, cùng với việc tạo điều kiện cho ngư dân khai thác xa bờ, mở mang ngành nghề, dịch vụ, huyện đã tìm các hình thức, biện pháp hỗ trợ và động viên, khuyến khích người dân sản xuất, chăn nuôi.

 

Trong đó quan trọng nhất là lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với hệ sinh thái vùng cát để phát triển kinh tế mang tính bền vững như trồng ném, sả, đậu lạc, đậu xanh, nuôi gà, bò, lợn, vịt, mục tiêu đến năm 2020 ổn định sinh kế cho 95% hộ gia đình trên địa bàn 5 xã ven biển và cửa lạch.

 

Trong thời gian qua, cùng với cho vay vốn, các ngành chức năng đã về tận cơ sở, phối hợp với các xã mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, tuyên truyền, vận động người dân thành lập nhóm hộ, tổ hợp tác, liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau xây dựng mô hình. Đến nay đã có hàng trăm héc ta đất cát được chuyển đổi sang trồng các loại cây cho năng suất, sản lượng cao, nhiều mô hình chăn nuôi có hiệu quả, đặc biệt đã xuất hiện hàng chục trang trại, gia trại cho thu nhập ổn định”. 

 

Bá Thuần

 

 

648 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 780
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 780
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77132214