|
Lễ dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn do Agribank Việt Nam tổ chức
|
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 120.178 người có công với cách mạng đã được xác nhận, trong đó 18.898 liệt sĩ, 11.477 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 2.442 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hiện có 64 mẹ còn sống, 4.135 người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Hiện nhà nước đang thực hiện chi trả trợ cấp cho 20.964 người có công với cách mạng và thân nhân hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Quảng Trị còn thay mặt nhân dân cả nước chăm sóc hơn 54.600 mộ liệt sĩ là con em của các tỉnh, thành phố đang yên nghỉ tại Quảng Trị.
Năm nay, dù rất bận rộn với công tác nhưng anh Lương Quốc Anh, Chỉ huy trưởng kiêm Chủ tịch UBND xã Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa vẫn sắp xếp thời gian, công việc để về với mảnh đất, con người Quảng Trị. Tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, anh Anh xúc động cho biết: “Gia đình tôi có bác và chú ruột hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hôm nay, trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ, khi đặt chân đến Quảng Trị, tôi hết sức xúc động, dâng trào nước mắt trước sự cống hiến, hy sinh của lớp lớp cha anh trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại.
Sau khi làm lễ chung tại tượng đài, tôi đã tìm đến khu mộ của tỉnh Ninh Bình để tìm xem có phần mộ của chú và bác mình ở đây không nhưng không thấy. Trước đó, tôi đã đi nhiều nơi, đến nhiều nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc nhưng vẫn chưa tìm được phần mộ của chú, bác mình. Hôm nay, trong chuyến hành trình về nguồn này, thay mặt cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đảo Sinh Tồn, tôi xin tỏ lòng thành kính tri ân các anh hùng liệt sĩ, các đồng chí thương binh, bệnh binh, các gia đình có công với cách mạng đã quên mình vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, để đất nước ta có được như ngày hôm nay”.
Anh Anh cho biết thêm, khi được cấp trên phân công công tác trên huyện đảo Trường Sa, anh cảm thấy đây là một vinh dự lớn lao và cũng là trách nhiệm nặng nề đối với bản thân. Do đó, trong bất cứ hoàn cảnh nào, anh cũng phấn đấu rèn luyện đạo đức lối sống, lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, luôn coi mình và đồng đội như những “cột mốc sống” giữa trùng khơi, sẵn sàng hy sinh, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Anh Nguyễn Trung Dũng, Trưởng Ban Tiếp thị và Truyền thông, thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển thanh niên Agribank Việt Nam thay mặt tuổi trẻ Agribank rưng rưng trong lời tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn: “Đại diện các đồng chí lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Tỉnh Đoàn Quảng Trị, lãnh đạo Agribank, Quân chủng Hải quân Việt Nam và gần 300 cán bộ, đoàn viên thanh niên Agribank, đại diện cho 40.000 cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống, cùng tụ hội về đây, tại vùng đất thiêng Quảng Trị, tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn uy nghiêm và hùng vĩ, để cùng tưởng vọng và tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng đất nước, cho thế hệ hôm nay có được nền hòa bình, độc lập, thống nhất dân tộc.
Xin các anh, các chị hãy đón nhận những nén hương thơm, những ngọn nến hồng, thể hiện sự kính trọng và biết ơn đối với các anh linh liệt sĩ. Xin các vong linh anh hùng liệt sĩ hãy tin tưởng ở thế hệ trẻ Agribank. Một lần nữa, xin cúi lạy, tưởng vọng và tri ân các anh hùng liệt sĩ. Kính mong linh hồn các anh hùng liệt sĩ siêu thoát, phù hộ độ trì cho đất nước Việt Nam hòa bình và ấm no”.
Nói về công tác đền ơn đáp nghĩa của tuổi trẻ Quảng Trị, anh Đỗ Văn Bình, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Trị cho biết: “Sau khi đất nước hòa bình, Quảng Trị trở thành “cõi tâm linh” khi nhận nhiệm vụ chăm sóc gần 6 vạn phần mộ liệt sĩ trên mọi miền của Tổ quốc đang yên nghỉ tại 72 nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Từ sứ mệnh đặc biệt ấy của quê hương, trong những ngày lễ trọng của quê hương và Tết Nguyên đán hàng năm, tuổi trẻ Quảng Trị vinh dự thay mặt cho tuổi trẻ cả nước phối hợp với các cấp, ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động tri ân những người con của đất nước đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Tuổi trẻ Quảng Trị đã có những cách làm hay, sáng tạo trong công tác đền ơn đáp nghĩa như chương trình 10 ngàn bát hương dâng mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn năm 1993; lễ thắp nến tri ân được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2005 và được Trung ương Đoàn nhân rộng thành hoạt động lớn của tuổi trẻ cả nước vào năm 2009; gần đây là chương trình “Hoa dâng mộ liệt sĩ” được Trung ương Đoàn bình chọn là 1 trong 10 công trình thanh niên tiêu biểu toàn quốc năm 2015 và được nhân rộng trên nhiều tỉnh, thành trong cả nước”.
Nhìn lại công tác chăm sóc, giúp đỡ người có công và thân nhân của họ, thời gian qua, nhất là sau khi thực hiện Pháp lệnh số 04 ngày 16/7/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Pháp lệnh số 05 ngày 20/10/2013 của UBTVQH sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” trên địa bàn mới thấy được sự thay đổi trong đời sống của từng gia đình người có công với nước. Đến nay, 99% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cư dân địa phương nơi cư trú.
Nguyễn Vinh
|