Thưa đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy! Đề nghị đồng chí đánh giá những nét nổi bật về hoạt động của các Ban xây dựng Đảng và Văn phòng Tỉnh ủy trong thời gian qua, góp phần tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương?
-Như các đồng chí đã biết, để hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng được thuận lợi và hiệu quả thì các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy giữ vai trò hết sức quan trọng. Ở cấp tỉnh, theo Quy định 219-QĐ/TW, ngày 27/12/2013 và Quy định số 183-QĐ/TW, ngày 8/4/2013 của Ban Bí thư thì các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy bao gồm: Văn phòng, Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Ban Nội chính và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Mỗi cơ quan tham mưu có chức năng, nhiệm vụ riêng theo từng lĩnh vực công tác.
Trải qua quá trình phát triển, ghi dấu bằng bề dày truyền thống 87 năm qua, các Ban xây dựng Đảng và Văn phòng Tỉnh ủy đã làm tốt chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, trực tiếp là Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp thực hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
|
Đồng chí Phạm Đức Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy (bên phải) trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quảng Trị. Ảnh: Thành Dũng
|
Thời gian qua, nhất là sau gần hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ghi dấu ấn bằng nhiều đổi mới, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế- xã hội và công tác xây dựng Đảng. Cấp ủy các cấp đã làm tốt công tác khởi động để triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp bằng việc lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, học tập, tuyên truyền, triển khai thực hiện nghị quyết, ban hành các văn bản khung để lãnh đạo cụ thể hóa các nội dung của nghị quyết đại hội; lựa chọn khâu khó, khâu yếu để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo..., với một khối lượng lớn công việc trên các lĩnh vực của công tác xây dựng Đảng. Nhiều chủ trương, định hướng của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã được các Ban Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy nghiên cứu, tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm túc, từng bước thể hiện ý chí và quyết tâm đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy trong nhiệm kỳ 2015-2020.
|
Điều mà Ban Thường vụ trăn trở là, trong điều kiện Đảng ta đang quyết tâm thể hiện và giữ được bản chất tốt đẹp, xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân với một đảng cầm quyền, ngoài các cơ quan lãnh đạo của Đảng, đội ngũ cán bộ tham mưu các cơ quan đảng, hay nói cách khác là đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác xây dựng Đảng có vai trò đặc biệt quan trọng. Chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu gắn liền với chất lượng “sản phẩm” tham mưu tương ứng của các Ban, Văn phòng cấp ủy đảng có ảnh hưởng trực tiếp tới việc đề ra và tổ chức thực hiện chủ trương, nghị quyết của cấp ủy trong thực tiễn. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu gắn với nâng cao chất lượng công tác tham mưu là một vấn đề đặt ra đối với các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy hiện nay. Song song với việc tinh giản biên chế, cần mạnh dạn đưa ra khỏi đội ngũ những cán bộ không đáp ứng yêu cầu công việc. Phải đổi mới tư duy trong xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu của cấp ủy để có đội ngũ cán bộ có trí tuệ, tư duy khoa học, có khát vọng, hoài bão đối với sự phát triển của tỉnh.
|
Các cơ quan tham mưu giúp việc đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng (Hội nghị Trung ương 2 đến Hội nghị Trung ương 5) bằng các nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động (5 nghị quyết, 6 kết luận, 6 chương trình hành động) đồng thời chuyển tải kịp thời đến các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.
Có nhiều điểm mới trong công tác xây dựng Đảng trên các mặt công tác tư tưởng, chính trị và tổ chức đã được triển khai thực hiện, bước đầu có hiệu quả trong thực tiễn, như:
(1) Trong công tác tuyên giáo, bên cạnh những công việc mang tính thường xuyên thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành như thông tin tuyên truyền, điều tra dư luận xã hội, giáo dục lý luận chính trị, khoa giáo, văn hóa, lịch sử Đảng..., Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 03-QĐ/TU, ngày 20/4/2016 về quy trình sử dụng đường dây tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh dư luận xã hội của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Quảng Trị không thiết lập đường dây nóng nhưng đã xây dựng cơ chế tiếp nhận thông tin phản ánh gửi đến Tỉnh ủy; trong hai năm qua đã tiếp nhận trên một nghìn lượt ý kiến phản ánh, kiến nghị, góp ý của nhân dân gửi đến cơ quan Đảng, được Thường trực Tỉnh ủy lắng nghe và chỉ đạo giải quyết kịp thời nhiều vấn đề phát sinh, góp phần ổn định tình hình tư tưởng và dư luận xã hội ở địa phương.
Tham mưu ban hành Kế hoạch số 47-KH/TU, ngày 22/3/2017 về tổ chức diễn đàn “Nâng cao vai trò của chi bộ trong việc giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá”, đang được các cấp ủy trực thuộc triển khai tận các chi bộ đảng, tạo được dấu ấn trong sinh hoạt Đảng, có tác dụng thiết thực trong việc nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của đảng viên trong công tác xây dựng Đảng nói chung và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII nói riêng.
(2) Công tác cán bộ tiếp tục được đổi mới, nhiều quan điểm chủ trương, nguyên tắc, giải pháp của Đảng về công tác cán bộ tiếp tục được vận dụng sáng tạo, trong đó nét nổi bật là Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định 370-QĐ/TU ngày 14/10/2017 về Quy chế đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và Bộ tiêu chí đánh giá cán bộ đối với các chức danh do Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp nhận xét, đánh giá.
Kết quả đạt được rõ nhất là đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền đánh giá cho các đảng đoàn, ban cán sự đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, đơn vị; nếu như trước đây Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải kết luận nhận xét, đánh giá đối với trên 420 trường hợp thì năm 2016 chỉ nhận xét, đánh giá 90 trường hợp, giảm 78,57%. Khi thực hiện Quy chế và Bộ tiêu chí này cũng là lần đầu tiên các đồng chí Tỉnh uỷ viên trực tiếp đánh giá Ban Thường vụ và góp ý, chấm điểm trực tiếp cho các đồng chí trong Thường trực Tỉnh uỷ; các nội dung đánh giá và chấm điểm đều gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn đảng, bước đầu tạo không khí dân chủ, công khai trong đánh giá cán bộ, đảng viên; việc đánh giá cũng đã sát hơn, giảm dần được bệnh thành tích, hình thức.
Tham mưu chỉ đạo hoàn thành xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, huyện, sở, ngành nhiệm kỳ 2020-2025; rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện giai đoạn 2015-2020, là một bước quan trọng để thực hiện điều động, luân chuyển, bố trí, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuẩn bị nguồn cán bộ cho nhiệm kỳ tới.
(3) Trước thực trạng nổi lên hiện nay là công tác phát triển tổ chức đảng, tổ chức chính trị-xã hội và phát triển đảng ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước chưa mạnh, Quảng Trị có trên 3.000 doanh nghiệp tư nhân, phần đông chưa có tổ chức đảng, tỷ lệ phát triển đảng hàng năm đạt thấp, do vậy, để chỉ đạo khâu khó này, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành và triển khai “Đề án phát triển tổ chức đảng và đảng viên, các tổ chức chính trị-xã hội ở doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước”, xác định là nhiệm vụ cấp thiết trong công tác xây dựng Đảng, nhằm phát huy được vai trò lãnh đạo của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng doanh nghiệp lớn mạnh.
Qua thực hiện đề án bước đầu cho thấy, công tác xây dựng, củng cố hoạt động của tổ chức đảng và các đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài nhà nước được quan tâm hơn; số lượng tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân và số lượng đảng viên, đoàn viên, hội viên trong các doanh nghiệp có bước phát triển, vị trí của tổ chức đảng và các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp được khẳng định, trách nhiệm từng bước nâng lên, là nơi đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
(4) Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng được tăng cường, kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm được chú trọng. Chỉ đạo các cơ quan nội chính, cơ quan tư pháp phối hợp giải quyết tốt các vụ án, vụ việc nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm. Nắm và xử lý tốt tình hình tại các địa bàn bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển, công tác đền bù thiệt hại cho nhân dân, không để xảy ra các tình huống đột xuất, bất ngờ, điểm nóng trên địa bàn. Ban hành Quy chế đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy đảng với cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh; nhiều huyện, thị, thành uỷ đã thực hiện tốt việc tổ chức đối thoại trực tiếp giữa cấp uỷ, lãnh đạo huyện với cán bộ, đảng viên và nhân dân, giải quyết trực tiếp nhiều vấn đề phát sinh từ cơ sở.
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các chủ trương của Đảng về công tác dân vận của hệ thống chính trị, công tác dân tộc, công tác tôn giáo, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
(5) Trong công tác chỉ đạo, điều hành hàng năm, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy luôn xác định chủ đề năm, ban hành các kết luận định hướng nội dung trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cho từng năm để tập trung nguồn lực thực hiện. Thành lập Tổ rà soát việc thực hiện các kết luận của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo, chấn chỉnh và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc đang đặt ra trong quá trình thực hiện của các địa phương, đơn vị.
Tăng cường đi cơ sở, tiếp xúc nắm tình hình nhân dân, trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với dân để giải quyết ngay vụ việc vướng mắc, bức xúc cụ thể. Tổ chức ký cam kết trách nhiệm của Ban Thường vụ và người đứng đầu cấp ủy các huyện, thành, thị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy năm 2017, trong đó không cam kết những nội dung chung chung mà chỉ đạo cụ thể những vấn đề nổi lên của Đảng bộ địa phương cần tập trung giải quyết bằng cam kết trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, là một nét mới trong chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong nhiệm kỳ này.
(6) Cải cách thủ tục hành chính trong Đảng được chú trọng; đã ban hành các quy chế, quy định về quy trình tổ chức, phục vụ các Hội nghị Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy; về Quy chế phối hợp giữa các Ban Đảng với Văn phòng Tỉnh ủy trong công tác tham mưu, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy; quy định thời gian xử lý, giải quyết các kiến nghị, đề xuất của các tổ chức, cá nhân gửi đến Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, quy định quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại…, góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Điều lệ Đảng.
Có thể khẳng định những kết quả đạt được trên các mặt công tác xây dựng Đảng (công tác chính trị tư tưởng, công tác tổ chức cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát, công tác dân vận, nội chính, văn phòng cấp ủy) với nhiều nét mới, điểm sáng trong thời gian qua đã khơi dậy khí thế, quyết tâm mới trong toàn Đảng bộ, góp phần làm chuyển biến công tác xây dựng Đảng, khẳng định rõ hơn năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp. Kết quả đó khẳng định sự đóng góp rất quan trọng của các Ban Đảng và Văn phòng cấp ủy, của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng đảng các cấp.
Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ tình hình mới và đặc biệt là tinh thần quyết liệt, quyết tâm cao của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, thì chất lượng nghiên cứu, phân tích, dự báo và tham mưu, nhất là tham mưu chiến lược của các Ban xây dựng Đảng và Văn phòng Tỉnh ủy vẫn còn có mặt chưa vươn lên ngang tầm nhiệm vụ, còn phải nỗ lực cố gắng nhiều hơn nữa.
- Vậy thời gian tới, các Ban xây dựng Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy cần tiếp tục đổi mới như thế nào để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tình hình mới, thưa đồng chí?
-Năm 2017 và những năm tiếp theo, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội, Đảng bộ tỉnh Quảng Trị cần tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Sau Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Trung ương sẽ triển khai nhiều quyết sách mới rất mạnh mẽ và có tính đột phá về công tác tổ chức bộ máy, kiện toàn hệ thống chính trị, tinh giản biên chế..., là những nội dung liên quan trực tiếp đến công tác xây dựng Đảng gắn với công tác tham mưu của các Ban xây dựng Đảng, Văn phòng cấp ủy.
Đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ vừa mới, vừa khó đó, yêu cầu các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy cần bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động, tích cực và sáng tạo hơn nữa trong công tác tham mưu, đề xuất, góp phần nâng cao chất lượng tham mưu giúp Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy. Tiến hành kiện toàn, tinh gọn bộ máy, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tập trung nghiên cứu, tham mưu đúng và trúng những vấn đề cấp thiết đang đặt ra trong thực tiễn để góp phần nâng cao chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy.
Điều mà Ban Thường vụ trăn trở là, trong điều kiện Đảng ta đang quyết tâm thể hiện và giữ được bản chất tốt đẹp, xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân với một đảng cầm quyền, ngoài các cơ quan lãnh đạo của Đảng, đội ngũ cán bộ tham mưu các cơ quan đảng, hay nói cách khác là đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác xây dựng Đảng có vai trò đặc biệt quan trọng. Chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu gắn liền với chất lượng “sản phẩm” tham mưu tương ứng của các Ban, Văn phòng cấp ủy đảng có ảnh hưởng trực tiếp tới việc đề ra và tổ chức thực hiện chủ trương, nghị quyết của cấp ủy trong thực tiễn.
Việc xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu gắn với nâng cao chất lượng công tác tham mưu là một vấn đề đặt ra đối với các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy hiện nay. Song song với việc tinh giản biên chế, cần mạnh dạn đưa ra khỏi đội ngũ những cán bộ không đáp ứng yêu cầu công việc. Phải đổi mới tư duy trong xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu của cấp ủy để có đội ngũ cán bộ có trí tuệ, tư duy khoa học, có khát vọng, hoài bão đối với sự phát triển của tỉnh.
Mặt khác, trong điều kiện cần sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, không thể lựa chọn hay nhận mới cán bộ nhiều như trước đây, cho nên đòi hỏi bản thân mỗi cán bộ chuyên trách, giúp việc của cấp ủy phải không ngừng tự tu dưỡng, tự học để nâng cao năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm và đổi mới hoạt động thực sự; phải giỏi một việc, biết nhiều việc; phải biết cách nghĩ ra việc để tham mưu giúp việc cấp ủy; phải thực sự là cán bộ đảng “vừa hồng, vừa chuyên”, trong sáng, gương mẫu, khiêm tốn, chân thành, cầu thị, làm việc với tinh thần trách nhiệm và hiệu quả cao nhất, góp phần tham mưu, phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Thường vụ, Thường trực cấp ủy các cấp.
-Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Thanh Hải (thực hiện)