Tập trung thực hiện tốt các giải pháp phát triển kinh tế- xã hội, sớm đưa Đakrông thoát khỏi huyện nghèo và phát triển bền vững 

(QTO) - Trong 2 ngày 17, 18/8/2020, Đảng bộ huyện Đakrông tổ chức Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025. Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng đã đến dự và có bài phát chỉ đạo Đại hội. Báo Quảng Trị Online trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh!

 

Kính thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội!

 

Thưa các đồng chí lãnh đạo huyện Đakông qua các thời kỳ!

 

Thưa quý vị đại biểu và toàn thể Đại hội!

 

Hôm nay, Đảng bộ huyện Đakrông long trọng tổ chức Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu giai đoạn phát triển mới của Đảng bộ, quân và dân, đồng bào các dân tộc huyện Đakrông.

 

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Đoàn công tác của tỉnh, trên cương vị công tác mới, tôi trân trọng gửi tới các quý vị khách quý, các đại biểu dự Đại hội cùng toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện lời chào trân trọng, lời chúc mừng nồng nhiệt nhất. Chúc Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đakrông lần thứ 6 thành công tốt đẹp.

 

Kính thưa quý vị đại biểu, thưa toàn thể Đại hội!

 

Nằm giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, Đakrông là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng-an ninh, là huyện miền núi vùng cao biên giới phía Tây Nam của tỉnh, tiếp giáp với nước bạn Lào, có cửa khẩu Quốc tế và nhiều đường tiểu ngạch qua biên giới, tập trung đông đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô sinh sống từ lâu đời. Đây cũng là địa bàn có địa hình bị chia cắt, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, nhất là lũ quét, sạt lở đất, kinh tế-xã hội còn khó khăn, là huyện đang nằm trong diện 30a của cả nước.

 

Trước những khó khăn, thách thức và nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề, Đảng bộ huyện Đakrông đã có nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn, tập trung lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ V và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

 

Qua nghe Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện trình Đại hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vui mừng nhận thấy, các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ V đề ra đã cơ bản đạt. Diện mạo của huyện vùng cao có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên.

 

Kinh tế tiếp tục có bước phát triển tích cực. Trong sản xuất nông nghiệp đã bước đầu có những hướng đi mới, phát huy thế mạnh của địa phương như: trồng rừng, trồng dược liệu, phát triển mạnh đàn gia súc, gia cầm..., trong đó, một số sản phẩm hướng đến tiêu chuẩn của chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Huyện đã hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến và tạo ra một số sản phẩm mang tính đặc thù, có thương hiệu và lợi thế cạnh tranh trên thị trường, trong đó sắn và rừng tràm đã trở thành 2 loại cây trồng chủ lực giúp người dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo thực hiện, có 1 xã đã tiệm cận các tiêu chí của xã nông thôn mới.

 

Sản xuất công nghiệp - xây dựng có bước tăng trưởng khá, thu hút được một số dự án năng lượng, nhất là thủy điện nhỏ, đã góp phần đưa điện lưới quốc gia đến 100% thôn, bản của huyện, vượt kế hoạch đề ra. Hoạt động thương mại, dịch vụ ngày càng mở rộng, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu được phân phối, lưu thông đến tận các xã vùng sâu, vùng xa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân.

 

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều bước tiến mới, chất lượng giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục được phát triển; các giá trị di sản văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được bảo tồn, phát huy.  Hình thành, phát huy được một số sản phẩm, điểm du lịch trên địa bàn như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; việc tổ chức thành công Lễ hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch các dân tộc thiểu số huyện hàng năm được xem là nét đặc trưng, riêng có, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, từng bước đánh dấu thương hiệu du lịch Đakrông với du khách trong và ngoài tỉnh.

 

Xác định công tác xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ, huyện đã chủ động lồng ghép bằng nhiều nguồn lực, nhiều chương trình, dự án như 134, 135, Chương trình 30a của Chính phủ; thông qua các tổ chức hội, đoàn thể, nhiều mô hình hay, cách làm mới đã được triển khai và nhân rộng. Nhờ vậy, bộ mặt vùng nông thôn miền núi đã có những đổi thay rõ nét, đời sống của từng hộ gia đình từng bước được nâng cao, tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 5,54%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, người dân đã có chuyển biến rõ về ý thức tự vươn lên trong cuộc sống.

 

An ninh chính trị bảo đảm, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đối ngoại và xây dựng mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trên địa bàn huyện được chú trọng. Việc giải quyết vấn đề quốc tịch, kết hôn không giá thú khu vực biên giới cho người dân luôn được coi trọng, xây dựng đường biên cột mốc hữu nghị được chăm lo hơn trước.

 

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả quan trọng. Phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đổi mới, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng không ngừng nâng cao. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố, có những chuyển biến tích cực, hiệu lực, hiệu quả ngày càng cao. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới…

 

Có thể khẳng định: Những thành tựu đạt được trong 5 năm qua của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Đakrông đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh và tạo được những tiền đề rất cơ bản, quan trọng cho huyện Đakrông phát triển nhanh, bền vững hơn trong những năm tới. Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi nhiệt liệt biểu dương và trân trọng ghi nhận, chúc mừng những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc huyện Đakrông đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.

 

Thưa toàn thể Đại hội!

 

Thành tựu đạt được là rất đáng trân trọng, cần được khẳng định để phát huy trong thời gian tới. Song với trách nhiệm trước Đảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Đakrông, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm. Tôi đồng tình và lưu ý thêm một số vấn đề, đó là: Kinh tế chưa có sự phát triển mạnh, chưa khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có của địa phương. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; hiệu quả triển khai một số chương trình, dự án trên địa bàn chưa đạt như kỳ vọng. Tỉ lệ hộ nghèo còn cao; lao động thiếu việc làm còn nhiều, đời sống đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xã vẫn còn khó khăn. Lĩnh vực văn hóa, xã hội vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết, nạn tảo hôn vẫn còn diễn ra và tình trạng học sinh bỏ học ở các cấp còn nhiều. Tình hình an ninh trật tự còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là tệ nạn ma túy có chiều hướng gia tăng. Năng lực lãnh đạo của cấp ủy, hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền, nhất là cấp cơ sở ở một số lĩnh vực còn hạn chế. Vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, Nhân dân có tư tưởng trông chờ, thiếu tự tin và ý chí mạnh  mẽ vươn lên thoát nghèo.

 

Tôi đề nghị Đại hội tiếp tục phân tích kỹ trên tinh thần nghiêm túc tự phê bình và phê bình, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm để đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm khắc phục có hiệu quả ngay từ đầu nhiệm kỳ mới.

 

Thưa các đồng chí!

 

Về định hướng phát triển, mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nêu trong Báo cáo chính trị và dự thảo Nghị quyết Đại hội đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất. Tôi xin nhấn mạnh một số nội dung để Đại hội thảo luận, quyết định:

 

Thứ nhất, từ đặc điểm, tình hình của địa phương trong thời điểm hiện tại, huyện phải đặt mục tiêu hàng đầu là đảm bảo dân sinh, chăm lo nâng cao đời sống của Nhân dân. Để làm được điều này, Đakrông cần dày công đánh giá một cách khoa học, bài bản, sát thực tế tiềm năng, lợi thế của mình để tìm giải pháp phát triển kinh tế hiệu quả; xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững. Thời gian qua, huyện đã có hướng tiếp cận phát triển rất tích cực, cần tiếp tục trăn trở, quyết liệt theo đuổi, đeo bám để thực hiện thành công.

 

Theo đó, tập trung ưu tiên phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, phát huy hiệu quả diện tích đất lâm nghiệp hiện có, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi và phát triển hợp lý diện tích trồng cây lâm nghiệp lâu năm, cây dược liệu gắn với liên kết, chế biến, bao tiêu sản phẩm. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, nhất là đầu tư vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gắn với Chương trình OCOP “Mỗi xã một sản phẩm”.

 

Đẩy mạnh phát triển kinh tế gia trại, trang trại, nhất là nuôi, trồng các cây, con đặc sản, đặc hữu có giá trị hàng hóa cao mà thời gian qua huyện đã triển khai rất hiệu quả; quan tâm phát triển tiểu thủ công nghiệp và các nghề truyền thống như: đan lát, dệt thổ cẩm... vừa tạo việc làm, tận dụng lao động nhàn rỗi vừa bảo tồn, phát huy văn hóa của đồng bào các dân tộc.

 

Đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu, kinh tế dịch vụ, thương mại biên giới; phát triển thị trường bán lẻ, chợ cụm xã để phục vụ thuận lợi nhu cầu của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là giao thông, điện lưới, nước sạch phục vụ tốt hơn đời sống của Nhân dân. Tập trung thực hiện tốt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội trên địa bàn huyện. 

 

Chú trọng khai thác tiềm năng trong phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Tăng cường công tác bảo tồn, phát huy đa dạng sinh học quỹ gen, môi trường, cảnh quan thiên nhiên Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông vừa phục vụ nghiên cứu, vừa phát triển du lịch sinh thái và thám hiểm.

 

Cùng với dân sinh là phải phát triển dân trí, phải chăm lo giáo dục, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ về giáo dục và đào tạo; huy động các nguồn lực xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp phục vụ tốt việc dạy và học. Chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhân dân. Quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa phục vụ tốt hơn đời sống tinh thần cho Nhân dân các dân tộc trong huyện. Bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, lễ hội văn hóa độc đáo của các dân tộc Vân Kiều, Pa Cô; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. 

 

Là địa phương được thụ hưởng nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án cho khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, việc triển khai thực hiện các chế độ, chính sách phải được công khai để Nhân dân biết, Nhân dân bàn bạc, kiểm tra, kịp thời, thiết thực, vì lợi ích của Nhân dân, của cộng đồng. Thường xuyên rà soát, tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát, đánh giá hiệu quả các chính sách, tránh hiện tượng trục lợi, làm méo mó chính sách, gây thất thoát, lãng phí và bất bình trong Nhân dân. 

 

Thứ hai, gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với giữ vững quốc phòng - an ninh; đảm bảo an ninh biên giới, an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo; củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm, đặc biệt là tệ nạn ma túy đang có chiều hướng gia tăng trên địa bàn. Tập trung tuyên truyền, nhất là người dân ở vùng giáp ranh biên giới chấp hành, thực hiện nghiêm các hiệp định, nghị định, quy chế biên giới, quy chế phối hợp và các chủ trương của hai nước Việt Nam và Lào. Tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác giữa huyện với các đối tác nước ngoài; tiếp tục duy trì mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt với các huyện của nước bạn Lào, giữa bản với bản dọc tuyến biên giới.

 

Thứ ba, phải tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, nhất là ở cơ sở để đảm đương được nhiệm vụ dẫn dắt, định hướng, giúp đỡ Nhân dân. Quan tâm xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong hệ thống chính trị; phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, trong đó đặc biệt chú trọng vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. Tăng cường đối thoại trực tiếp với Nhân dân, bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý các vấn đề phức tạp nảy sinh ở cơ sở, không để hình thành điểm nóng và lý do để các thế lực thù địch lợi dụng. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, phát động các phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh.

 

Thứ tư, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là công tác tổ chức học tập và quán triệt các Nghị quyết của Đảng. Tăng cường kiểm tra, bám cơ sở để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Quan tâm chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; có kế hoạch bố trí, sử dụng cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ trẻ. Trong điều kiện làm việc còn khó khăn, nhiều cán bộ ở miền xuôi lên công tác còn gặp những khó khăn nhất định về giao tiếp, phong tục, tập quán với đồng bào; một bộ phận Nhân dân còn có tư tưởng trông chờ, ngại vươn lên, do vậy, tôi đề nghị mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong các tổ chức của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở phải có tinh thần vượt khó, tiến công mạnh mẽ, trăn trở, dám nghĩ, dám làm, tận tâm phục vụ, tận tụy cống hiến, lan tỏa tinh thần, ý chí, khát vọng vươn lên trong toàn Đảng bộ và Nhân dân để đưa Đakrông sớm thoát khỏi huyện nghèo, phát triển bền vững. 

 

Thưa các đồng chí!

 

Cùng với việc thảo luận Văn kiện, Đại hội còn có nhiệm vụ hết sức quan trọng là bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa mới. Đề án nhân sự được xây dựng chặt chẽ, kỹ lưỡng, đúng quy trình, quy định và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt. Tại Đại hội, tôi đề nghị các đồng chí phát huy dân chủ, nêu cao tính Đảng, tinh thần trách nhiệm, đoàn kết của đảng viên, chú ý quan tâm tới cấp ủy viên là nữ, cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ trẻ, cán bộ cơ sở nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy trực tiếp, toàn diện trên các lĩnh vực, địa bàn; bằng lá phiếu của mình sáng suốt lựa chọn những đồng chí tiêu biểu, xuất sắc, có uy tín, đủ phẩm chất và có năng lực để bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và Đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

 

Cuối cùng, chúc quý vị đại biểu cùng toàn thể các đồng chí tham dự Đại hội luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

 

Chúc Đảng bộ, quân và dân, đồng bào các dân tộc huyện Đakrông tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, đề cao ý chí tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, giành nhiều thắng lợi trong nhiệm kỳ mới

 

- Xin trân trọng cảm ơn!

 

* Đầu đề do tòa soạn đặt

664 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 770
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 770
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87004430