Tăng cường quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biển, đảo trong tình hình mới  

(QT) - Tuyến biển Quảng Trị có chiều dài gần 75 km với tổng diện tích khoảng 16.949 ha, bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ và 4 huyện ven biển. Vùng đặc quyền kinh tế rộng hơn 8.400 km2; đảo Cồn Cỏ là điểm A11 trên đường cơ sở để xác định biên giới trên biển, chiều rộng của lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế biển và thềm lục địa Việt Nam. Dân số vùng biển có hơn 53.000 nhân khẩu, phân bố tại 14 xã, 2 thị trấn ven biển, nghề nghiệp chủ yếu là đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, trồng cây hoa màu, cây công nghiệp, chăn nuôi nhỏ, buôn bán, kinh doanh dịch vụ du lịch, khai thác khoáng sản.

Xác định tuyến biển, đảo là địa bàn có vị trí trọng yếu nên Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng- an ninh. Ngày 14/8/2012, Tỉnh ủy Quảng Trị khóa XV ban hành Nghị quyết 01 NQ/TU “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo trong tình hình mới”.

Những năm qua, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Trên biển, Trung Quốc đơn phương xây dựng, tôn tạo, mở rộng và quân sự hóa các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đưa giàn khoan HD 981 vào vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; hỗ trợ ngư dân xâm phạm các vùng biển của nước ta làm bất ổn tình hình, đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn hàng hải trên Biển Đông.

Năm 2016, sự cố môi trường biển do Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất, kinh doanh của nhân dân 4 tỉnh miền Trung. Lợi dụng tình hình trên, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước tăng cường hoạt động chống phá, xuyên tạc, kích động dư luận nhằm phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Đối với tỉnh Quảng Trị, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 01 NQ/TU “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo trong tình hình mới”, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, lực lượng vũ trang tỉnh, các sở, ban, ngành đã có sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động, nắm vững mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nghị quyết và chương trình hành động của UBND tỉnh, triển khai toàn diện, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực, tạo bước chuyển biến mới  đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biển, đảo gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đời sống kinh tế của nhân dân tuyến biển, đảo ngày càng khởi sắc, nhận thức của các tầng lớp nhân dân về chủ quyền biển, đảo ngày càng được nâng lên. Các lực lượng vũ trang của tỉnh được xây dựng từng bước vững mạnh toàn diện, sẵn sàng chiến đấu cao. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung xây dựng, củng cố nền quốc phòng, biên phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, tạo được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biển, đảo.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra hiện nay là đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng biển còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo còn 11%. Hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, sử dụng các loại hóa chất, vật liệu nổ để đánh bắt, khai thác, hủy hoại môi trường sinh thái; tình hình khiếu kiện, tranh chấp đất đai; tranh chấp ngư trường với ngư dân các tỉnh bạn còn xảy ra và chưa được giải quyết dứt điểm.

Việc xây dựng, bổ sung cơ chế và huy động nguồn lực đầu tư cho biển, đảo chưa được chú trọng đúng mức; chưa có cơ chế, chính sách đặc thù đối với huyện đảo Cồn Cỏ; chưa có cơ chế, công cụ điều phối hoạt động liên ngành giữa các lực lượng tham gia công tác quản lý, bảo vệ ngư dân đánh bắt hải sản và các hoạt động kinh tế trên biển, đảo.

Trong khi đó dự báo những năm tới tình hình Biển Đông nói chung và vùng biển tỉnh Quảng Trị nói riêng còn diễn biến phức tạp. Hậu quả sự cố môi trường biển còn ảnh hưởng lâu dài đến sản xuất, đời sống của nhân dân vùng biển nên tiềm ẩn nguy cơ các thế lực thù địch, các đối tượng chống phá luôn tìm cách lôi kéo, kích động người dân gây rối để làm mất an ninh trật tự tại địa phương.

Từ thực tế tình hình trên đặt ra yêu cầu phải tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới. Mục tiêu của tỉnh đề ra là huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế biển, đảo; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh vùng ven biển, đảo.

Xây dựng hệ thống chính trị các địa phương vùng ven biển, huyện đảo, lực lượng vũ trang, dân quân biển vững mạnh toàn diện, làm tốt vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, đảm bảo an ninh vùng biển, đảo của tỉnh.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo. Bổ sung cơ chế, chính sách, huy động và ưu tiên đầu tư nguồn lực cho phát triển kinh tế biển, đảo. Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng kinh tế biển ở 4 huyện ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ, gắn với quá trình xây dựng phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Tiếp tục thúc đẩy quá trình dân sự hóa trên biển, đảo; xây dựng lực lượng vũ trang, lực lượng chuyên trách nòng cốt quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biển, đảo. Quá trình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, cần tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng và hoạt động của hệ thống chính trị ở các địa phương, cơ sở ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền an ninh biển, đảo trong tình hình mới.

Trong đó trọng tâm là triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng bộ và lực lượng vũ trang tỉnh.

Coi trọng việc kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống chính trị huyện đảo Cồn Cỏ, cơ sở xã, thị trấn các huyện ven biển phù hợp, hoạt động có hiệu quả. Phát huy vai trò của các cấp, ngành, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào tự quản giữ gìn an ninh trật tự thôn, xóm, tổ tự quản tàu thuyền bến bãi và hoạt động trên biển. 

 

Phương Minh

 

 

1431 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 537
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 537
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78011444