Phát triển cây nghệ vàng ở Gio Linh  

(QT) - Những năm qua, được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, người dân miền Tây huyện Gio Linh đã chủ động đầu tư mở rộng diện tích và trồng đại trà giống cây nghệ vàng. Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, cây nghệ vàng sinh trưởng tốt và cho chất lượng cao. Qua thời gian canh tác, người dân dần tích lũy kinh nghiệm, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và chú trọng đến chất lượng của sản phẩm nên diện tích, sản lượng và năng suất cây nghệ không ngừng tăng, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống.

 

Người dân miền Tây Gio Linh trồng cây nghệ xen dưới tán rừng cao su

 

Xã Gio An hiện có diện tích trồng nghệ 90 ha, phân bố đồng đều trên toàn xã. Giống nghệ được người dân nơi đây trồng là cây nghệ vàng bản địa có tính thích nghi và chịu hạn cao. Anh Cái Viết Chí, Chủ tịch Hội Nông dân xã Gio An cho biết, hiện tại đang giữa mùa vụ, người dân vẫn tiếp tục trồng thêm nên diện tích nghệ vàng sẽ còn tăng. Theo anh Chí, cây nghệ được trồng từ tháng 6 đến hết tháng 7 âm lịch. Tuy nhiên, vì để tăng năng suất, sản lượng nên người dân địa phương đã trồng sớm hơn lịch thời vụ truyền thống 1 tháng. Những năm gần đây, cứ đến đầu tháng 5 âm lịch là nông dân đã ra ruộng cày đất trồng nghệ. Từ tháng 3 đến tháng 6 năm sau là thời gian người dân tập trung thu hoạch nghệ củ. Nghệ thành phẩm sau khi thu hoạch sẽ được bán đi thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Nghệ An, Hà Nội, Quảng Bình, Huế, Nha Trang…

 

Ngoài ra, nghệ Gio An còn được chế biến và xuất bán dưới dạng gia vị (5%) hoặc tinh bột nghệ (95%). Trước nhu cầu tiêu thụ tinh bột nghệ ngày càng cao của thị trường, người dân đã chủ động mua sắm máy móc, thiết bị để sản xuất tinh bột nghệ. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay ở Gio An có khoảng 200 hộ gia đình làm tinh bột nghệ thủ công và bán lẻ ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Theo đánh giá của chính quyền và người dân địa phương, từ khi cây nghệ vàng được đầu tư trồng đại trà đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, đời sống của người dân ngày càng nâng cao. Chị Trần Thị Ngọc Diệp (35 tuổi) ở thôn An Hướng cho hay, gia đình chị có 2,5 ha nghệ vàng. Vụ năm nay, chị trồng gần 3 tấn nghệ giống, trung bình 8 tạ giống sẽ trồng được trên diện tích 1ha. Đến cuối vụ, trung bình 1ha sẽ thu được 15 - 20 tấn nghệ củ thành phẩm. Hiện nay, giá 1kg nghệ tươi được bán tại vườn giao động từ 12.000 - 15.000 đồng. Trung bình 1 tấn nghệ thành phẩm sẽ thu được 10 triệu đồng, như vậy 1ha nghệ sẽ thu được 150 - 200 triệu đồng.

 

Trong năm 2016, cây nghệ vàng đã mang lại doanh thu hơn 10 tỷ đồng cho xã Gio An. Rời Gio An, chúng tôi về xã Gio Bình, một trong những địa phương phát triển mạnh cây nghệ vàng. Anh Bùi Ngọc Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Gio Bình cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, toàn xã có tổng diện tích gieo trồng trên 225 ha, trong đó, cây nghệ vàng có diện tích 47ha. Hiện nay người dân đang tiếp tục trồng mới. Cây nghệ được trồng ở 6 thôn của xã. Thôn có diện tích trồng nghệ tập trung nhiều là Xuân Mai (15ha), Tân Lịch (15ha).

 

Hầu hết, các hộ gia đình ở Gio Bình đều trồng từ 0,5 - 1ha nghệ trong diện tích vườn nhà hoặc xen kẽ dưới các tán rừng cao su. Nhiều hộ có diện tích nghệ lớn, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây nghệ như hộ ông Tạ Văn Thú ở thôn Tiến Kim (2ha), hộ ông Nguyễn Tài Quốc (2ha), ông Bùi Văn Lủy (2ha) đều ở thôn Xuân Mai… Đặc tính cây nghệ phù hợp với đất đỏ ba dan, ít bị sâu bệnh, dễ trồng và tốn ít công chăm sóc. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, thời gian qua, xã đã định hướng cho người dân tập trung trồng cây ngắn ngày, đặc biệt chú trọng phát triển cây nghệ, dần thay thế cho cây sắn, đồng thời tổ chức sản xuất tập trung. Ngoài ra, hiện nay, trên địa bàn xã có 7 hộ dân chế biến sản xuất tinh bột nghệ bán ra thị trường.

 

Để người dân mạnh dạn làm ăn, yên tâm canh tác, xã Gio Bình đã tổ chức thành lập tổ hợp tác và quy hoạch địa điểm tổ chức sản xuất quy mô lớn nhằm thu mua sản phẩm của người nông dân làm ra đồng thời khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích. Hiện nay, toàn huyện Gio Linh có tổng diện tích trồng nghệ vàng là 163ha, năng suất 70,4 tạ/ha, sản lượng đạt 1.149 tấn. Cây nghệ được trồng tập trung ở các xã Gio Bình, Gio An, Linh Thượng, Gio Hòa, Hải Thái… Trong đó, 2 xã nổi bật nhất là Gio An và Gio Bình.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thức, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gio Linh cho biết, những năm gần đây, người dân trên địa bàn huyện, đặc biệt là vùng phía Tây đã đẩy mạnh đầu tư trồng đại trà cây nghệ vàng, diện tích nghệ không ngừng tăng. Cây nghệ được trồng ở vùng đất phía Tây của huyện cho năng suất, sản lượng và chất lượng cao, được thị trường rất ưa chuộng. Do đó, người dân ở các xã đã tận dụng triệt để diện tích đất trống, đất trồng các loại cây không hiệu quả để chuyển sang trồng nghệ. Ngoài ra, chính quyền các địa phương cũng phối hợp với nông trường cao su tạo điều kiện cho người dân trồng xen cây nghệ trên diện tích những cánh rừng cao su chưa khép tán.

 

Về vấn đề cung - cầu và đầu ra cho cây nghệ, ông Thức cho biết thêm: “Huyện đã tham mưu, chỉ đạo các địa phương chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nghệ và tuyên truyền, hướng dẫn người dân nên luân canh, xen canh các loại cây trồng phù hợp. Quan điểm của ngành nông nghiệp huyện là không phát triển tràn lan khi chưa có thị trường ổn định. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật canh tác, chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ để người dân yên tâm sản xuất”.

 

Trần Tuyền

 

 

1576 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 908
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 908
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76671463