Ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ sáu, HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VII: Các đại biểu thảo luận tổ, chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường 

(QT) – Hôm nay 13/12/2017, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ sáu, HĐND tỉnh khóa VII, các đại biểu thảo luận tổ và chất vấn, trả lời chất vấn tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội.

(QT) – Hôm nay 13/12/2017, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ sáu, HĐND tỉnh khóa VII, các đại biểu thảo luận tổ và chất vấn, trả lời chất vấn tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại tổ thảo luận. Ảnh: Huy Nam

 

Các đại biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Thành Dũng

 

Trong buổi sáng, các đại biểu tập trung thảo luận ở 5 tổ, đã có 42 lượt ý kiến tham gia. Hầu hết các ý kiến đồng tình cao với các báo cáo, tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết của UBND tỉnh trình tại kỳ họp và các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh.

 

 Đại biểu Trần Văn Đoàn giải trình về việc xây dựng khu nhà ở cho công nhân ở các Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá, Nam Đông Hà. Ảnh: Thành Dũng

 

Nhiều đại biểu đánh giá cao công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư của tỉnh trong năm 2017 và cho rằng cần có đánh giá cụ thể, toàn diện hơn về vấn đề này. Có đại biểu cho rằng, năm 2017 tình hình nợ đọng vốn xây dựng cơ bản, vốn đối ứng cho các dự án ODA gặp nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư các công trình hạ tầng. Do vậy, cần phải làm rõ trách nhiệm của các chủ đầu tư, nhất là ở cấp huyện trong kiểm soát, triển khai các nguồn vốn được phân cấp; cần có chế tài xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị không tuân thủ các quy định, giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản chậm, xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản.

 

Đại biểu Phan Ngọc Tư cho rằng: các công ty lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng diện tích đất rất lớn nhưng công tác quản lý, liên doanh, liên kết sản xuất vẫn còn nhiều bất cập. Ảnh: Thành Dũng

 

Về chỉ tiêu năm 2018, có đại biểu đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng lên 7,5%. Trong các giải pháp phát triển kinh tế  - xã hội năm 2018, một số đại biểu cho rằng cần phải kiến nghị Trung ương đánh giá toàn diện, thực chất việc thực hiện cơ chế “Một cửa, một lần dừng” ở cặp Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo – Densavan. Có các giải pháp thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ ở Khu Kinh tế - Thương mại Lao Bảo; triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII; tập trung tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khu kinh tế Đông Nam vào danh sách quy hoạch khu kinh tế biển trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020; có đề án, chính sách thiết thực, hiệu quả hơn để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, xây dựng thương hiệu hàng hóa địa phương; quyết liệt trong cải cách hành chính và siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đề cao tính gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

 

Đại biểu Lê Cảnh Biên nêu thực tế việc thanh toán bảo hiểm y tế chưa có sự thống nhất giữa ngành y tế và bảo hiểm xã hội gây nhiều khó khó khăn cho người dân. Ảnh: Thành Dũng

 

Về công tác giảm nghèo bền vững, có đại biểu đề nghị cần tập trung chỉ đạo xây dựng các chương trình giảm nghèo bền vững; phân công rõ ràng trách nhiệm, nhiệm vụ cho các ngành, các tổ chức, đoàn thể để mang lại hiệu quả cao hơn.

 

Đại biểu phấn khởi trước sự đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh. Ảnh: Thành Dũng

 

Một số ý kiến cũng đề nghị bổ sung thêm các giải pháp, nhất là đầu tư hạ tầng phát triển thủy sản, tăng cường công tác đào tạo nghề để tiếp tục ổn định sinh kế đối với người dân vùng biển.

 

Có ý kiến cho rằng cần có những cách làm mới trong phát triển du lịch, chú trọng đổi mới, xây dựng sản phẩm du lịch mang đặc trưng của tỉnh và thu hút thêm người dân tham gia làm du lịch theo hình thức du lịch cộng đồng.

 

Về vấn đề tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, một số ý kiến cho rằng cần có cơ chế cụ thể đối với từng ngành, từng đơn vị để thực hiện phù hợp, hiệu quả hơn, bên cạnh đó cần giải quyết hợp tình, hợp lý đối với giáo viên, nhân viên hợp đồng vượt định biên ở các trường học; khắc phục tình trạng thiếu nhà công vụ giáo viên ở huyện Đakrông, Hướng Hóa.

 

 Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, có đại biểu đề nghị tỉnh cần tập trung các nguồn lực đầu tư cho huyện Cam Lộ để huyện sớm về đích huyện nông thôn mới; tăng cường chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thực chất, bền vững, không huy động quá sức dân.

 

Về tình hình quản lý, sử dụng đất đai của các công ty lâm nghiệp, có một số ý kiến đề nghị lãnh đạo tỉnh cần có giải pháp để quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn cũng như khi thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp này cần xem xét thu hồi khoảng 15% diện tích đất của các doanh nghiệp này để giao cho các địa phương bố trí cho người dân sản xuất. Quản lý đất đai trên địa bàn huyện Hướng Hóa còn nhiều bất cập, do vậy cần quan tâm bố trí các nguồn lực, cán bộ để chấn chỉnh, quản lý tốt hơn.

 

Đối với danh mục các dự án cần thu hồi đất, có đại biểu kiến nghị khi thực hiện phải xem xét khách quan, thận trọng, đảm bảo hài hòa các lợi ích gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

 

Về giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống ma túy trên địa bàn có đại biểu cho rằng cần tăng cường và đa dạng công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhà trường và cho rằng chỉ tiêu giảm 10% tỷ lệ người nghiện ma túy hàng năm trong giai đoạn 2017 - 2020 là không khả thi.

 

Có ý kiến phản ánh việc giao dự toán thu năm 2017 đối với thành phố Đông Hà còn chưa phù hợp, số thu ngoài thuế còn khá cao; việc treo băng rôn trên các tuyến phố trung tâm của thành phố có lúc, có nơi làm mất mỹ quan đô thị, an toàn giao thông; việc xây dựng các cây xăng ở đường Trần Hưng Đạo và Lê Lợi tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, người dân bày tỏ sự không đồng tình và cần phải được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết…

 

Chiều cùng ngày, các đại biểu tập trung thảo luận tại hội trường. Đại biểu Phan Ngọc Tư (huyện Vĩnh Linh) bày tỏ sự đồng tình cao đối với báo cáo giám sát tình hình quản lý, sử dụng đất đai của Thường trực HĐND tỉnh; làm rõ một số vấn đề liên quan đến đất đai trên địa bàn huyện. Đề nghị tỉnh quan tâm xem xét bàn giao diện tích đất lâm nghiệp liền kề đảm bảo thuận lợi cho công tác quản lý và sử dụng; bố trí thêm đất sản xuất cho người dân; quan tâm đầu tư nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút các nhà đầu tư vào Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá; xây dựng đề án giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

 

Đại biểu Phan Ngọc Tư cũng cho rằng, các công ty lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng diện tích đất rất lớn nhưng công tác quản lý, liên doanh, liên kết sản xuất vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế trong khi đó người dân lại thiếu đất sản xuất, do vậy tỉnh cần xem xét giải quyết thấu đáo vấn đề này.

 

Ông Nguyễn Trường Khoa, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường thông báo kết quả về xử lý môi trường tại Công ty TNHH Dệt may Vinatex Quốc tế Toms ở huyện Hải Lăng; giải trình thêm một số nội dung về việc ra soát lại đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế thông tin về công tác phối hợp xử lý môi trường tại Công ty TNHH Dệt may Vinatex Quốc tế Toms.

 

 Đại biểu Trần Văn Đoàn (huyện Hướng Hóa), Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh giải trình về việc xây dựng khu nhà ở cho công nhân ở các Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá, Nam Đông Hà.

 

Đại biểu Phạm Đình Lợi (huyện Hải Lăng) thông tin một số nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị giải phóng mặt bằng ở Khu kinh tế Đông Nam và đề nghị khi thực hiện các cấp, các ngành cần phải đảm bảo tốt các lợi ích cho người dân, đặc biệt là việc bố trí tái định cư, giải quyết việc làm. Bên cạnh đó tỉnh cũng cần quan tâm hỗ trợ xây dựng đồng bộ hệ thống xử lý nước thải tại Cụm công nghiệp Diên Sanh.

 

Đại biểu Trần Đình Trung (huyện Hướng Hóa) đề cập đến những khó khăn trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương; nêu thực tế thiếu nước sạch ở các xã vùng Lìa, khó khăn trong quản lý đất đai ở địa phương và đề nghị tỉnh cần ưu tiên phân bổ các nguồn lực đầu tư cho các địa phương miền núi; hỗ trợ nguồn lực để đo đạc, cấp đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân cũng như các diện tích đất cấp cho các nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án.

 

Tại phiên họp, đồng chí Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo làm rõ một số vấn đề về công tác quản lý, sử dụng đất đai và quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện chi trả bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố ô nhiễm môi trường biển và chuyển đổi sinh kế, giải quyết việc làm cho lao động vùng biển.

 

Các đại biểu Lê Cảnh Biên, Trần Việt Dũng (huyện Triệu Phong) nêu thực tế việc thanh toán bảo hiểm y tế chưa có sự thống nhất giữa ngành y tế và bảo hiểm xã hội gây nhiều khó khó khăn cho người dân; đề nghị quan tâm xử lý ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, có giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân nêu cao ý thức bảo vệ môi trường.

 

Đại biểu Nguyễn Văn Cẩm (thị xã Quảng Trị) kiến nghị cần quan tâm bố trí đất cho người dân sản xuất vì hiện nay nhiều người dân ở vùng gò đồi thiếu đất sản xuất; kiên quyết xử lý tình trạng xâm lấn đất rừng.

 

Đối với lĩnh vực tư pháp, ông Hoàng Phước Quỳnh, Chánh Thanh tra tỉnh nêu thực trạng tiếp công dân và tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong năm 2017. Quá trình thực hiện cho thấy, các cơ quan, đơn vị đã triển khai chủ động, tích cực và đúng quy định cũng như phối hợp đồng bộ; việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết được triển khai kịp thời. Tuy vậy, vẫn còn tình trạng một số cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cấp xã chưa thực hiện tốt công tác tham mưu; trong quá trình thụ lý giải quyết đơn khiếu nại lần hai, một số cơ quan chưa chú trọng việc đối thoại theo quy định; thời hạn giải quyết khiếu nại một số vụ việc vẫn còn kéo dài... Chánh Thanh tra tỉnh cũng đề cập đến số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo chưa giải quyết; một số vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp trên địa bàn như trường hợp ông Hồ Tất Đức, Hồ Tất Đương ở phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ đất đai trong quá trình thi công mở rộng Quốc lộ 1.

 

Làm rõ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà cho rằng, thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành để thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại của ông Hồ Tất Đức, Hồ Tất Đương  đúng quy định của pháp luật và đảm bảo quyền lợi chính đáng của công dân.

 

Phát biểu kết thúc ngày làm việc thứ hai, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, những nhóm vấn đề đã được các đại biểu thảo luận thẳng thắn, trách nhiệm và cụ thể.

 

 Đối với xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở kết quả đạt được và các giải pháp của UBND tỉnh, có thể thấy rằng nhiệm vụ này đã được quan tâm trong điều kiện tỉnh còn nhiều khó khăn. Khi triển khai thực hiện cần phải đề cao tính đồng bộ và sáng tạo. Lưu ý phát triển các các mô hình sản xuất nông nghiệp mới tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao để nâng cao thu nhập cho người dân. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, xem xây dựng nông thôn mới quyền lợi và trách nhiệm; quá trình thực hiện không chạy theo thành tích, quan tâm giải quyết các vấn đề về môi trường để kết quả nông thôn mới chính là sự hài lòng của người dân.

 

Đối với công tác khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường biển, tỉnh đã triển khai tốt các mục tiêu, yêu cầu đề ra, đời sống người dân ổn định; có nhiều mô hình chuyển đổi sinh kế phát huy tốt; cải hoán, đóng mới tàu thuyền khai thác thủy sản được thực hiệu quả.

 

Về tình hình quản lý, sử dụng đất đai, bên cạnh những kết quả đạt được còn có những hạn chế là diện tích trên thực địa và hồ sơ, bản đồ quản lý của chính quyền có sự khác biệt; một số dự án, lĩnh vực sử đụng đất đai thiếu hiệu quả, không đúng mục đích; một số diện tích đất đã có chủ trương thu hồi nhưng khó khăn trong thực hiện vì vướng mắc quy định, kinh phí.

 

Đối với đất đai của các công ty lâm nghiệp, tỉnh đã thu hồi một phần diện tích nhưng khi bàn giao trên thực địa thì gặp một số khó khăn, sai lệch do công tác quản lý còn hạn chế, bất cập của chính quyền các địa phương. Đối với vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Hùng yêu cầu các địa phương phải nghiêm túc nhận trách nhiệm, khuyết điểm. Đồng chí cũng cho rằng, chủ trương thu hồi một phần diện tích đất của các công ty lâm nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa là hợp lý, do vậy HĐND tỉnh sẽ có ý kiến để UBND tỉnh xem xét thu hồi diện tích từ 15 - 20% để phục vụ các mục đích khác cũng như bố trí cho người dân sản xuất.

 

Trước đó, tại phiên họp nội bộ chiều 12/12/2017, các đại biểu HĐND tỉnh đã nhất trí cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh khóa VII đối với ông Nguyễn Hữu Dũng và ông Ngô Xuân Thường; miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với các ông Phan Văn Phong, Nguyễn Thanh Lợi; bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với các ông: Đỗ Văn Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Trường Khoa, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Hoàng Kỳ, Giám đốc Sở Tư pháp.

   

Theo chương trình kỳ họp, ngày mai (14/12/2017) các đại biểu tiếp tục thảo luận tại hội trường, nghe giải trình của các cơ quan chức năng, chất vấn và trả lời chất vấn, thông qua các nghị quyết của kỳ họp…

1366 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 834
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 834
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87024030