Nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài  

(QT) - Sau 30 năm, kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài chính thức được ban hành (ngày 29/12/1987), tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực trong việc áp dụng nhiều biện pháp có hiệu quả trong xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư nhằm đưa kinh tế- xã hội của tỉnh từng bước phát triển. Hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh Quảng Trị đã có những tác động đáng kể, góp phần làm thay đổi về quan điểm, tư duy, định hướng phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Các dự án FDI góp phần giải quyết việc làm thường xuyên, ổn định cho người lao động

 

Trên địa bàn tỉnh hiện có hai Khu Kinh tế (KKT) và ba Khu Công nghiệp (KCN) được thành lập là Khu Kinh tế- Thương mại đặc biệt Lao Bảo, KKT Đông Nam Quảng Trị, trong đó kết cấu hạ tầng Khu Kinh tế- Thương mại đặc biệt Lao Bảo, KCN Nam Đông Hà và KCN Quán Ngang đã được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thiện, thu hút nhiều dự án đăng ký vốn đầu tư.

Tính đến tháng 6/2017, có 10 dự án đầu tư vào các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh với số vốn đăng ký đầu tư 863,787 tỷ đồng, tương đương 42,045 triệu USD, trong đó có 8 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đầu tư 732,487 tỷ đồng, 2 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư. Có thể thấy, với tổng số vốn đăng ký đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành nguồn vốn quan trọng bổ sung cho tổng vốn đầu tư của tỉnh, góp phần tăng năng lực sản xuất của một số ngành như sản xuất công nghiệp, chế biến nông, lâm, thủy sản…., đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 25 tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho khoảng 700 lao động.

Ngoài ra, thời gian qua có 12 dự án FDI ngoài KCN, KKT được cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký 65, 11 triệu USD, đến thời điểm hiện tại có 6 dự án còn hiệu lực hoạt động. Phần lớn các dự án FDI tại Quảng Trị do nhà đầu tư từ Thái Lan, Trung Quốc, Australia, Mỹ….thực hiện.

Mặc dù các dự án FDI chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh nhưng tỷ trọng vốn đăng ký đầu tư chiếm hơn 4,68 % tổng vốn đầu tư của toàn tỉnh, hàng năm đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm thường xuyên, ổn định có một số lượng khá lớn lao động địa phương.

Bên cạnh những kết quả tích cực, có thể thấy tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh còn khá hạn chế so với nhiều địa phương khác trong khu vực và cả nước, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, kinh tế và tài nguyên sẵn có. Quy mô của các dự án FDI nhìn chung còn nhỏ, chất lượng chưa cao, vốn ít (thường dưới 10 triệu USD) và tỷ lệ vốn thực hiện thấp so với đăng ký.

Sở dĩ giá trị kinh tế của các dự án mang lại chưa cao cũng bởi nguyên nhân là hầu hết sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, hiệu quả chuyển giao hạn chế. Cùng với đó, nhiều dự án hoạt động kém hiệu quả, triển khai chậm tiến độ so với kế hoạch đã đăng ký. Mặt khác, việc kêu gọi, thu hút các dự án theo một số lĩnh vực, ngành nghề đang cần thiết cho hạ tầng KKT, KCN, công nghệ phụ trợ như công nghiệp sạch, công nghiệp môi trường, công nghiệp điện tử…chưa thực sự hiệu quả. Hoạt động xúc tiến đầu tư dù đã có những chuyển biến nhất định song nhìn chung vẫn còn đơn lẻ, thiếu đồng bộ, còn bị động và chưa có tính chiến lược dài hạn….

Để đáp ứng hơn nữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới; đặc biệt là để thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI trong thời gian tới, tỉnh có chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu từ FDI theo hướng chọn lọc các dự án thực sự có chất lượng, tập trung vào các ngành, lĩnh vực mà tỉnh chưa có điều kiện phát triển hoặc có tiềm năng lớn, có giá trị gia tăng cao. Chú trọng công tác xúc tiến thu hút đầu tư đối với các dự án tiềm năng đang được các nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát như dự án Khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị Quảng Trị - Singapore (Tập đoàn Sembcorp), dự án đường ống dẫn khí từ mỏ Báo Vàng (Công ty Gazprom), dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp (Công ty TNHH C&n Vina)…

Trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, các cấp, ngành tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nhằm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực giàu tiềm năng này. Đặc biệt trong xu thế hiện nay, tỉnh dành nhiều quan tâm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, phát huy vai trò liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân thực hiện sản xuất trong nông nghiệp theo chuỗi giá trị…

Để thực hiện được những mục tiêu trên, tỉnh sẽ ban hành một số cơ chế, chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp như định hướng thu hút đầu tư trong nước và trực tiếp nước ngoài giai đoạn 2017 - 2020 có tính đến 2025 và xây dựng hồ sơ thông tin một số dự án FDI có tính trọng điểm, quy mô lớn làm cơ sở kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Quảng Trị.

Ban hành các quy chế phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện thủ tục cấp phép đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp có vốn FDI thực hiện các dự án ngoài KCN, KKT. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng các KCN, du lịch, kinh tế…

Về tiến độ thực hiện các dự án FDI, sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang vướng mắc cũng như xử lý nghiêm các dự án thực hiện kém hiệu quả, có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư, trong đó tập trung huy động vốn đầu tư vào các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng với chủ trương khuyến khích đầu tư theo hình thức BT, BOT, PPP…

Tập trung đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao nhằm đáp ứng tốt yêu cầu của các nhà đầu tư, đồng thời nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, năng lực tham mưu của các cơ quan chuyên môn trong hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài trong tình hình mới.

 

Thanh Trúc

 

 

1580 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 865
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 865
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87026810