Mở rộng diện tích keo lưỡi liềm ở vùng cát  

(QT) - Phát triển cây keo lưỡi liềm trên vùng cát ven biển được người dân các huyện ven biển của tỉnh thực hiện từ nhiều năm nay. Từ những giá trị to lớn về kinh tế cũng như bảo vệ môi trường mà cây keo lưỡi liềm mang lại, chính quyền và người dân các địa phương ven biển đang nhân rộng trồng đại trà và hình thành các cánh rừng phòng hộ chắn cát, giữ nước, cải tạo môi trường sinh thái và cho trữ lượng gỗ khá lớn cung cấp cho các nhà máy chế biến lâm sản.

Phát triển cây keo lưỡi liềm ở vùng cát Triệu Phong

Hiện nay, việc trồng rừng keo ven biển được người dân triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh đã nâng cao giá trị canh tác, mang lại thu nhập cao, cải thiện đáng kể đời sống cho người dân trồng rừng keo. Keo lưỡi liềm là cây thân gỗ có thể biến dạng từ thân bụi đến thân gỗ lớn tùy vào môi trường sống. Thân cây thẳng, đâm nhiều cành nhánh, vỏ màu sẫm hay nâu xám, nhiều vết nứt sâu. Rễ phát triển mạnh, có nhiều vi khuẩn bám vào rễ hình thành loại đạm cộng sinh nên có tác dụng bảo vệ và cải tạo đất, đặc biệt là các vùng cát trắng ven biển.

Keo lưỡi liềm có khả năng sinh trưởng tương đương với keo tai tượng nhưng khối lượng riêng của gỗ cao hơn, đặc biệt có khả năng chịu hạn và chịu ngập nước theo mùa rất tốt nên loài cây này được sử dụng khá rộng rãi để trồng rừng ở các vùng đất cằn cỗi, nghèo dinh dưỡng, điều kiện khí hậu khắc nghiệt như vùng cát ven biển và cát nội đồng. Có thể trồng cây keo lưỡi liềm thành hàng rào để chống xói mòn, làm băng cản lửa, chắn gió, bảo vệ đất. Từ đặc điểm này, nhiều địa phương ở các huyện ven biển chọn cây keo làm cây trồng chính phù hợp để phát triển thành rừng phòng hộ bảo vệ đất, điều hòa khí hậu, chống cát bay, cát nhảy, cải tạo môi trường sinh thái và phát triển kinh tế.

Anh Dương Văn Hùng, thôn Hà Tây, Triệu An, Triệu Phong cho biết: “So với các loại cây lâm nghiệp khác trồng ở vùng cát thì trồng cây keo cho hiệu quả hơn cả. Nhờ vào sự thích nghi và chống chịu tốt trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên cây keo lưỡi liềm phát triển nhanh, ít công chăm sóc, tỷ lệ sống cao, đặc biệt là sinh khối nhanh”. Nhằm thúc đẩy người dân phát triển cây keo lưỡi liềm trên cát, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã chỉ đạo Trạm Khuyến nông các huyện xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng keo lưỡi liềm cho nông dân.

Qua nhiều năm tập trung nghiên cứu về hệ thống các biện pháp thâm canh rừng trồng như kỹ thuật làm đất, bón phân, mật độ trồng, khả năng cải tạo đất từ các mô hình trồng keo lưỡi liềm ở huyện Triệu Phong cho thấy cây keo lưỡi liềm rất phù hợp đối với vùng đất cát, đặc biệt là khả năng chịu hạn, chịu úng. Trung tâm Khuyến nông tỉnh kết hợp với Viện Nghiên cứu giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp đã xây dựng vườn giống thế hệ 1 keo lưỡi liềm. Đồng thời, triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh rừng trồng, tiến hành khảo nghiệm các giống cây mới để làm phong phú thêm tập đoàn cây lâm nghiệp trên địa bàn và nâng cao giá trị canh tác rừng keo lưỡi liềm.

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao, người nông dân phải tuân thủ yêu cầu kỹ thuật đề ra, có như vậy cây keo lưỡi liềm mới thực sự là cây làm giàu cho người dân vùng cát ven biển trong những năm tới. Ông Nguyễn Cửu , Phó Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Triệu Phong cho biết: “Cây keo lưỡi liềm có tốc độ sinh trưởng nhanh, phù hợp với vùng cát ven biển. Đây là một lợi thế để người dân phát triển loại cây này vừa có giá trị kinh tế cao, vừa tăng độ che phủ. Để trồng rừng đạt hiệu quả cao, nông dân cần đầu tư thâm canh hơn”.

Cây keo lưỡi liềm có chu kỳ sinh trưởng từ 6 - 9 năm, song nếu chăm sóc tốt và trồng đúng quy trình kỹ thuật chỉ mất 5 năm có thể cho khai thác lấy gỗ. Gỗ keo lưỡi liềm khá nặng, gỗ lớn dùng đóng đồ mộc, xây dựng, làm ván ghép thanh; gỗ nhỏ dùng làm nguyên liệu giấy, dăm, ván ép, cọc trụ mỏ…

Trong thời gian tới, để tăng cường diện tích rừng trồng keo lưỡi liềm trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập trung đào tạo hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây keo lưỡi liềm cho người trồng rừng; khuyến khích nông dân có đất ven biển tham gia trồng cây keo lưỡi liềm; nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, trong đó cây keo lưỡi liềm; xây dựng định mức và hướng dẫn nông dân thực hiện trồng rừng chất lượng cao; đẩy mạnh áp dụng công nghệ sinh học trong trồng cây giống đáp ứng nhu cầu của người dân…

Hiện nay, các xã ven biển của tỉnh phát triển mạnh cây keo lưỡi liềm. Với gần 30.000 ha đất cát ven biển, các địa phương có chủ trương tiếp tục mở rộng, triển khai trồng loại keo lưỡi liềm có giá trị kinh tế hàng hóa cao, giúp nông dân vùng cát nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, đồng thời góp phần tích cực trong việc phủ xanh đất trống, cải tạo đất, cải tạo môi trường sinh thái, chống cát bay cát lấp…Đây cũng là một hướng đi mới trong chuyển đổi sinh kế bền vững cho người dân vùng biển.

 

Trần Anh Minh

 

 

1242 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 730
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 730
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77579008