|
Cơ sở hạ tầng nuôi tôm chưa được đầu tư đúng mức
|
Ngành nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã phát triển nhiều năm, cơ sở hạ tầng vùng nuôi đã được quan tâm đầu tư song nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Trên toàn tỉnh, diện tích nuôi tôm hàng năm khoảng 1.000 ha, tuy nhiên đa số các cơ sở nuôi có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, không được đầu tư đúng mức đảm bảo cho hoạt động nuôi trồng thủy sản. Nguồn nước lấy vào ao nuôi tôm chủ yếu từ các sông và nước biển qua xử lý, tuy nhiên hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư đúng mức, không có kênh cấp, kênh thoát riêng biệt, không có hệ thống lắng lọc và xử lý chất thải nên bệnh trên tôm nuôi rất dễ phát sinh và lây lan nhanh thành dịch.
|
Bên cạnh những vụ tôm được mùa, đem lại thu nhập cao cho người nuôi thì những tồn tại bất cập như cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, nguồn tôm giống chưa được quản lý chặt chẽ cùng một số nguyên nhân khác cũng đã khiến cho ngành nuôi tôm gặp nhiều khó khăn. |
Ông Trần Văn Lưu, ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh hiện đang thả nuôi 5 ha tôm với tiêu chí nuôi tôm sạch. Theo ông Lưu, để nuôi tôm sạch thì trước hết ao phải sạch, được phủ bạt hoàn toàn và quan trọng nhất là nguồn nước cấp cho ao nuôi phải sạch. Tuy nhiên mấy năm trở lại đây, người nuôi tôm ở xã Vĩnh Sơn chung một nỗi lo bởi nguồn nước từ sông cấp vào hồ tôm có nguy cơ bị ô nhiễm do hoạt động của nhà máy chế biến cao su trên địa bàn. Không chỉ người nuôi tôm nước ngọt lo lắng chuyện nguồn nước, mà các hộ nuôi tôm trên cát như ở xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong, vấn đề nguồn nước ô nhiễm, thiếu nước ngọt để cấp vào hồ tôm đang là vấn đề nan giải.
Ông Hồ Xuân Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong cho biết: “Hiện nay toàn xã Triệu Vân có 36,7 ha diện tích nuôi tôm, sản lượng quý I năm 2017 đạt 150 tấn, tương đương 75 tỷ đồng lợi nhuận. Nuôi tôm trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của xã nhiều năm nay. Tuy nhiên vấn đề của người nuôi tôm gặp phải là nguồn nước ô nhiễm, thêm vào đó, vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng nghề nuôi còn rất hạn chế”.
Hiện nay, nguồn nước ngọt, đặc biệt là nguồn nước ngầm ven biển có xu hướng suy giảm về trữ lượng, nhiều nơi đã bị nhiễm mặn. Môi trường biển cũng đang có chiều hướng xấu, ngày càng có nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển gây ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó, nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tôm tập trung trên địa bàn tỉnh như điện, đường, nước, thủy lợi, bờ bao, bờ thửa, kênh cấp, kênh thoát nước… còn hạn chế dẫn đến khó đáp ứng các điều kiện sản xuất, tăng mức rủi ro trong sản xuất. Trong khi đó, các tổ chức tài chính, tín dụng chưa tích cực cho vay vốn để nuôi tôm nên các cơ sở nuôi nhỏ lẻ càng khó có điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng.
Đối với con giống, vụ nuôi năm 2017 này, hộ ông Nguyễn Hùng Cư, ở thôn 4, xã Triệu Lăng, Triệu Phong tiếp tục đầu tư hơn 50 triệu đồng mua 50 vạn con giống từ Bình Định về thả nuôi từ tháng 3. Qua hơn hai tháng thả con giống, tiền thức ăn cho tôm khoảng 150 triệu đồng nhưng cuối cùng, tôm bị chết hàng loạt. Hơn mười mấy năm lăn lộn với nghề nuôi tôm, đây là vụ đầu tiên ông Cư gần như mất trắng. “Mỗi ngày tôi vớt khoảng 1-2 tạ tôm chết, nguyên nhân là do gan tụy cấp. Hồ nuôi của gia đình tôi đảm bảo các điều kiện về vệ sinh lòng hồ, chất lượng nguồn nước, các quy trình chăm sóc tôm đều được tuân thủ nghiêm ngặt, nhưng không hiểu sao lứa tôm này sinh trưởng rất chậm, sức đề kháng yếu nên dịch bệnh xảy ra thì không cứu vãn được”, ông Cư cho biết.
Gần 10 ha tôm bị dịch bệnh trên địa bàn xã Triệu Lăng thời gian qua hầu hết đều được nhập giống tôm từ các tỉnh phía Nam…Chia sẻ câu chuyện về một vụ tôm gần như mất trắng vừa qua, ông Đặng Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Lăng cho biết thêm: “6 tháng đầu năm 2017, xã Triệu Lăng có khoảng 10 ha tôm bị thiệt hại do dịch bệnh, hầu hết tôm chết đều được xác định nguyên nhân bị gan tụy cấp. Ngoài nguyên nhân khách quan do điều kiện thời tiết khí hậu thất thường, rét đậm và nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất của người dân thì nguyên nhân chủ yếu là con giống đợt thả nuôi vừa qua chất lượng kém”.
Không chỉ người nuôi tôm trên cát lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười với con giống, mà tình hình này cũng diễn ra phổ biến đối với những hộ nuôi tôm nước lợ ở các vùng khác trong tỉnh. Thực tế hiện nay, nguồn tôm giống được nhập từ các tỉnh về là chủ yếu, con giống có giá khá rẻ, không qua kiểm dịch, người dân đặt cược vào con tôm giống với tâm lý may nhờ rủi chịu. Việc kiểm tra lô hàng có giấy chứng nhận kiểm dịch hay không là rất khó khăn do tôm giống đến từ nhiều địa phương khác nhau, thời gian thả giống rải rác, người dân một số xã chưa thực hiện việc kê khai ban đầu, các cơ quan chức năng không nắm được thời điểm thả giống để tiến hành kiểm tra chặt chẽ.
Trong khi đó, Trại sản xuất tôm giống Cửa Tùng thuộc Trung tâm giống thủy sản của tỉnh với quy mô và năng lực hiện có chỉ cung ứng khoảng 5 triệu con tôm giống/năm đối với giống tôm sú, còn lại phải nhập từ các tỉnh phía Nam. Đặc biệt 100% giống tôm thẻ chân trắng thả nuôi trên địa bàn tỉnh đều phải nhập từ tỉnh khác về. Không kiểm soát được chất lượng con giống, không chủ động sản xuất đủ con giống cung ứng cho nhu cầu của người nuôi tôm nên dịch bệnh trên tôm thường xuyên xảy ra là điều khó tránh khỏi. Ngoài ra, có nhiều nguyên nhân khách quan khác như việc sử dụng thuốc, hóa chất thiếu cơ sở khoa học, việc ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật trong nuôi tôm còn nhiều hạn chế, công tác quản lý cộng đồng trong nuôi tôm còn nhiều bất cập…. khiến cho dịch bệnh trên tôm hàng năm vẫn diễn ra phổ biến, thiệt hại ước tính trên 10 tỷ đồng một năm, ảnh hưởng đến tính bền vững và hiệu quả của ngành nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.
(còn nữa)
Thanh Trúc
|