Kỷ niệm 111 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn 7/4 (1907-2018): Đồng chí Lê Duẩn - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người con ưu tú của quê hương Quảng Trị 

(QT) - Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn sinh ngày 7/4/1907, trong một gia đình nghèo tại làng Bích La, xã Triệu Đông và lớn lên tại làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành (Triệu Phong). Sau khi thoát ly gia đình đi làm cách mạng, năm 1928, đồng chí gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1930, đồng chí trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập.

Với 79 tuổi đời, 56 tuổi Đảng, gần 60 năm hoạt động cách mạng liên tục ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, đồng chí Lê Duẩn được giao những trọng trách quan trọng của Đảng: Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ (1937), Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng (1939), Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1946- 1954), Ủy viên Bộ Chính trị (1951), Bí thư thứ nhất, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ năm 1960 đến 1986. Trên cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng liên tục 26 năm, cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn góp phần quan trọng vào việc hoạch định, hoàn thiện đường lối và phương pháp cách mạng, đường lối và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân của Đảng và đã chỉ đạo thực hiện thành công các nhiệm vụ cách mạng của hai miền Nam- Bắc. Sau khi đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, tại các Đại hội lần thứ IV (1976), lần thứ V (1982) của Đảng và nhiều hội nghị Trung ương, đồng chí Lê Duẩn cùng với Ban Chấp hành Trung ương từng bước xây dựng một hệ thống quan điểm về chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta và lãnh đạo thực hiện đạt được những thành tựu rất quan trong trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội, xây dựng Đảng, quốc phòng- an ninh và đối ngoại, đưa nước ta vững bước đi lên con đường chủ nghĩa xã hội (CNXH).

 

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi gần 60 năm của đồng chí Lê Duẩn gắn liền với quá trình phát triển của cách mạng nước ta từ những năm 20 đến những năm 80 của thế kỷ XX. Cống hiến lý luận của đồng chí Lê Duẩn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc được thể hiện trong những tư tưởng chiến lược chủ yếu, đó là tư tưởng dám đánh và quyết thắng đế quốc Mỹ xâm lược; tư tưởng chiến lược tiến công và nghệ thuật đánh thắng từng bước, đánh bại từng âm mưu, đánh đổ từng bộ phận tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Quan điểm sử dụng bạo lực cách mạng với hai lực lượng chính trị và vũ trang, với hai hình thức đấu tranh cơ bản: Đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự. Tư tưởng chiến lược đánh địch và thắng địch bằng sức mạnh tổng hợp. Những tư tưởng chiến lược nói trên của Đảng mà người thiết kế chủ yếu là đồng chí Lê Duẩn, là nhân tố quan trọng hàng đầu để dân tộc ta lập nên những chiến công lịch sử có ý nghĩa thời đại trong thế kỷ XX. Trong lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp cách mạng XHCN nhằm đưa nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên CNXH- một sự nghiệp vĩ đại nhất chưa từng có trong lịch sử dân tộc, đồng chí Lê Duẩn đã có những suy nghĩ, trăn trở tìm tòi con đường đi lên CNXH phù hợp với điều kiện của Việt Nam, với lịch sử- văn hóa, kinh tế- xã hội và con người Việt Nam, đó là tư tưởng giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, coi đó là luận điểm cơ bản nhất trong đường lối chiến lược của Đảng ta. Tư tưởng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: Cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học- kỹ thuật và cách mạng tư tưởng- văn hóa, trong đó cách mạng khoa học- kỹ thuật là then chốt, nhằm xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, nền văn hóa mới và con người mới XHCN. Quan niệm về thực chất xây dựng nhà nước vô sản là chế độ làm chủ tập thể của nhân dân lao động mà nòng cốt là khối liên minh công- nông- trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng của giai cấp công nhân, thông qua Nhà nước- một Nhà nước do chính nhân dân lập ra và tự mình nắm quyền điều khiển.

 

Tượng đài Tổng Bí thư Lê Duẩn tại thành phố Đông Hà. Ảnh: PV

 

Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Lê Duẩn đã lãnh đạo Đảng ta khởi động quá trình đổi mới tư duy kinh tế, bắt đầu từ Hội nghị Trung ương 6, khóa IV và phát triển một bước trong những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX với những chủ trương của Đảng về đổi mới cơ chế phân phối lưu thông mà trước hết là chính sách giá- lương- tiền. Với tinh thần độc lập tự chủ, ý chí tiến công, tình cảm cách mạng sâu sắc và mong muốn cháy bỏng sớm “đưa nước ta hùng mạnh ngang tầm với các nước giàu có trên thế giới”, đồng chí Lê Duẩn rất tâm huyết trong việc tìm tòi con đường đi riêng của Việt Nam để quá độ lên CNXH. Tư duy lý luận sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn luôn bắt rễ từ thực tiễn Việt Nam, từ truyền thống văn hóa- tinh thần Việt Nam, từ thực tiễn đi tới lý luận, dùng lý luận để soi sáng thực tiễn. Điều chủ yếu toát lên từ tấm gương của đồng chí Lê Duẩn, đó là một nhà lãnh đạo suốt đời say mê tìm tòi, sáng tạo, luôn nêu cao phong cách tư duy độc lập, tự chủ, luôn lật xới vấn đề, khuyến khích tranh luận để tiếp cận chân lý. Còn PGS,TS Trần Thị Minh Tuyết thì cho rằng, với gần 60 năm hoạt động cách mạng, trong đó có 26 năm giữ vị trí người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã để lại những dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, đồng chí được mệnh danh là “Tổng công trình sư” của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và bản Đề cương Cách mạng miền Nam do đồng chí soạn thảo chính là phác thảo ban đầu. Với những quan điểm mang tính đột phá, bản đề cương đã tỏ rõ tầm nhìn vượt trội, tư duy sáng tạo, tinh thần cách mạng tiến công, cũng như sự gắn bó máu thịt với nhân dân của một nhà cách mạng kiệt xuất.

 

Dù bận trăm công nghìn việc, dù ở chiến trường xa xôi tận miền Nam hay giữ những trọng trách quan trọng của Đảng, đồng chí Lê Duẩn luôn đau đáu hướng về quê nhà. Ngay sau khi đất nước hòa bình, ngày 23/3/1976 đồng chí về thăm quê hương. Sau khi đi thực tế và thăm người dân, đồng chí căn dặn cán bộ lãnh đạo các địa phương: “Các đồng chí còn bộn bề lo toan nhiều công việc, nhưng trước hết phải lo cho dân có cơm ăn, áo mặc, con em phải được đến trường, phải lo cho tất cả mọi người không phân biệt “bên này bên kia” vì ai cũng là công dân của nước Việt Nam”. Đặc biệt khi thấy sự khô hạn của những cánh đồng huyện Triệu Hải (huyện Triệu Phong và Hải Lăng ngày nay), đồng chí trăn trở mong muốn làm sao để đưa nước từ các cánh rừng phía tây của tỉnh về bằng một hệ thống thủy lợi để sản xuất nông nghiệp. Thực hiện lời căn dặn của đồng chí Lê Duẩn, người dân ra sức khai hoang phục hóa, rà phá bom mìn, san lấp hố bom để dựng nhà lập vườn, cải tạo đồng ruộng. Vào những năm đầu sau ngày thống nhất đất nước, được sự đầu tư của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã xây dựng công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn giúp cho người dân gieo cấy 2 vụ lúa/năm. Từ đây, đời sống của nhân dân và bộ mặt hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng, thị xã Quảng Trị không ngừng thay da đổi thịt, phát triển từng ngày. Riêng trong năm 2017, giá trị sản xuất các ngành ở huyện Triệu Phong tăng 10,6%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 34,6 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 8,6%, cận nghèo 8,04%. Có 5 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, số tiêu chí đạt bình quân là 15,2% tiêu chí/xã, xã thấp nhất đạt 11 tiêu chí.

 

Nguyễn Vinh

1499 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 962
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 962
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87024389