Khai mạc kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VII 

(QT) - Sáng nay 16.7.2018, HĐND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc kỳ họp thứ 7, khóa VII, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Tham dự có UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hùng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính; Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoàng Đức Thắng; Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Nguyễn Đăng Quang; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh; các đại biểu HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội và các huyện, thị xã, thành phố…

 

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét, quyết định các tờ trình, đề án và dự thảo nghị quyết và một số nội dung quan trọng khác. Ảnh: Thành Dũng

 

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, trong 6 tháng đầu năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp; hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, công tác xúc tiến đầu tư,phát triển doanh nghiệp; tiến độ triển khai các dự án kinh tế động lực trọng điểm; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; công tác xây dựng chính quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành chính quyền các cấp...

 

Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 7 - HĐND tỉnh khóa VII. Ảnh: Thành Dũng

 

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh bên cạnh việc đánh giá kết quả đạt được, tập trung bàn định nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, thu chi ngân sách, xây dựng cơ bản 6 tháng cuối năm 2018, sẽ xem xét, quyết định các tờ trình, đề án và dự thảo nghị quyết và một số nội dung quan trọng khác. Trên tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và tiếp tục khẳng định quyết tâm không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh để hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương càng đi vào thực chất, đáp ứng mong đợi của cử tri, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh, các vị đại biểu khách mời thực hiện tốt nội quy kỳ họp HĐND, bảo đảm thành phần và thời gian làm việc; phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, nghiên cứu đóng góp ý kiến một cách thiết thực, chất lượng đối với các tờ trình, đề án nội dung trình kỳ họp...

  

 Tiếp đó, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoàng Đức Thắng báo cáo kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV và các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại kỳ họp. 

  

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính trình bày tờ trình chung về việc thông qua các báo cáo, tờ trình, đề án trình kỳ họp thứ 7 và báo cáo tóm tắt việc thực hiện Nghị quyết số 19/2017/NQ - HĐND của HĐND tỉnh về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018.

 

Về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018, báo cáo của UBND tỉnh nêu rõ nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt và đạt được những kết quả tích cực so với cùng kỳ năm 2017. Nổi bật là tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt trên 8.712,74 tỷ đồng, tăng 6,6%; tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt trên 5.962 tỷ đồng, tăng 11,47%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt trên 13,519 tỷ đồng, tăng 10,81%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.153,4 tỷ đồng/dự toán 2.597 tỷ đồng, đạt 44% dự toán địa phương, 45% dự toán Trung ương và bằng 107% cùng kỳ năm 2017; tổng chi ngân sách địa phương đạt trên 2.826,2 tỷ đồng/dự toán 7.595,5 tỷ đồng, đạt 37% dự toán địa phương và bằng 124% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng lương thực có hạt ước đạt 163.221 tấn, tăng 3,53%; sản lượng thủy sản ước đạt 13.676 tấ, tăng 10,86%; tạo việc làm mới cho 6.667 lao động, bằng 70,18% kế hoạch của năm.

 

 Các lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, đầu tư, tài chính -  ngân hàng, hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư, văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; nhiệm vụ quốc phòng - quân sự được triển khai kịp thời, đảm bảo đúng kế hoạch, nổi bật là hoàn thành tốt nhiệm vụ diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2018.

 

Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018 có một số khó khăn cơ bản là chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp chỉ tăng 8,92%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2017; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm; công tác xúc tiến, thu hút đầu tư chưa mang lại hiệu quả tương xứng, chưa có thêm dự án FDI nào được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới vẫn gặp một số trở ngại về công tác quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất, xây dựng và phát triển thương hiệu, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm nông sản; hoạt động du lịch còn có quy mô nhỏ, phương thức kinh doanh chậm được đổi mới...

 

Trong những tháng còn lại của năm 2018, UBND tỉnh xác định 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trong đó, chú trọng thực hiện các biện pháp bảo đảm ổn định các cân đối vĩ mô và kiểm soát lạm phát; nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành ngân sách nhà nước; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực; huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển gắn với tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng từ nguồn vốn đầu tư công; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy, đẩy mạnh cải cách hành chính và thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và kinh tế đối ngoại...

 

Đại diện Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh thông báo về công tác tham gia xây dựng chính quyền. Lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh trình bày báo cáo thẩm tra về các báo cáo, tờ trình, đề án trình kỳ họp.

 

*Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu tập trung thảo luận ở 5 tổ về tình hình kinh tế - xã hội.

 

Hầu hết các ý kiến đều đồng tình cao với các báo cáo, tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết của UBND tỉnh trình tại kỳ họp và các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh. Ảnh: Thành Dũng

 

Hầu hết các ý kiến đều đồng tình cao với các báo cáo, tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết của UBND tỉnh trình tại kỳ họp và các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh. Có ý kiến cho rằng kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018 là rất tích cực, để đạt được điều này có đóng góp rất quan trọng của công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh về giải quyết các vấn đề nóng, phát sinh trên địa bàn; xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; thu, chi ngân sách, do vậy cần phải nhấn mạnh, cụ thể hơn về những vấn đề này.

 

Có ý kiến đề nghị cần phân định rõ các nhóm hộ nghèo, nguyên nhân nghèo, khả năng tổ chức sản xuất, không hỗ trợ các hộ không có ý thức giảm nghèo, đồng thời gắn trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể địa phương trong thực hiện chính sách giảm nghèo. Ảnh: Thành Dũng

 

Bên cạnh đó cũng cần làm rõ một số hạn chế trong việc triển khai mô hình trồng dứa thí điểm ở các địa phương, vì sao sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mới chỉ dừng lại ở mô hình nhỏ lẻ, phân tán và chế biến nông sản vẫn chưa sâu; khá nhiều nông dân vẫn chưa mặn mà tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã. Có giải pháp để tăng cường quản lý khai thác khoáng sản, khắc phục tình trạng doanh nghiệp khai thác vượt quy mô giấy phép, chưa đầu tư chế biến sâu khoáng sản; nâng cao hiệu quả quản lý thuế, thu hồi nợ đọng thuế.

 

 Có đại biểu cho rằng cần phải gấp rút đổi mới công tác quản lý, khai thác các cửa khẩu để nâng cao hiệu quả kinh tế; làm rõ nguyên nhân vì sao chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2017 của tỉnh giảm điểm, một số công trình hạ tầng giao thông ở các huyện Triệu Phong, Đakrông thi công dang dở, tình trạng ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp ở nhiều vùng nông thôn.


Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp giáo dục ở huyện Đakrông. Bổ sung thêm số liệu, đánh giá về công tác dân số và vấn đề bạo hành gia đình, số vụ ly hôn đang có xu thế tăng ở các gia đình trẻ. Một số ý kiến đề nghị tỉnh tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và cần chỉ đạo cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành và chính quyền các địa phương cùng vào cuộc... 

 

Nhiều đại biểu nhấn mạnh, việc ban hành Đề án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2021 là rất cần thiết và mang nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, để đề án phát huy tốt hiệu quả, đề án cần cụ thể hơn nữa các chính sách hỗ trợ, thủ tục pháp lý, đối tượng, nhất là hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tỉnh ưu tiên phát triển; hỗ trợ các doanh nghiệp về đất đai, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, đa dạng hóa các dịch vụ và sản phẩm du lịch; trong thực hiện cần đảm bảo tính cụ thể, công khai, minh bạch và đúng đối tượng.

 

 Về hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp, nên thực hiện theo hai phương án thực hiện hỗ trợ lãi suất vốn vay cho doanh nghiệp sau đầu tư, hoặc giao cho các sở chuyên ngành phụ trách lĩnh vực thực hiện thẩm định đối tượng vay vốn đối với các đề án liên quan để đảm bảo chặt chẽ trong thủ tục pháp lý. Bổ sung thêm đối tượng hỗ trợ lãi suất là các hợp tác xã; giảm mức hỗ trợ kinh phí kết nối thị trường cho doanh nghiệp ở mức 70 - 80% thay vì 100% như phương án của dự thảo, đồng thời đề xuất bổ sung nội dung hỗ trợ việc đưa sản phẩm vào các siêu thị, trung tâm thương mại. Tăng hạn mức bố trí kinh phí dạy nghề cho công nhân lao động vì một năm bố trí 100 triệu đồng là quá thấp. Có ý kiến đề nghị không nên phân biệt chủ doanh nghiệp là nam hay nữ, đề xuất chính sách hỗ trợ như nhau đối với doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiệp chuyển đổi... 

 

Đối với Đề án định mức hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018-2020, có ý kiến đề nghị cần phân định rõ các nhóm hộ nghèo, nguyên nhân nghèo, khả năng tổ chức sản xuất, không hỗ trợ các hộ không có ý thức giảm nghèo, đồng thời gắn trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể địa phương trong thực hiện chính sách giảm nghèo để định mức hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ phát huy tốt hiệu quả.

 

Về đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2020, chiến lược đến năm 2030, một số đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn các chính sách hỗ trợ về tiền học phí, đi lại, tiền ăn để phù hợp với thực tế; trong đào tạo cần chú trọng đến đội ngũ điều hành, quản lý. Về Đề án thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở và kinh phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2019 - 2022, bên cạnh khẳng định tính cấp thiết, có đại biểu cho rằng cần làm rõ thời điểm xác định hộ nghèo và phân cấp thẩm quyền rộng hơn cho cấp xã trong triển khai thực hiện.

 

Về Tờ trình thông qua danh mục công trình thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ vào mục đích khác phát sinh trong năm 2018, có ý kiến đề nghị khi xem xét thông qua và triển khai thực hiện cần phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy định của pháp luật...

 

Ngày mai 17.7.2018, kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa VII tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, chất vấn và trả lời chất vấn cùng một số nội dung liên quan khác.

 

Thông tin về ngày làm việc thứ hai của kỳ họp sẽ được Báo Quảng Trị Online cập nhật ở số báo tiếp theo.

 

                                                        Huy Nam- Thanh Trúc

1230 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 982
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 982
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87040193