Kết quả bước đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về tổ chức bộ máy 

(QT) - Quán triệt mục tiêu tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân mà Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đề ra, trong gần 1 năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện, đạt được một số kết quả bước đầu.

Thứ nhất, đã xác định rõ mục tiêu sắp xếp cơ bản, đó là: Đối với thôn, khu phố, phấn đấu đến quý 2/2019, sáp nhập 730 thôn, khu phố (trong đó có 585 thôn, 145 khu phố) có quy mô số hộ gia đình đạt dưới 50% theo tiêu chuẩn quy định; sau khi sắp xếp, tổ chức lại số thôn, khu phố giảm từ 1.082 đơn vị, xuống còn từ 682 - 782 đơn vị (giảm 300 - 400 đơn vị); phấn đấu đến năm 2030 có 100% thôn, khu phố đạt tiêu chuẩn theo quy định. Đối với đơn vị hành chính cấp xã, phấn đấu đến quý 1/2020, sáp nhập 23 xã, thị trấn (trong đó có 21 xã, thị trấn không đạt 50% cả hai tiêu chí diện tích và dân số, 1 xã có dân số dưới 1.000 người, 1 xã có diện tích dưới 3km2); sau khi sắp xếp, tổ chức lại số đơn vị hành chính cấp xã sẽ giảm từ 141 đơn vị, xuống còn còn 122 đơn vị (giảm 19 đơn vị); giảm 378 cán bộ, công chức cấp xã, đạt 11,9% so với tổng số cán bộ, công chức cấp xã được giao; phấn đấu đến năm 2030 có 100% đơn vị hành chính cấp xã đạt tiêu chuẩn theo quy định. Đối với cơ quan hành chính cấp huyện, kết thúc hoạt động của Phòng Y tế ở các huyện, Ban Dân tộc ở 2 huyện miền núi và hợp nhất một số phòng chuyên môn ở các huyện như Phòng Kinh tế và Phòng Quản lý đô thị đối với thị xã Quảng Trị, Phòng Kinh tế hạ tầng và Phòng NN&PTNT đối với 2 huyện Cam Lộ và Đakrông... để tổ chức lại không quá 11 phòng ở thành phố Đông Hà, các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và Hướng Hóa; không quá 10 phòng ở thị xã Quảng Trị, các huyện Cam Lộ và Đakrông; không quá 2 phòng ở huyện đảo Cồn Cỏ, để còn 93 phòng (giảm 19 phòng). Chỉ đạo trong năm 2018 thực hiện thí điểm hợp nhất Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận cấp ủy ở 1/9 đơn vị, Ban Tổ chức cấp ủy và Phòng Nội vụ ở 1/9 đơn vị, cơ quan UBKT cấp ủy và Phòng Thanh tra ở 3/9 đơn vị; cơ quan UBMT chung ở 2/9 đơn vị; chủ trương Trưởng Ban Tuyên giáo cấp ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị ở 9/9 đơn vị; thí điểm Trưởng Ban Tổ chức cấp ủy đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ ở 3/9 đơn vị, Chủ nhiệm UBKT cấp ủy đồng thời là Chánh Thanh tra ở 3 đơn vị. Đối với cơ quan hành chính cấp tỉnh, sáp nhập Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; Ban Dân tộc tỉnh với Ban Tôn giáo thành Ban Dân tộc - Tôn giáo, trực thuộc Sở Nội vụ. Sau khi sắp xếp, tổ chức lại đảm bảo số lượng các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp tỉnh không quá 17 đơn vị (giảm 2 đơn vị). Sắp xếp lại các ban, chi cục trực thuộc sở để còn 11 chi cục (giảm 5 chi cục). Sắp xếp lại các phòng chuyên môn trực thuộc sở để còn 104 phòng (giảm 39 phòng).

 

Thứ hai, quan tâm tạo cơ chế để triển khai thực hiện. Xác định rõ được mục tiêu sắp xếp là một khâu rất quan trọng, song để thực hiện được các mục tiêu nêu trên trong điều kiện nhiều công việc lần đầu tiên triển khai, rất cần phải có cơ chế thực hiện. Ý thức được điều đó nên bên cạnh ban hành Kế hoạch chung để thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị còn kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ cũng như để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện, cụ thể như: Quy định về phân cấp quản lý cán bộ (Quy định số 09-QĐi/TU ngày 20/4/2018), trong đó quy định rõ trách nhiệm xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế trong toàn hệ thống chính trị ở địa phương; quyết định phân cấp quản lý tổ chức và nhân sự cho các đảng đoàn, ban cán sự đảng, tập thể lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp huyện. Kết luận về việc thực hiện tinh giản biên chế của các tổ chức trong hệ thống chính trị (Kết luận số 79-KL/TU ngày 16/5/2018), trong đó yêu cầu đảm bảo đến năm 2021 biên chế của các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh giảm tối thiểu 10% so với biên chế được giao năm 2015; quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy không được tăng thêm đầu mối và biên chế, trường hợp đặc biệt được giao nhiệm vụ mới thì phải có ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhưng về biên chế các địa phương, đơn vị tự cân đối, điều chỉnh trong tổng số biên chế được giao; trường hợp địa phương, đơn vị có đối tượng cần tinh giản mà cố tình bao che, giấu diếm, không chủ động báo cáo, đề xuất tinh giản, nếu qua theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát phát hiện được sẽ xử lý trách nhiệm của người đứng đầu và bộ phận tham mưu về công tác tổ chức cán bộ.

 

Chỉ đạo tạm dừng việc tuyển dụng công chức khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện; tạm dừng việc bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng để tạo điều kiện bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động dôi dư do sắp xếp lại và không để phát sinh thêm các tình huống khó khăn khi thực hiện quy định số lượng biên chế tối thiểu để thành lập một phòng và căn cứ số lượng biên chế để xác định số lượng lãnh đạo cấp phòng. Cho chủ trương tạm dừng bầu cử và thực hiện kéo dài nhiệm kỳ trưởng thôn, khu phố trưởng; tăng cường bố trí kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo cấp xã ở các thôn, khu phố và xã, thị trấn không đạt tiêu chuẩn theo quy định, thuộc diện phải xem xét, sáp nhập. Giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện việc hợp nhất tổ chức, nhất thể hóa chức danh lãnh đạo theo Kế hoạch của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan hướng dẫn cấp dưới xây dựng Đề án sáp nhập thôn, khu phố và xây dựng Đề án sắp xếp, thi tuyển chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường học, trong đó ưu tiên thực hiện đối với các trường học thuộc diện phải sáp nhập trong năm 2018, 2019 và tiến tới thực hiện thi tuyển đối với tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh...

 

Thứ ba, đã chọn khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội làm trước để nêu gương và tạo sức lan tỏa. Với vai trò lãnh đạo hệ thống chính trị của địa phương, nên việc kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan Đảng nói riêng và của khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội nói chung phải tiên phong, đi đầu, làm trước để nêu gương và tạo sức lan tỏa. Từ đòi hỏi nêu trên, ngay sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 18, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo khối này tiến hành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Cụ thể: Đã chuyển Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng, thành Phòng Thông tin công tác tuyên giáo, trực thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Xây dựng Đề án tổ chức lại Văn phòng Tỉnh ủy để phục vụ chung hoạt động của các Ban Đảng và cơ quan UBKT Tỉnh ủy theo hướng tinh gọn hơn về tổ chức gắn với tinh giản thêm về biên chế; Đề án sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh theo hướng chuyển giao trang thiết bị, bố trí đội ngũ y, bác sĩ về Bệnh viện Đa khoa tỉnh để sử dụng có hiệu quả hơn nữa cơ sở vật chất đã đầu tư, nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ và nhân dân; Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động cơ quan Đảng ủy khối theo hướng giảm từ 4 đầu mối (Văn phòng, Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo và cơ quan UBKT Đảng ủy) xuống còn 2 đầu mối (Văn phòng và Ban xây dựng Đảng) để tập trung vào một số nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng. Thực hiện Trưởng Ban Tuyên giáo cấp ủy đồng thời là giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện ở 3 địa phương. Đã phê duyệt Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy cơ quan Hội Nông dân tỉnh từ 3 Phó Chủ tịch còn 2 Phó Chủ tịch, từ 5 đơn vị trực thuộc (Văn phòng, Ban Tổ chức - Kiểm tra, Ban Kinh tế - Xã hội, Ban Tuyên giáo, Ban Điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân) còn 3 đơn vị trực thuộc (Văn phòng, Ban Xây dựng Hội, Ban Kinh tế - Xã hội). Chỉ đạo LĐLĐ tỉnh tiến hành sắp xếp lại Công đoàn Giáo dục cấp huyện và Công đoàn ngành đảm bảo tinh gọn tổ chức, tinh giản biên chế, kết quả: Giải thể 9 Công đoàn giáo dục cấp huyện, chuyển các Công đoàn cơ sở trường học (3 cấp: mầm non, tiểu học và trung học cơ sở) về trực thuộc LĐLĐ cấp huyện chỉ đạo trực tiếp; đồng thời, điều động các đồng chí cán bộ chuyên trách Công đoàn giáo dục cấp huyện đến làm việc tại LĐLĐ cấp huyện. Giải thể 2 Công đoàn ngành có số lượng đoàn viên dưới 2.000 người (Công đoàn ngành NN&PTNT, Công đoàn ngành Giao thông Vận tải) và bàn giao các công đoàn cơ sở về các ngành, địa phương theo ngành nghề và địa bàn quản lý; đồng thời, chuyển 2 đồng chí cán bộ chuyên trách về làm việc tại Công đoàn ngành Xây dựng và Công đoàn ngành Công thương.

 

Thứ tư, đã tích cực, quyết liệt chỉ đạo các cơ quan khối Nhà nước đẩy mạnh việc thực hiện. Song song với việc lựa chọn một số nội dung công việc liên quan đến khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội để chỉ đạo thực hiện nhằm nêu gương và tạo sức lan tỏa nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo các cơ quan khối Nhà nước tích cực thực hiện và đạt được một số kết quả bước đầu đáng kể như: Đã sắp xếp lại các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (BQLDA ĐTXD) theo hướng là đơn vị sự nghiệp công lập, tự chủ về tài chính tự đảm bảo chi thường xuyên, đó là thành lập BQLDA ĐTXD chuyên ngành công trình dân dụng và công nghiệp trên cơ sở tổ chức lại 11 BQLDA ĐTXD thuộc 7 sở (Sở Xây dựng, Sở Công thương, Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch); thành lập BQLDA ĐTXD chuyên ngành công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn trên cơ sở tổ chức lại 4 BQLDA ĐTXD các dự án từ nguồn vốn trong nước thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thành lập BQLDA ĐTXD chuyên ngành công trình giao thông trên cơ sở tổ chức lại BQLDA ĐTXD giao thông thuộc Sở Giao thông Vận tải; thành lập BQLDA ĐTXD khu vực trên cơ sở tổ chức lại BQLDA ĐTXD thuộc Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh hiện nay; thành lập ở mỗi huyện chỉ có 1 BQLDA ĐTXD khu vực trên cơ sở tổ chức lại các BQLDA hiện có ở địa phương (một số huyện trước khi tổ chức lại có đến 4 hoặc 5 BQLDA như: BQLDA Kiên cố hóa trường học, BQLDA Kiên cố hóa kênh mương, BQLDA Giảm nghèo bền vững, BQLDA ĐTXD…). Đã sắp xếp, tổ chức lại các tổ chức hội hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đảm bảo hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ về con người, tự chủ về tài chính, tự đảm bảo kinh phí, cụ thể: Ở cấp tỉnh, đã thực hiện sắp xếp, tổ chức lại 59 tổ chức hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, còn lại 48 tổ chức hội, giảm 11 tổ chức hội có tính chất, chức năng, nhiệm vụ, nội dung hoạt động gần giống nhau, hoạt động không hiệu quả, không đúng tôn chỉ, mục đích, điều lệ hội, không hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự trang trải, tự đảm bảo kinh phí, chẳng hạn như sắp xếp 7 hội (gồm Hội Phục hồi chức năng, Hội Y học, Hội Nữ hộ sinh, Hội Điều dưỡng, Hội Y tế dự phòng, Hội Dinh dưỡng, Hội Dược học và Hội Kế hoạch hóa gia đình) thành Hội Y - Dược và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh... Ở cấp huyện, hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đều thực hiện sắp xếp, tổ chức lại tổ chức hội có phạm vi hoạt động trong huyện như giải thể Hội Kế hoạch hóa gia đình; hợp nhất Hội Từ thiện, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, Chi hội Thể thao người khuyết tật thành Hội Người khuyết tật, nạn nhân da cam/dioxin và bảo trợ xã hội; hợp nhất Hội Làm vườn, Hội Khoa học và Kỹ thuật thành Hội Khoa học - Kỹ thuật và Làm vườn. Sáp nhập Hội Châm cứu và Hội Đông y...

 

Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ rất cơ bản và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng. Những kết quả bước đầu đạt được sau gần 1 năm thực hiện Nghị quyết số 18 nêu trên tạo động lực rất quan trọng cho tỉnh Quảng Trị tiếp tục triển khai thành công kế hoạch đã đề ra. Song nhiệm vụ thời gian đến còn hết sức nặng nề, nên bên cạnh yêu cầu các giải pháp đề ra phải đảm bảo tính đổi mới, tổng thể, hệ thống, đồng bộ, liên thông, kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển, đáp ứng cả yêu cầu trước mắt và lâu dài; còn đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, sự nêu cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân.

 

Trần Nhật Quang

2519 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 494
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 494
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77995372