Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (MTDTTNVN) do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ngày 18/11/1930, từ Hội phản đế đồng minh, hình thức đầu tiên của MTDTTNVN đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) ngày nay. Trải qua chặng đường 87 năm lịch sử vẻ vang, MTTQVN đã không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc ta, nhân lên tinh thần yêu nước của mỗi người Việt Nam, đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân thành một lực lượng hùng mạnh để đánh đuổi thực dân, đế quốc, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Cùng với quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam, MTTQVN đã không ngừng được củng cố, mở rộng với những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng của mỗi thời kỳ và đã có những cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp vĩ đại của dân tộc, trở thành một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Với truyền thống cách mạng của quê hương Quảng Trị anh hùng, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã góp phần xứng đáng vào việc phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đẩy mạnh các cuộc vận động và các phong trào thi đua yêu nước, tạo nên khí thế cách mạng mạnh mẽ và rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng bộ tỉnh đã đề ra trong từng giai đoạn cách mạng.
MTTQVN các cấp trong tỉnh đã củng cố, tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân thông qua việc thực hiện đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, phát triển thêm tổ chức thành viên và cá nhân tiêu biểu. Hoạt động của UBMTTQ các cấp trong tỉnh và các tổ chức thành viên ngày càng hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư.
Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội rộng lớn do UBMTTQ và các tổ chức thành viên triển khai gắn với nội dung “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ngày càng đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Đặc biệt các phong trào, các cuộc vận động về đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ những người khó khăn, hoạn nạn, thiên tai; các hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư đã tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong xã hội, là động lực quan trọng nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân ở địa phương.
|
Lễ hội đua thuyền truyền thống xã Hải Thành, Hải Lăng nhân ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2017- Ảnh: THU HÒA
|
“Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư” hàng năm vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11) đã được UBMTTQ các cấp phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức trang trọng, có ý nghĩa, trở thành đợt sinh hoạt truyền thống về đại đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng tình làng, nghĩa xóm, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, MTTQ, các vị cao niên, già làng, trưởng bản, các vị chức sắc các tôn giáo đã làm cho mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày thêm gần gũi, hiểu biết và gắn bó hơn, củng cố vững chắc cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. MTTQ các cấp trong tỉnh luôn phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân, triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước có sức lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia góp phần chăm lo cải thiện đời sống nhân dân.
Các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cuộc vận động “Vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… tiếp tục được triển khai thực hiện sâu rộng, thiết thực góp phần quan trọng củng cố, tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo.
Trong năm, từ nguồn quỹ “Vì người nghèo” đã xây dựng 83 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, trị giá 3.558 triệu đồng; hỗ trợ khó khăn đột xuất cho 4.627 đối tượng; 790 em học sinh nghèo; khám chữa bệnh cho 28 đối tượng bị bệnh hiểm nghèo và các đối tượng khác với tổng trị giá 2.628 triệu đồng.
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được thực hiện rộng khắp với nhiều phong trào tự nguyện “Mở rộng đường giao thông nông thôn”, phong trào “Thắp sáng đường quê”, tuần lễ “Chỉnh trang nông thôn”, “Ngày chủ nhật xanh”… với những hành động hiến đất, hiến cây, đóng góp ngày công để xây dựng các công trình công cộng, chỉnh trang nông thôn, đô thị; công tác vận động, tuyên truyền có nhiều điểm mới, quy tụ được sự đồng tình, ủng hộ tích cực của nhân dân với nhiều cách làm hay, sáng tạo, phong phú như: Tuyên truyền trực quan bằng panô, áp phích, cung cấp tài liệu hỏi đáp, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, tổ chức họp dân để phổ biến…
Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh đã huy động trên 6.915 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, trong đó nguồn lực đóng góp của nhân dân bằng tiền mặt, ngày công lao động và hiện vật trên 1.153 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn dưới 9,26 %; đầu tư xây dựng mới, nâng cấp và mở rộng trên 1.000 km đường giao thông nông thôn; trên 90 công trình thủy lợi...
Hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh tiếp tục được Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên triển khai thực hiện hiệu quả, có nhiều đóng góp trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn, kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp.
Ngay từ đầu năm Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành kế hoạch và tổ chức 3 chương trình giám sát theo chuyên đề quan trọng như giám sát việc định mức hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại sau sự cố môi trường biển, chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, giám sát việc thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ngoài ra, Mặt trận tỉnh cũng đã tham gia với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh tiến hành 30 cuộc giám sát trên các lĩnh vực tại các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh, tham gia cùng Đoàn giám sát UBTƯMTTQ Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh giám sát những vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Hoạt động phản biện, tham gia đóng góp ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo các chương trình, đề án, dự án của Đảng, Nhà nước và địa phương được Ban Thường trực thực hiện có hiệu quả, phát huy tối đa sự đóng góp của 3 hội đồng tư vấn của UBMT tỉnh.
Trong năm 2017 UBMT tỉnh đã đóng góp ý kiến vào 65 dự thảo các bộ luật, đề án, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tổ chức các hội thảo chuyên đề “Thực trạng, giải pháp đổi mới HTX nông nghiệp gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”, “MTTQ Việt Nam thực hiện chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”, tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo quy định tiếp thu kiến nghị của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân sau giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền...
Hoạt động đối ngoại nhân dân tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả, chất lượng; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm, chuẩn hóa. Tự hào truyền thống vẻ vang của MTTQ, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp của chính quyền, UBMTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã và đang có nhiều đóng góp to lớn trong việc tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, thực sự trở thành nơi để các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo trong tỉnh phát huy lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tự tôn dân tộc, phát huy dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Nguyễn Đăng Quang
UVTVTU, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh