Kỳ họp thứ 19 - HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VII, nhiệm kỳ 2016 - 2021: Đại biểu chất vấn làm rõ các vấn đề xã hội quan tâm  

(QTO)- Sáng nay 8/12/2020, HĐND tỉnh tiếp tục ngày làm việc thứ hai kỳ họp thứ 19 - HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Các đại biểu tập trung thảo luận tại hội trường để đánh giá tình hình thực hiện kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2021 và giải trình của các cơ quan chuyên môn và các nội dung quan trọng khác. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang và các phó chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên làm việc.

 

Các đại biểu hội đồng quan tâm chất vấn nhiều nội dung có tính thời sự - Ảnh: T.T

 

Trước khi bước vào phiên chất vấn, trả lời chất vấn, các đại biểu đã nghe đoàn thư ký kỳ họp trình bày báo cáo tổng hợp thảo luận tổ của ngày làm việc đầu tiên. Đa số các ý kiến tham gia tại buổi thảo luận tổ được các đại biểu tiếp tục chất vấn tại phiên làm việc sáng nay.

 

Khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất là vấn đề cấp bách

 

Trước những hậu quả nặng nề do thiên tai liên tiếp xảy ra trong tháng 10/2020, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân, các đại biểu đề nghị tỉnh cần có kế hoạch kiểm tra, thống kê về thiệt hại và quan tâm hỗ trợ, đầu tư, sửa chữa lại các công trình thủy lợi, hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế và các công trình phúc lợi công cộng khác bị hư hỏng nặng. Đặc biệt cần tích cực chỉ đạo quyết liệt khôi phục diện tích đất trồng lúa và màu bị bồi lấp sâu, chuyển đổi cây giống, vật nuôi phù hợp với từng địa phương, từng vùng để kịp thời triển khai sản xuất vụ Đông - Xuân 2020 - 2021. Cần xây dựng một nghị quyết chuyên đề để khôi phục sản xuất cho Nhân dân sau bão lũ.

 

 Ảnh hưởng của mưa lũ cũng làm gia tăng nguy cơ sạt lở đất ở địa bàn các huyện miền núi. Đề nghị tỉnh có kế hoạch khảo sát, xây dựng đề án khẩn cấp di dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất và hỗ trợ cho một số địa phương xây dựng nhà tránh lũ. Một vấn đề đã được các đại biểu hội đồng đưa ra chất vấn tại nhiều kỳ họp trước đó cũng được nêu lại tại phiên chất vấn này là nước sạch và nước hợp vệ sinh còn nhiều bất cập, nhất là ở khu vực miền núi sau lũ. Do đó, có ý kiến đề nghị tỉnh cần có đề án xã hội hóa đầu tư công trình nước sạch để đảm bảo sức khỏe, sinh hoạt cho người dân. Đồng thời cần đánh giá lại hiệu quả việc đầu tư về nước sạch thời gian qua.

 

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị tỉnh cần quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư để xây dựng nhà công vụ cho giáo viên công tác tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sớm khắc phục việc chỉnh trang các cáp thông tin, trụ điện trên địa bàn thành phố Đông Hà. Việc thực hiện hỗ trợ theo Nghị định 67/NĐ-CP về vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ còn nhiều bất cập, hiện nay không thu hồi được nguồn vốn này, đề nghị tỉnh có giải pháp tháo gỡ. Nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết 17/2016/NQ-HĐND ngày 19/8/2016 về cơ chế tạo quỹ đất sạch có nhiều bất cập, do đó đề nghị UBND tỉnh đánh giá hiệu quả thực hiện và đề xuất bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tế hiện nay.

 

Giải trình các vấn đề mà đại biểu hội đồng quan tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trương Chí Trung cho biết, đối với việc khôi phục sản xuất sau thiên tai, vừa qua Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng đề án “Khôi phục khẩn cấp thiệt hại do thiên tai trong sản xuất nông nghiệp, khẩn trương triển khai sản xuất vụ đông 2020 và đông - xuân 2020 -2021” để tái thiết cơ sở hạ tầng và kinh tế bị thiệt hại sau lũ, lụt; kịp thời tổ chức sản xuất, ổn định cuộc sống của Nhân dân. Dự kiến nguồn lực thực hiện là nguồn vốn Trung ương hỗ trợ kết hợp với nguồn vốn đầu tư công trung hạn của tỉnh quản lý, sở sẽ đề xuất bổ sung dự án và kế hoạch đầu tư công trung hạn. Về tái thiết hệ thống giao thông bị ảnh hưởng sau lũ lụt, sở đang đề xuất xin nguồn vốn dự phòng của Trung ương để xây dựng các dự án giao thông nhằm giải quyết vấn đề cô lập cho các địa phương ở địa bàn bắc Hướng Hóa.

 

Ngoài ra dự án đường giao thông kết nối các xã Ba Lòng, Hải Phúc của huyện Đakrông cũng đã được bố trí nguồn vốn đầu tư trong năm 2021. Đối với hệ thống đường giao thông tuyến tỉnh, vấn đề xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, tái định cư cho các khu vực dân cư có nguy cơ sạt lở cao đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn, do đó đề nghị các địa phương phối hợp với ngành đề xuất Trung ương hỗ trợ nguồn vốn thực hiện. Đồng thời, sau thiên tai có nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu cần khác phục, đề nghị cần lồng ghép nguồn lực cấp tỉnh, nguồn lực các địa phương, các chương trình mục tiêu để hoàn thiện dần trong điều kiện nguồn vốn bố trí đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh còn nhiều khó khăn.

 

Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, vừa qua Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp hỗ trợ 5 tấn giống rau, 5 tấn giống ngô nếp, hơn 10.000 con gà, 13.000 con vịt, 10 triệu tôm giống, 250 kg cá trắm và cá rô phi… để phân bổ cho các địa phương, cơ bản đảm bảo đủ lượng giống lúa, ngô, rau cho người dân sản xuất trong vụ đông - xuân 2020 -2021. Hiện nay khó khăn nhất là thiếu khoảng 20 tấn giống lạc, 5.000 tấn giống hom sắn. Ngành cũng đã phát động người dân cải tạo động ruộng, trả lại mặt bằng sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp trên diện tích bị bồi lấp. Kiểm tra, rà soát và đề xuất khôi phục khẩn cấp các công trình thủy lợi trên địa bàn theo lĩnh vực quản lý, trước mắt, ưu tiên nguồn lực để khắc phục khẩn cấp 5 công trình cấp nước sinh hoạt tại 3 huyện Hướng Hóa, Đakrông và Cam Lộ.

 

Về lâu dài, ngành sẽ lập danh mục các đề án, dự án, kế hoạch phân loại mức độ, đề xuất thứ tự ưu tiên để lồng ghép vào các chương trình, dự án để tranh thủ các nguồn lực khắc phục, sửa chữa trong thời gian tới. Đồng thời, rà soát đánh giá tác động, ảnh hưởng toàn diện của thiên tai đối với tất cả các vùng trên địa bàn tỉnh để lồng ghép, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, xây dựng các kịch bản phòng ngừa, ứng phó phù hợp theo hướng kết hợp đa mục tiêu. Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu vào lập quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành, các địa phương.

 

Để kịp thời tổ chức sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021 thắng lợi, ngoài phần đề xuất Trung ương hỗ trợ, ngành nông nghiệp đề nghị HĐND, UBND tỉnh quan tâm có chủ trương và chính sách bố trí kinh phí khoảng 57.175,9 triệu đồng (từ nguồn Ngân sách Trung ương hỗ trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai và nguồn kinh phí hỗ trợ được UBMTTQVN tỉnh tiếp nhận). Nguồn kinh phí này để  hỗ trợ mua giống lạc, hom giống sắn, giống vật nuôi, thủy sản để giúp người dân khôi phục sản xuất, khắc phục khẩn cấp sửa chữa hệ thống thủy lợi, đê kè, sạt lở bờ sông, bờ biển, các công trình cấp nước tập trung, hạ tầng nuôi thủy sản tập trung và di dân khẩn cấp các vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.

 

Trả lời câu hỏi của các đại biểu tại sao thống kê hằng năm của ngành nông nghiệp cho thấy về sản lượng đánh bắt thủy hải sản hiệu quả tích cực nhưng ngư dân vẫn không trả nợ vay đóng tàu theo nghị định 67, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định, số liệu thống kê của ngành là chính xác, tuy nhiên đối với việc ngư dân không trả nợ dẫn đến tình trạng nợ xấu gia tăng thì ngoài tầm kiểm soát của ngành.

 

Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đã hợp lý?

 

Băn khoăn về chỉ tiêu liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong năm 2021 là tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,5 - 7% so với năm 2020, nhiều đại biểu cho rằng sẽ khó đạt trong bối cảnh năm 2021 tỉnh tiếp tục tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai vừa đối phó với dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh giải trình làm rõ một số giải pháp để tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt từ 6,5-7%.

 

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư  Trương Chí Trung cho rằng, chỉ tiêu năm 2021 không thể tách rời khỏi kết quả năm 2020. Căn cứ vào năng lực thực tế của các ngành kinh tế và các căn cứ liên quan, chỉ tiêu này hoàn toàn có cơ sở để đạt được. Trong đó, động lực quan trọng là các dự án năng lượng tái tạo đầu tư trên địa bàn đã đi vào hoạt động, ngoài ra có 24 dự án điện gió đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ mang lại tăng trưởng đáng kể cho ngành công nghiệp của tỉnh.

 

Làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ các công trình, dự án trọng điểm đã khởi công

 

Nhiều đại biểu phản ánh, hiện nay nhiều công trình, dự án trọng điểm đã tổ chức khởi công nhưng không thực hiện; nhiều dự án chào mừng kỷ niệm 30 tái lập tỉnh triển khai cầm chừng, chậm tiến độ và chưa thực hiện, đề nghị UBND tỉnh làm rõ nguyên nhân. Nhiều dự án được cấp chủ trương đầu tư, chấp thuận thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chậm triển khai, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo đánh giá lại năng lực của các chủ đầu tư để có biện pháp xử lý, tháo gỡ; có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án.

 

Về vấn đề này sẽ được ngành chức năng giải trình trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều nay.

 

Trong phiên làm việc chiều nay, các đại biểu sẽ tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường.

Thanh Trúc

654 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1130
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1130
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87157861