Kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa 9/7 (1968-2018): Quân dân Quảng Trị trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh xuân - hè 1968 

(QT) - Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa 9/7 (1968) đã đập tan cứ điểm Khe Sanh, là nơi phòng thủ kiên cố, vũ khí hiện đại, hỏa lực mạnh của chiến tranh kiểu Mỹ. Từ đó, tạo yếu tố quan trọng trong chiến thắng Xuân Hè 1972, giải phóng Quảng Trị, tạo đà cho cuộc Tổng tấn công mùa Xuân lịch sử năm 1975 để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa 9/7 (1968-2018), Báo Quảng Trị Online giới thiệu bài viết của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đức Châu ôn lại những năm tháng gian khổ, hào hùng của quân và dân Quảng Trị cùng với cả nước đi đến thắng lợi cuối cùng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Trị là địa bàn chiến lược quan trọng; là tỉnh tiếp giáp với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, có đường 9 đi qua và vùng núi rừng Trường Sơn nối liền Vĩnh Linh - hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam với Gio Linh - Cam Lộ - Hướng Hóa qua nước bạn Lào. Quảng Trị là điểm xuất phát đầu tiên của con đường 559 - con đường chi viện Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh lịch sử. Tuyến vận tải này phát triển nhanh chóng, kịp thời phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của chiến trường miền Nam, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại. Vùng miền núi phía Tây trở thành căn cứ địa vững chắc không chỉ làm chỗ dựa để Tỉnh ủy Quảng Trị trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng trong tỉnh mà còn góp phần bảo vệ, xây dựng tuyến hành lang chiến lược Bắc - Nam và làm nhiệm vụ quốc tế với nước bạn Lào, thắt chặt thêm tình đoàn kết keo sơn, gắn bó, liên minh chiến đấu giữa hai nước Việt Nam- Lào.

 

Đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai đặc biệt coi trọng địa bàn Quảng Trị, xem đây là một trong những mấu chốt để đánh bại cuộc kháng chiến của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau tuyên bố trắng trợn của ngoại trưởng Đalet: “Một phòng tuyến chống Cộng sẽ được vạch ra ở vĩ tuyến 17”, Mỹ đã tiếp sức cho chính quyền Sài Gòn xây dựng tuyến phòng thủ ngoài cùng vững chắc nhất Đông Dương, làm lá chắn bảo vệ cho cố đô Huế - thủ phủ của miền Trung và góp phần giữ vững chế độ thực dân kiểu mới ở miền Nam. Địa bàn tỉnh không chỉ là nơi tập trung các sắc lính viễn chinh và quân ngụy Sài Gòn, các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất mà đế quốc Mỹ sử dụng trong cuộc chiến, với một bộ máy chính quyền tay sai đắc lực từ tỉnh đến xã, thôn và hệ thống đảng phái phản động - chỗ dựa về chính trị ở khắp các địa phương; đây còn là nơi thử nghiệm các kiểu chiến lược chiến tranh mới nhất của Mỹ. Cùng với những âm mưu, thủ đoạn thâm độc trên, Mỹ - ngụy khủng bố, đàn áp đẫm máu phong trào cách mạng toàn tỉnh.

 

Tuy nhiên, từ cuộc đọ sức của quân và dân ta với quân Mỹ trong mùa khô 1965- 1966 đã khẳng định thế và lực của cách mạng đang lên, có bước phát triển mới, làm cho không ít người trong chính giới Mỹ và các nước phương Tây nhận ra “Sức mạnh quân sự của Mỹ không thể nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam”. Nhưng những nhà cầm quyền Mỹ vẫn không từ bỏ tham vọng và tiếp tục tăng quân vào miền Nam.

 

Đối phó với âm mưu thâm độc của Mỹ trong mùa khô lần thứ hai (1966-1967), Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương quyết định mở Mặt trận đường 9 - Bắc Quảng Trị, coi đây là một hướng tiến công của quân chủ lực nhằm tiêu diệt, tiêu hao địch, đồng thời kéo một lực lượng lớn quân Mỹ ra giam chân tại đường 9 - Khe Sanh.

 

Việc ta mở hướng tiến công chiến lược mới ở Bắc Quảng Trị và sau đó mở Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh đã nhanh chóng thu hút được những lực lượng lớn quân viễn chinh Mỹ ra chiến trường này. Cuối năm 1966, khi được tin “hông phía Bắc (Quảng Trị) đã bị đe dọa”, Oét-molen-Tổng chỉ huy quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã cho bộ chỉ huy cụm các lực lượng lính thủy đánh bộ số III ở Đà Nẵng đưa 2 trung đoàn 1 và 3 (thuộc sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ) đang làm nhiệm vụ “tìm diệt” bộ đội chủ lực ta ở Quảng Tín, 4 tiểu đoàn tổng dự bị chiến lược ngụy ở Sài Gòn, cùng 2 trung đoàn pháo binh, xe thiết giáp Mỹ tăng cường đến đường 9 - Bắc Quảng Trị. Đầu năm 1968, trên mặt trận đường 9 - Khe Sanh địch có 45.000 quân, trong đó có 28.000 tên Mỹ gồm 3 trung đoàn thủy quân lục chiến, 9 tiểu đoàn pháo binh và 1 đại đội cơ giới. Đồng thời, Mỹ còn mở rộng hàng loạt căn cứ Ái Tử, Đông Hà, Tân Lâm, Hướng Hóa, Làng Vây, Tà Cơn, xây dựng 8 sân bay các loại (có 3 sân bay hạng trung là Ái Tử, Đông Hà, Hướng Hóa), một tuyến đường thủy qua cảng Cửa Việt, Đông Hà. Vào những năm 1967, 1968, quân Mỹ còn tập trung lực lượng, phương tiện khá lớn, hiện đại ra vĩ tuyến 17 thiết lập hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra quyết ngăn chặn các cuộc tiến công của bộ đội chủ lực và tuyến đường vận chuyển chiến lược Trường Sơn của ta.

 

Du khách quốc tế tham quan Di tích sân bay Tà Cơn, Hướng Hóa. Ảnh: PV

 

Chiến trường đường 9-Khe Sanh tiếp giáp với miền Bắc xã hội chủ nghĩa là nơi các lực lượng vũ trang nhân dân ta, chủ yếu là bộ đội chủ lực có nhiều thuận lợi để cơ động trực tiếp đánh quân Mỹ. Đây cũng là thời cơ để bộ đội ta có điều kiện thực hành chiến đấu, rút kinh nghiệm huấn luyện và tác chiến. Nhưng điều quan trọng hơn về chiến lược là ta làm cho Mỹ dù đã có hơn 40 vạn quân ở miền Nam mà vẫn không đủ quân để đưa vào đồng bằng sông Cửu Long - một trọng điểm của cuộc chiến tranh xâm lược. Trong lúc Bộ chỉ huy quân sự Mỹ phán đoán rằng chiến tranh sẽ đi tới một bước ngoặt quyết định bằng trận quyết chiến chiến lược như kiểu Điện Biên Phủ ở Khe Sanh, thì Đảng ta đã sáng tạo ra cách đánh mới. Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhận định rằng số quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam có thể vượt số quân Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên (327.000 tên) nhưng không thể vô hạn độ. Trong khi đó, nước Mỹ không chấp nhận dùng quân Mỹ đánh kéo dài (thường chỉ 3 đến 5 năm) nên ta phải nắm bắt thời cơ chiến lược, tạo ra bước ngoặt của chiến tranh. Hơn nữa, tuy ta đã đánh thắng quân Pháp ở Điện Biên Phủ, nhưng ta không đủ sức đánh thắng quân Mỹ như đánh thắng Pháp, nên phải tìm ra cách đánh mới. Phải “vô hiệu hóa” quân Mỹ, phải phân tán lực lượng chúng ra, đánh cho chúng những đòn đau, làm nản chí kẻ xâm lược, làm cho chúng bị bất ngờ.

 

Từ ngày 20 đến ngày 24/10/1967, Bộ Chính trị họp bàn kế hoạch chiến lược Đông - Xuân - Hè năm 1967-1968. Sau khi thảo luận kỹ khả năng đánh thành phố của lực lượng vũ trang và khả năng nổi dậy của quần chúng, Bộ Chính trị thông qua phương án tổng công kích, tổng khởi nghĩa do Bộ Tổng tham mưu soạn thảo đã được Quân ủy Trung ương nhất trí. Phương án xác định chiến trường trọng điểm là Sài Gòn - Gia Định, Đà Nẵng, Huế, hướng phối hợp chiến lược quan trọng là Đường 9- Khe Sanh. Cụ thể là: Cùng với đòn tiến công của bộ đội chủ lực ở hướng phối hợp chiến lược đặc biệt quan trọng là Đường 9 - Khe Sanh nhằm thu hút, giam chân lực lượng chiến lược của địch, một đòn tiến công chiến lược vào thành phố, thị xã trên quy mô toàn miền Nam, kết hợp với nổi dậy của quần chúng các đô thị và nông thôn, mở đầu cho tổng công kích, tổng khởi nghĩa, lấy chiến trường chính là Sài Gòn, Gia Định, Đà Nẵng, Huế, trọng điểm là Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế và các thành phố lớn.

 

Vinh dự được Trung ương giao nhiệm vụ: Mặt trận đường 9 - Khe Sanh phải nổ súng trước để thu hút địch ra đường 9 càng nhiều càng tốt, giữ chúng lại tiếp tục tiêu diệt, ngày 31/12/1967, Đảng ủy Mặt trận B5 họp xác định nhiệm vụ: “Tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của địch, chủ yếu là quân Mỹ. Khi có điều kiện thì phá vỡ tuyến phòng ngự của chúng ở đường 9- Bắc Quảng Trị để phát triển vào Thừa Thiên Huế; thu hút lực lượng Mỹ-ngụy từ các chiến trường khác càng nhiều càng tốt, giữ chân chúng lại và tiếp tục tiêu diệt chúng. Hiệp đồng chặt chẽ với các chiến trường trên toàn quốc, tạo điều kiện cho chiến trường Trị Thiên Huế khởi nghĩa giành thắng lợi ở thành phố, chủ yếu là Huế và giải phóng nông thôn, đồng bằng”.

 

Cuộc sống thanh bình trên chiến trường Khe Sanh, Hướng Hóa năm xưa. Ảnh: PV

 

Để tổ chức thực hiện nhiệm vụ, Đảng ủy Mặt trận B5 quyết định chia Mặt trận Đường 9-Bắc Quảng Trị thành hai chiến trường đông và tây. Chiến trường phía tây, Khe Sanh là chủ yếu; chiến trường phía đông phối hợp với lực lượng tại chỗ, có nhiệm vụ vừa tấn công địch, vừa đề phòng địch có thể liều lĩnh đánh ra khu vực Vĩnh Linh, Quảng Bình.

 

Chủ trương lớn của Trung ương và của tỉnh đã mang lại niềm phấn khởi trong cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng. Quân dân Quảng Trị trên khắp mọi vùng miền hồ hởi chuẩn bị thực lực cách mạng, sẵn sàng đập tan cuộc phản công chiến lược lần thứ ba (mùa khô 1967-1968) của địch. Tại các cơ sở, hầu hết nam nữ thanh niên và một số trung niên khỏe mạnh xung phong vào các đơn vị dân quân, dân công phục vụ mặt trận. Mỗi xã ở vùng do ta làm chủ, ít nhất cũng lập được một đại đội du kích trực chiến, có trang bị vũ khí và một trung đội phụ nữ, chuẩn bị làm nhiệm vụ đấu tranh chính trị, binh vận, khi có thời cơ thì nhập thị, tạo cú đánh bất ngờ giữa thị xã tỉnh lỵ, cùng lực lượng vũ trang chiếm lĩnh các thị xã. Mỗi xã ở vùng tranh chấp xây dựng được một trung đội du kích và lập sẵn khung chỉ huy, đấu tranh chính trị, binh vận... đẩy mạnh việc tổ chức cơ sở trong hàng ngũ địch, nhất là trong lực lượng phòng vệ dân sự, dân vệ. Các huyện, xã dọc đường 9 đã chủ động rút lực lượng nòng cốt đưa đi bồi dưỡng cấp tốc do Mặt trận hoặc cấp ủy mở. Sau khóa học, những lực lượng đó được địa phương tổ chức thành các đội công tác trực tiếp thâm nhập sâu rộng vận động nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc, để động viên, khích lệ tinh thần cách mạng, lòng yêu nước, đóng góp tích cực vì sự thắng lợi của chiến dịch. Các đội công tác đã phát huy trách nhiệm, ngày đêm nắm dân, huy động được nhiều nguồn lực, lương thực, thực phẩm, luyện tập quân sự do dân quân, du kích tổ chức, trực tiếp tham gia dẫn đường, vận chuyển vũ khí trang bị, đạn dược phục vụ chiến dịch.

 

Bền lòng, vững chí, quân và dân Quảng Trị ngày đêm theo dõi tình hình, tổ chức trận địa đánh địch, chống càn; giúp lực lượng trinh sát bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực khảo sát tình hình, chuẩn bị trận địa, phương án đánh địch. Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng làm lực lượng nòng cốt trong các đội vận chuyển vũ khí, đạn dược, tải thương, đào công sự chiến đấu. Các cụ phụ lão và các cháu thiếu niên cùng chị em phụ nữ do Hội Phụ nữ tổ chức làm nòng cốt lo hậu cần tại chỗ. Lực lượng ngư dân trên các vạn đò chuẩn bị sẵn sàng thuyền và người, chờ khi có lệnh huy động sẽ làm nhiệm vụ đưa bộ đội sang sông. Các mẹ, các chị sống ở “vùng hợp pháp” thay nhau đi chợ mua bông, băng, thuốc chữa bệnh, đường sữa... phục vụ thương binh... Ở miền núi Hướng Hóa, bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Kô vừa trải qua nạn đói khủng khiếp kéo dài 2, 3 năm do chất độc hóa học của đế quốc Mỹ gây ra, sức khỏe chưa kịp bình phục, nhưng khi được tuyên truyền, phổ biến về tình hình, nhiệm vụ mới, các chàng trai, cô gái Pa Kô, Vân Kiều ngày đêm đi gùi gạo, gùi đạn phục vụ bộ đội đánh địch. Ngay trong đợt đầu của chiến dịch, huyện Hướng Hóa đã huy động được 3.000 dân công, vượt chỉ tiêu của trên. Ngoài ra huyện còn huy động được 200 người cùng bộ đội công binh mở đường tiến công thành phố Huế.

 

Được sự tuyên truyền và vận động của cách mạng, phong trào “Góp gạo nuôi quân” đã phát triển mạnh mẽ từ đồng bằng đến miền núi. Lương thực, thực phẩm được huy động đến mức cao nhất đưa vào các điểm tập kết nằm trên đường hành lang của tỉnh. Tại Mặt trận 7 (Hải Lăng, Triệu Phong và thị xã Quảng Trị) nhân dân đóng góp được 1.242,5 tấn gạo; nam Hướng Hóa 200 tấn gạo và hàng triệu bụi sắn (mỗi bụi thu hoạch từ 1,5 đến 2kg). Trung bình mỗi đêm, lúc cao điểm có khoảng 500 đến 700 dân công, thanh niên xung phong, cán bộ, bộ đội ở chiến khu về tiếp nhận, đưa lên dự trữ ở các khu căn cứ chuẩn bị phục vụ chiến trường. Trong lúc nhiều gia đình đang thiếu đói, khi có chủ trương quyên góp lương thực, nhân dân Quảng Trị đã đóng góp đến lon gạo, gốc sắn cuối cùng cho bộ đội. Người dân đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn để duy trì và khôi phục sản xuất, giữ vững và phát triển lực lượng vũ trang, sẵn sàng đánh địch để tự cứu mình, cứu dân tộc trước họa diệt vong do Mỹ - ngụy gây ra.

 

Để tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực triển khai lực lượng, xây dựng trận địa, lực lượng vũ trang Nam và Bắc Hướng Hóa đã phối hợp chiến đấu với bộ đội chủ lực trong các trận đánh địch ở điểm cao 845, 852, 1009; phục kích diệt 9 xe vận tải, làm thương vong gần 100 tên Mỹ trên đoạn đường từ Tân Lâm đi Cà Lu (ngày 13/1), tăng cường hoạt động nghi binh trên các hướng. Những hoạt động này đã đánh lạc hướng sự chú ý của địch, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực của ta tiềm nhập vào giữa hai cụm cứ điểm Làng Vây và Tà Cơn, ém quân xung quanh thị trấn, quận lỵ Khe Sanh bí mật an toàn.

 

Ngày 20/1/1968, quân ta bất ngờ tiến công vào tập đoàn cứ điểm Khe Sanh và tuyến phòng thủ Đường 9, chiếm quận lỵ Hướng Hóa, vây hãm Làng Vây và Tà Cơn. Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh- hướng phối hợp đặc biệt quan trọng diễn ra trước tết Mậu Thân 10 ngày đã dội về nước Mỹ như một tiếng sét kinh hoàng, làm cho Tổng thống L.Giônxơn và các nhà chiến lược Mỹ kinh ngạc. Họ nhận định Khe Sanh có thể là chiến trường chính. Tổng thống L.Giônxơn liền chỉ thị cho tướng Taylo thành lập Phòng tình hình đặc biệt tại Nhà trắng để theo dõi chiến sự Khe Sanh và chỉ đạo tướng Oét- mô-len hành động, yêu cầu Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân phải “ký tên bằng máu” cam kết bảo vệ Khe Sanh bằng bất cứ giá nào. Phối hợp với đòn tấn công và nổi dậy toàn miền, lúc 2h30 phút ngày 31/1/1968, quân và dân Quảng Trị đã vượt qua lưới lửa dày đặc của địch, nổ súng hiệp đồng với mặt trận Huế đúng giờ quy định. Một mũi của K14 (bộ đội địa phương tỉnh) tiến công vào phía đông - nam thị xã Quảng Trị; một mũi khác bí mật vượt sông Thạch Hãn, tiến công Ty Cảnh sát, dinh Tỉnh trưởng. Ở phía tây-nam thị xã, trung đoàn 2 bộ đội chủ lực nổ súng đánh chiếm La Vang Thượng, La Vang Trung và Mộ Ông Chưởng. Lực lượng của ta trong thị xã bị Mỹ-ngụy xiết chặt vòng vây và tăng cường nã pháo từ căn cứ La Vang, Mộ Ông Chưởng nên không dứt điểm được các mục tiêu. Trước tình hình đó, đêm 31/1/1968, ta phải mở đường máu rút ra vùng ngoại ô thị xã.

 

(Còn nữa)

1129 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 546
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 546
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87238526