Theo dự thảo Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại hội thảo, mục tiêu đề án là tập trung đầu tư phát triển hướng tới mục tiêu đến năm 2030 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, xứng đáng với tiềm năng du lịch to lớn và đa dạng của tỉnh.
Phát triển mạnh ngành du lịch và dịch vụ để góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Quảng Trị nói riêng và của cả nước nói chung. Hệ thống các loại hình và sản phẩm du lịch của tỉnh bao gồm các loại hình: du lịch lịch sử - cách mạng, du lịch văn hóa – tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch biên mậu và du lịch thương mại – công vụ, du lịch sinh thái.
Một số sản phẩm du lịch cụ thể trong các loại hình du lịch nói trên có thể phát triển ở Quảng Trị như: ký ức chiến tranh và khát vọng hòa bình, du lịch tìm hiểu văn hóa truyền thống các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, du lịch cộng đồng, du lịch tìm hiểu văn hóa Chăm cổ, tri ân các anh hùng liệt sỹ, tham quan các công trình tôn giáo và tham dự các lễ hội tôn giáo, nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí và thể thao nước, tìm hiểu cơ hội đầu tư, phát triển thương mại, tham quan, nghiên cứu các khu bảo tồn thiên nhiên…
Về tổ chức không gian phát triển du lịch, đối với cụm du lịch phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức không gian phát triển du lịch được hình thành trên cơ sở 4 cụm du lịch, gồm: cụm trung tâm, cụm phía Bắc, cụm phía Nam và cụm phía Tây. Ngoài ra, đề án còn đề cập đến hệ thống tuyến, điểm du lịch như: tuyến du lịch nội tỉnh, tuyến du lịch liên vùng và quốc gia, các tuyến du lịch quốc tế, các tuyến du lịch đường sắt và đường biển; các trọng điểm phát triển du lịch và các điểm du lịch; đầu tư phát triển kinh tế (nhiều lĩnh vực).
Các dự án ưu tiên đầu tư, theo tính toán dự báo tổng nhu cầu đầu tư cho phát triển du lịch Quảng Trị từ nay đến 2030 là 1.254,5 triệu USD. Trước mắt, tập trung cho việc đầu tư một số dự án trọng điểm như: phát triển khu du lịch biển Cửa Việt, Cửa Tùng, trung tâm dịch vụ Lao Bảo, hệ thống cơ sở vật chất du lịch Đông Hà…
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến dự thảo Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, như: bổ sung sự cần thiết xây dựng đề án; bàn lại về số vốn đầu tư dành cho phát triển du lịch; cần làm rõ sản phẩm du lịch; quan điểm phát triển, định hướng du lịch phát triển, cần chọn vấn đề nào trọng tâm, trọng điểm về du lịch của tỉnh để bàn và thống nhất; trong phát triển du lịch cần có giải pháp cụ thể; bổ sung một số điểm du lịch văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn; xem xét lại mục tiêu, định hướng phát triển để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương…
Phát biểu kết luận tại hội thảo, đồng chí Hồ Thị Thu Hằng, UVTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội- HĐND tỉnh yêu cầu đơn vị soạn thảo Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tiếp thu có chọn lọc các ý kiến tại hội thảo, lưu ý phải chính xác về con số, địa danh.
Trong đề án cần khai thác đậm nét tiềm năng du lịch của Quảng Trị, phân tích cụ thể mỗi địa danh du lịch, sản phẩm du lịch của địa phương; cần có các cơ chế chính sách thông thoáng thu hút các doanh nghiệp đầu phát triển du lịch tại Quảng Trị. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực làm công tác du lịch, quản lý du lịch, người dân làm du lịch… góp phần sớm hoàn thiện đề án để Ban Văn hóa- Xã hội- HĐND tỉnh thẩm định, báo cáo, trình HĐND tỉnh xem xét.
K.K.S