6 tháng đầu năm 2018, các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đã quan tâm triển khai quyết liệt các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Đảng, Quốc hội và BCĐ 138/CP về phòng, chống tội phạm. Bên cạnh đó, quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đã góp phần hạn chế các hoạt động phạm pháp hình sự.
Trong 6 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 25.806 vụ phạm pháp hình sự, giảm 0,17% so với cùng kỳ năm 2017; tỉ lệ điều tra, phá án hình sự đạt 79,5%, bắt, xử lý hình sự 45.503 đối tượng, triệt phá 1.028 băng nhóm tội phạm. Tình hình tội phạm về kinh tế, tham nhũng nổi lên là tái diễn trình trạng vi phạm pháp luật trên lĩnh vực ngân hàng, các doanh nghiệp nhà nước được giao đất để thực hiện dự án nhưng đã chuyển nhượng trái phép cho doanh nghiệp tư nhân gây thất thoát tài sản nhà nước; các vụ án tham nhũng với quy mô lớn được điều tra xử lý.
Tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Tội phạm về môi trường chủ yếu là vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, diễn ra hằng ngày, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng con người và khiến nhân dân hoang mang. Tội phạm về ma túy hoạt động mạnh trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Trung Quốc, nổi lên là tình trạng mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy với khối lượng lớn từ khu vực “tam giác vàng” thẩm lậu vào nước ta, một phần tiêu thụ trái phép trong nước và phần lớn vận chuyển sang Trung Quốc. Tội phạm mua bán người có những diễn biến phức tạp, cả nước phát hiện 109 vụ, với 126 đối tượng, mua bán 236 nạn nhân.
Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Trên tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, hoạt động buôn lậu vẫn diễn ra, với phương thức lợi dụng địa hình, đường mòn, lối mở, sông biên giới để vận chuyển hàng hóa, đặc biệt các đối tượng buôn lậu ngày càng manh động, bố trí nhiều người để cảnh giới, sẵn sàng tẩu tán hàng hóa khi bị kiểm tra.
Tại các cảng hàng không quốc tế, bưu điện quốc tế các hàng hóa buôn lậu có khối lượng gọn nhẹ, giá trị kinh tế cao như vàng, sản phẩm động vận hoang dã, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng; đối tượng chủ yếu là hành khách xuất nhập cảnh nhiều lần không rõ mục đích. Trên tuyến đường biển các hành vi gian lận thương mại như kê khai không đúng mã hàng, giá trị và số lượng hàng hóa; buôn lậu xăng dầu.
Trong thị trường nội địa tình trạng sản xuất, vận chuyển, buôn bán hành hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng đối với các sản phẩm như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dược phẩm, mỹ phẩm,… có chiều hướng gia tăng. Các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 88.229 vụ việc vi phạm, giảm gần 2% so với năm 2017, thu nộp ngân sách nhà nước 7.427,7 tỉ đồng, khởi tố 887 vụ, với 889 đối tượng.
Hội nghị đã dành nhiều thời gian để thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời đề ra những giải pháp đấu tranh có hiệu quả như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục người dân chấp hành nghiêm pháp luật; thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm và xử lý nghiêm nhằm giáo dục, răn đe và phòng ngừa xã hội chung. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận sự nỗ lực của BCĐ 138/CP và BCĐ 389 Quốc gia và các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế các vụ phạm pháp hình sự xảy ra, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế như một số ngành, địa phương chưa coi trọng việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp trên dẫn đến chưa thật chủ động trong việc nắm tình hình, để cho kẻ xấu, thế lực phản động lợi dụng để gây chia rẽ, mất ổn định tình hình; hoạt động tội phạm về tín dụng đen ngày càng bành trướng dẫn đến nhiều hệ lụy xấu; hàng giả, hàng kém chất lượng còn nhiều.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành chức năng cần tiếp tục nỗ lực, trong đó cần xác định công tác phòng là chính và phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong triển khai nhiệm vụ, đặc biệt phải đề cao vai trò của người đứng đầu địa phương, bộ, ngành, đơn vị. Tiếp tục quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương về phòng chống tội phạm, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, đặc biệt tự kiểm soát trong lực lượng phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kiên quyết loại bỏ những cán bộ thoái hóa, biến chất, tiếp tay cho các hoạt động phạm tội và thường xuyên luân chuyển lãnh đạo, cán bộ làm công tác này.
Thường xuyên mở các đợt cao điểm về đấu tranh phòng, chống tội phạm và xử lý nghiêm để tạo sự chuyển biến trong phòng ngừa từ xa. Chú trọng phát hiện, điều tra các loại tội phạm như tội phạm về tín dụng đen, các hành vi vi phạm về chất lượng hàng hóa, nhãn mác. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nhân dân phối hợp với các lực lượng chức năng, không tiếp tay cho các hoạt động phạm tội, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tích cực phối hợp với các lực lượng quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là tội phạm về công nghệ cao, buôn bán người…
Lê Minh