Hội nghị nghe đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy báo cáo những nội dung cơ bản Hội nghị Trung ương 6 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 4/10 đến ngày 11/10/2017 gồm: Tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2017, nhiệm vụ năm 2018; Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Công tác dân số trong tình hình mới; Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Báo cáo các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 5 đến Hội nghị Trung ương 6; Xem xét một số vấn đề về công tác cán bộ.
|
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thành Dũng
|
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã khái quát, tổng quan về không khí hội nghị thông qua việc tổng hợp các ý kiến tham gia đóng góp, thảo luận về nội dung các đề án và những vấn đề quan trọng tại Hội nghị Trung ương 6 gồm: 117 ý kiến tham gia thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2017 và nhiệm vụ năm 2018; 102 ý kiến đóng góp về công tác phát triển dân số; 130 ý kiến tham gia về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; 120 ý kiến thảo luận về công tác quản lý và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Riêng đề án về sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị nhận được nhiều ý kiến nhất, với 156 ý kiến tham gia đóng góp.
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy đã dành phần lớn thời lượng báo cáo vấn đề quan trọng, được bàn luận sôi nổi nhất tại Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII là việc tổ chức, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị và Nghị quyết này của Trung ương sẽ tác động như thế nào đến tình hình địa phương.
|
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy đã dành phần lớn thời lượng báo cáo vấn đề quan trọng, được bàn luận sôi nổi nhất tại Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII. Ảnh: Thành Dũng
|
Đồng chí nêu 17 yếu kém hạn chế của tình hình bộ máy mà Hội nghị Trung ương 6 đã nêu trong đề án. Từ đó, Trung ương nhận định, đổi mới hệ thống chính trị là vấn đề quan trọng, trước mắt, cấp bách và lâu dài nhưng cần thực hiện theo lộ trình và bước đi.
Mục tiêu tổng quát là: Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể - xã hội.
Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giảm chi thường xuyên và cải cách chế độ tiền lương. Khẩn trương nghiên cứu xây dựng tổ chức bộ máy phù hợp cho nhiệm kỳ 2021 – 2026 và những nhiệm kỳ tiếp theo để khắc phục cơ bản những hạn chế, bất cập hiện nay.
Hội nghị đã thông qua Nghị quyết một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả với 35 nhóm nhiệm vụ giải pháp trong đó 9 nhiệm vụ quan trọng. Sau hội nghị, Trung ương giao cơ quan chuyên môn, nhà khoa học nghiên cứu, xây dựng mô hình chính trị tổng thể ở nước ta phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của đất nước trong giai đoạn mới.
Đối với chính quyền địa phương: Trung ương ban hành quy chế hoạt động của cấp ủy từ đó địa phương có trách nhiệm cụ thể hóa quy chế đảm bảo hoạt động không trùng lắp, chồng chéo về chức năng. Căn cứ, điều kiện cụ thể, tiêu chí và quy định khung của Trung ương, địa phương chủ động sắp xếp, bố trí cho phù hợp.
Tiến hành sắp xếp, sát nhập lại Văn phòng HĐND và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Thực hiện mô hình văn phòng cấp ủy chung phục vụ cho các ban đảng cấp tỉnh. Cấp huyện một số chức danh phải thực hiện kiêm nhiệm để giảm bớt vị trí lãnh đạo. Về đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện mục tiêu giảm 10% đầu mối, 10% biên chế và 10% tự chủ…
Ngay từ bây giờ các cấp lãnh đạo nêu cao trách nhiệm, phải thực hiện nghiêm từ vấn đề đầu vào, đầu ra, bổ nhiệm cán bộ đến trách nhiệm người đứng đầu gắn với tinh thần tự soi, tự sửa. Đồng chí khẳng định, thời gian tới Tỉnh ủy sẽ thí điểm thực hiện tổ chức thi tuyển chức danh Phó trưởng các ban đảng.
play
00:00
02:57
previousplaystopnext
repeatshufflefull screen
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, Trung ương nhận định trong 9 tháng đầu năm 2017 kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Các cấn đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo. Phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tập trung chỉ đạo và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế dược đẩy mạnh.
Tuy nhiên, nền kinh tế đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% như đã đề ra, trong những tháng cuối năm cần đẩy mạnh giải ngân ngân thực hiện các dự án đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước; huy động nguồn lực xã hội để phát triển sản xuất kinh doanh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất công nghiệp, nhất là dầu khí và than.
Ban chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét thảo luận 7 nhiệm vụ, giải pháp được hội nghị thống nhất ban hành kết luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2017, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2018.
Nhân thông báo nhanh kết quả tình hình kinh tế - xã hội từ Hội nghị Trung ương 6 liên hệ đến địa phương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng nhắc nhở UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan nhiệm vụ từ đây đến cuối năm tỉnh cần tập trung các biện pháp tăng thu ngân sách; giải ngân các nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ đầu tư công; thực hiện nghiêm việc tiết kiệm chi, cân đối chi dự phòng khắc phục hậu quả thiên tai.
Lâm Thanh