Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Bàn và quyết định nhiều vấn đề quan trọng 

(QTO) - Hôm nay 7/7, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh khóa XVII tổ chức hội nghị lần thứ 8. UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Quang Tùng; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng chủ trì hội nghị. Đại diện các vụ địa phương tại Đà Nẵng; các ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII tham dự hội nghị.

 

Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2022 - Ảnh: T.T

 

Hội nghị nhằm sơ kết đánh giá 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của BCH Trung ương Đảng khóa XII (Nghị quyết 26) và Kế hoạch 105-KH/TU, ngày 15/11/2018 của BCH Đảng bộ tỉnh về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ (Kế hoạch 105); từ đó, thống nhất kết luận các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của UBKT Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đánh giá tình hình KT - XH, QP - AN 6 tháng đầu năm, xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2022.

 

Những tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện nhiệm vụ

 

Một trong những yêu cầu của Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng trong phần phát biểu gợi mở những vấn đề cần đưa ra thảo luận, giải quyết tại hội nghị là các đại biểu phải nghiên cứu, đề xuất được những giải pháp có tính đột phá, linh hoạt, hiệu quả để thực hiện đạt kế hoạch năm 2022.

 

Bí thư Tỉnh ủy điểm lại những kết quả đạt được trong phát triển KT - XH, đảm bảo QP - AN 6 tháng đầu năm 2022, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, có 5 khó khăn, thách thức được chỉ rõ là: Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển KT - XH của tỉnh; thiên tai, dịch bệnh có những diễn biến khó lường; giá nguyên, nhiên vật liệu tăng tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng và đời sống của Nhân dân; có một số thể chế không còn phù hợp với sự phát triển; tinh thần, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) trong một bộ phận cán bộ, công chức còn nhiều hạn chế, đang là rào cản thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

 

  Một loạt câu hỏi được Bí thư Tỉnh ủy đặt ra cho các đại biểu là liệu sự quyết tâm, nỗ lực thời gian qua đã thật sự lan tỏa đồng đều ở các cấp, các ngành và trong mỗi cán bộ công chức hay chưa? Có chăng vẫn còn biểu hiện thụ động, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành, hay trong khâu tổ chức thực hiện? Mỗi một cán bộ, đảng viên đã thực sự hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao hay chưa? Tinh thần trách nhiệm, thực thi công vụ có phải đang là rào cản cho sự phát triển không, hay xuất phát từ những nguyên nhân khác?

 Những vấn đề này đã tác động rõ rệt đến phát triển KT - XH của tỉnh như một số chỉ tiêu kinh tế đạt thấp, đặc biệt là tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư, chi đầu tư phát triển… Tiến độ thực hiện một số dự án, chương trình còn chậm, chưa có chuyển biến mới.

 

Những khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), thủ tục về đầu tư mặc dù đã được quan tâm song vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các công trình, dự án cả đầu tư công và đầu tư ngoài ngân sách. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư tuy có chuyển biến nhưng có mặt còn hạn chế. 

 

Trên cơ sở các nội dung dự thảo của BTV Tỉnh ủy và tình hình thực tiễn ở các ngành, đơn vị, địa phương, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện hơn tình hình thực hiện các nhiệm vụ chính trị 6 tháng đầu năm. Phân tích, dự báo tình hình, chỉ ra những nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, nhất là đối với những nguyên nhân chủ quan, dự báo tình hình và yếu tố khách quan tác động đến nền kinh tế. Phân tích làm rõ và đề ra dự báo đối với những nhóm chỉ tiêu đạt thấp so với cùng kỳ năm 2021, từ đó đề xuất giải pháp có tính đột phá, linh hoạt, hiệu quả, quyết tâm thực hiện đạt các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2022 đã đề ra. 

 

Đối với thực hiện Nghị quyết 26, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng đánh giá: Qua 3 năm qua triển khai thực hiện, chất lượng công tác cán bộ được nâng lên, có sự đồng bộ, liên thông, hợp lý giữa các khâu trong công tác cán bộ. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cơ bản được kiện toàn kịp thời, từng bước khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, trong đó đã quan tâm phát hiện, bồi dưỡng, bố trí nhiều cán bộ trẻ, cán bộ nữ có phẩm chất, năng lực nổi trội vào các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp. Tuy nhiên, công tác cán bộ vẫn còn một số hạn chế nhất định. Chính vì vậy, theo BTV Tỉnh ủy, cần thiết trình BCH Đảng bộ tỉnh ban hành kết luận mới về công tác cán bộ để tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 26 và Kế hoạch 105 của Tỉnh ủy trong thời gian tới.

 

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Quy chế làm việc của UBKT Tỉnh ủy làm căn cứ để thực hiện đúng nguyên tắc và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, từ tháng 7/2021 đến nay, BCH Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành nhiều văn bản có điều chỉnh, bổ sung nhiều quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của UBKT các cấp, trong đó có UBKT Tỉnh ủy. Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của UBKT Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025 nhằm đảm bảo sự phù hợp với các quy định mới của trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng điều hành phần thảo luận tại hội nghị - Ảnh: T.T

 

Các giải pháp trọng tâm điều hành KT - XH

 

Báo cáo tại hội nghị nêu rõ, trong điều kiện khó khăn của COVID-19, mưa lũ bất thường, giá cả xăng dầu, nguyên liệu đầu vào tăng cao…ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, song dưới sự lãnh đạo thống nhất của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp vừa tập trung phát triển, phục hồi KT - XH, vừa kiểm soát dịch bệnh và khắc phục hậu quả thiên tai, tình hình KT - XH của tỉnh đang từng bước được phục hồi. Việc xây dựng Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành tiến độ, đảm bảo chất lượng.

 

Nhiều kết quả nổi bật đáng ghi nhận như tổng sản phẩm GRDP đạt mức tăng trưởng dương, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021. Thu ngân sách đạt trên 2.860 tỉ đồng, đạt 68,8% dự toán địa phương và 83,3% dự toán trung ương. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư được quan tâm thực hiện. Nhiều công trình trọng điểm đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư để triển khai xây dựng. Các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, chăm lo gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời. Tỉnh đã tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn, 50 năm Ngày giải phóng Quảng Trị, 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị… QP-AN được củng cố và tăng cường, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại được duy trì và phát triển.  

 

Điều hành thảo luận các nội dung tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng đề nghị các đại biểu tập trung phân tích những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH 6 tháng đầu năm, từ đó đề ra giải pháp trọng tâm, trọng điểm để hoàn thành các chỉ tiêu năm 2022.

 

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn ước tính tăng 3,5%, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó sự sụt giảm mạnh của khu vực nông - lâm - thủy sản đã làm giảm tốc độ tăng trưởng chung. Khu vực công nghiệp xây dựng tăng trưởng thấp nên đóng góp không đáng kể vào tốc độ tăng trưởng. Khu vực thương mại và dịch vụ bước đầu có sự phục hồi nhưng không đáng kể, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng 2,64%.

 

Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2022 được các đại biểu thảo luận, đề xuất là đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho DN phục hồi sản xuất kinh doanh, tập trung phát triển các ngành kinh tế. Trong đó, đại biểu đề xuất ý kiến cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực, đối với từng vấn đề đang là “điểm nghẽn” như đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn và hỗ trợ DN tham gia hoạt động xây dựng; lập quy hoạch, thẩm định thiết kế khai thác mỏ, tổ chức công bố hợp quy, hướng dẫn và kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng...

 

Lãnh đạo ngành y tế đề xuất cần có quy định cụ thể về công tác đấu thầu thiết bị, vật tư y tế, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho ngành y tế. 

 

Về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 26, đại biểu đề nghị cần tập trung chỉ đạo, rà soát, cụ thể hóa các quy chế hướng dẫn phù hợp với địa phương để nâng cao hiệu quả thực thi, cũng như cần tổ chức đánh giá, sơ kết giữa nhiệm kỳ để rút kinh nghiệm cho thời gian tới. Đề nghị đổi mới hình thức tuyển dụng công chức, áp dụng cả hai hình thức thi viết và phỏng vấn trong khâu tuyển dụng để lựa chọn được cán bộ đủ điều kiện, kỹ năng, tác phong đáp ứng yêu cầu công việc. Xây dựng đề án sát hạch công chức theo Nghị quyết của Chính phủ Ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 để chọn lọc cán bộ đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu công tác...

 

Đại biểu tham dự hội nghị - Ảnh: T.T

 

Lấy người dân và DN làm trung tâm phục vụ

 

 Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng nhấn mạnh: “Quan điểm thống nhất của BTV Tỉnh ủy là phải tạo dựng được niềm tin, sự hài lòng của người dân đối với Đảng bộ, hệ thống chính trị trong điều hành phát triển KT - XH, đảm bảo QP - AN,  hoàn thành cao nhất các mục tiêu năm 2022”.

 

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị từ nay đến hết năm 2022, các cấp ủy đảng, chính quyền, các địa phương, đơn vị tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khắc phục những hạn chế, yếu kém, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo hướng tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng KT - XH, tập trung vào những dự án lớn, công trình trọng điểm. Hoàn thành thể chế, trong đó có quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tạo cơ sở cho phát triển nhanh và bền vững. Nắm tình hình thực tế để kịp thời sửa đổi hoặc đề nghị sửa đổi một số cơ chế, chính sách phục vụ thúc đẩy phát triển KT - XH của tỉnh.

 

Tiếp tục coi trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, xây dựng hệ thống cơ quan hành chính liêm chính, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, lấy người dân và DN làm trung tâm phục vụ. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện nghiêm quy chế làm việc, nêu cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết công việc...

 

Trên cơ sở đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết 26 và Kế hoạch 105, Tỉnh ủy thống nhất ban hành Kết luận về tiếp tục thực hiện Kế hoạch 105, nhất là việc tiếp tục thực hiện các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, “2 trọng tâm, 5 đột phá” nêu tại Nghị quyết 26 và Kế hoạch 105, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong cả nhiệm kỳ.

 

BCH Đảng bộ tỉnh thống nhất sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của UBKT Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2020-2025 nhằm đảm bảo sự phù hợp với các quy định mới của trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng.

 

Ra mắt Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh - Ảnh: T.T

 

Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

 

Tại hội nghị lần này đã công bố quyết định và ra mắt Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh gồm 15 thành viên; Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng làm Trưởng ban. Việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh là dấu mốc mới của công tác phòng, chống tham nhũng ở tỉnh theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương. “Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, bám sát quy định của trung ương và quy chế làm việc để hoạt động.

 

Tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trên các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra vi phạm”, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Lê Quang Tùng khẳng định. Đồng thời đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng và toàn hệ thống chính trị cần xác định nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là người đứng đầu là người chịu trách nhiệm cao nhất; bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai có trọng tâm, trọng điểm và đạt được theo đúng sự chỉ đạo của trung ương.

 

Thanh Trúc

886 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1313
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1313
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87114620