Đổi mới hình thức thảo luận
Đổi mới hình thức bằng cách phân chia thành 3 tổ thảo luận, tổng hợp phát biểu của đại biểu ngay tại hội trường là nét mới tại hội nghị lần này nhằm phát huy cao hơn trí tuệ tập thể, đồng thời để việc thảo luận các nội dung được thực hiện kỹ càng, trọng tâm hơn. Các ý kiến đóng góp của đại biểu là cơ sở quan trọng để cùng với các cơ quan liên quan hoàn thiện các dự thảo nghị quyết, kết luận của Tỉnh ủy với tính khả thi cao trong triển khai thực hiện.
Hội nghị tập trung thảo luận, cho ý kiến và quyết định các nội dung quan trọng: Thông qua 3 nghị quyết chuyên đề về Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021- 2025 (gọi tắt là Nghị quyết CCHC); Chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết Chuyển đổi số); Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết NTM).
Thông qua Kết luận của Hội nghị lần thứ 6 BCH Đảng bộ tỉnh về Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Xem xét báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh về công tác thu hút đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đến nay và tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2021.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng gợi mở 3 nhóm vấn đề lớn để các đại biểu nghiên cứu, thảo luận, xem xét và quyết định. Nhóm vấn đề thứ nhất, về Nghị quyết CCHC, đề nghị tập trung thảo luận để tháo gỡ điểm nghẽn đã được chỉ ra như, thủ tục hành chính (TTHC) một số khâu còn rườm rà, gây khó khăn, ách tắc liên quan đến lĩnh vực đất đai, môi trường đầu tư… Đưa ra giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt hơn nội dung này trong thời gian tới, cụ thể các chỉ tiêu còn thấp như: Chỉ số CCHC của tỉnh (xếp thứ 39/63 tỉnh thành cả nước); chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI (xếp thứ 41/63) và các chỉ số liên quan.
Nhóm vấn đề thứ hai, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng nhấn mạnh, việc ban hành một nghị quyết chuyên đề riêng về chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 là việc cấp thiết của tỉnh. Vấn đề này vừa thể hiện việc cụ thể hóa Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, vừa tạo động lực mới cho tăng trưởng bền vững của tỉnh. Do đó, yêu cầu các đại biểu tập trung nghiên cứu cho ý kiến đối với 4 nhóm nhiệm vụ giải pháp: Tạo nền tảng chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số.
Nhóm vấn đề thứ 3 về tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM, nội dung này được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI xác định tại Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 20/7/2017 về “Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025”. BTV Tỉnh ủy xác định đây là nội dung quan trọng trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và để tạo thuận lợi trong triển khai thực hiện trên từng lĩnh vực nên thống nhất trình BCH thảo luận để ban hành nghị quyết riêng về xây dựng NTM và kết luận về tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
|
Hội nghị tập trung thảo luận và quyết định thông qua 3 nghị quyết chuyên đề: Đẩy mạnh cải cách hành chính tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021- 2025; Chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. |
Hai nội dung này có liên quan chặt chẽ với nhau, do đó quá trình thảo luận, bên cạnh đánh giá kết quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các đại biểu xem xét, chỉ rõ những hạn chế, tìm ra nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân chủ quan gắn với trách nhiệm của các địa phương, đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện. Trong đó, đối với tái cơ cấu nông nghiệp, cần làm rõ hạn chế để có giải pháp hiệu quả hơn về quy hoạch vùng sản xuất, việc tập trung ruộng đất, dồn điền đổi thửa, duy trì, nhân rộng các mô hình sản xuất, hoạt động của các hợp tác xã, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nghiên cứu sản xuất theo chuỗi giá trị, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Phân tích, đánh giá sự tham gia của doanh nghiệp trong tái cơ cấu nông nghiệp như thế nào và ở mức nào, vấn đề ruộng đất, thủ tục thành lập doanh nghiệp, tổ chức sản xuất và cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Về xây dựng NTM, cần xem xét, chỉ rõ những hạn chế trong thực hiện các tiêu chí về quy hoạch nông thôn, huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư, chất lượng đạt chuẩn các tiêu chí.
Đối với báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2021, cần đánh giá kỹ các chỉ tiêu đạt được và khả năng không đạt được của năm 2021, đặc biệt là đưa ra các giải pháp để phấn đấu từ nay cho đến cuối năm 2021 và dự kiến thực hiện kế hoạch năm 2022.
Liên quan đến công tác thu hút đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đến nay, hội nghị cần tập trung thảo luận, tham gia thêm ý kiến về những khó khăn, vướng mắc, nhất là những vướng mắc từ nguyên nhân chủ quan để đề ra các giải pháp căn cơ nhất giúp Tỉnh ủy tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2021 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và thực hiện chủ đề năm "Trách nhiệm, kỷ cương - Thu hút đầu tư - Tạo đà tăng trưởng”, tạo tiền đề quan trọng hoàn thành nhiệm vụ những năm tiếp theo.
Trên cơ sở các nhóm vấn đề Bí thư Tỉnh ủy gợi mở, các đại biểu đã tập trung thảo luận, tham gia vào các dự thảo nghị quyết, nội dung trình tại hội nghị.
Gợi mở nhiều giải pháp quan trọng đối với các nghị quyết
Đi thẳng vào các vấn đề trọng tâm, trọng điểm, đề xuất, gợi mở nhiều giải pháp quan trọng đối với các nghị quyết và nội dung được đưa ra bàn thảo là tinh thần tại phiên thảo luận, giải trình của đại biểu cũng như đại diện các sở, ngành xây dựng các nghị quyết.
Đối với dự thảo Nghị quyết CCHC, các đại biểu đề xuất cần có giải pháp tăng cường vai trò lãnh đạo công tác CCHC, bổ sung trách nhiệm giải trình, trách nhiệm xin lỗi khi để xảy ra chậm trễ thời hạn giải quyết TTHC để khắc phục các điểm nghẽn, tối giản các TTHC liên quan đến lĩnh vực đất đai, môi trường đầu tư… Đề nghị bổ sung quy định thời gian quy trình giải quyết TTHC giữa các sở, ban, ngành; thảo luận kỹ chỉ tiêu tự chủ chi bởi rất khó thực hiện; nhấn mạnh hơn nữa việc nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.
Về dự thảo Nghị quyết Chuyển đổi số, cần bổ sung việc thực hiện chuyển đổi số phải có sự chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm, không hô hào thực hiện dàn trải vì nguồn lực còn hạn chế. Trong đó cần đầu tư số hóa hệ thống y tế, nhất là trong y tế dự phòng, khám chữa bệnh. Trong lĩnh vực năng lượng, các doanh nghiệp sản xuất, truyền tải, phân phối năng lượng phải thực hiện chuyển đổi số theo ngành dọc để trở thành các doanh nghiệp thông minh trong quá trình quản trị doanh nghiệp. Đề nghị xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện…
Dự thảo Nghị quyết NTM thu hút sự quan tâm thảo luận sôi nổi của các đại biểu. Nhiều ý kiến đóng góp quan trọng như: Bổ sung giải pháp khuyến khích, thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, người sản xuất; cần đưa ra giải pháp về duy trì và nâng cao chất lượng xã đã đạt chuẩn NTM và công tác hậu kiểm các xã sau đạt chuẩn. Thống nhất quan điểm xây dựng NTM là xây dựng làng quê đáng sống, gắn liền với tiêu chí đảm bảo môi trường, điều kiện tự nhiên, hàng rào xanh - sạch - đẹp, không nhất thiết phải bê tông hóa. Xây dựng NTM phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn trách nhiệm của các ngành, các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ đối với các xã chưa đạt chỉ tiêu. Cần đưa vào mục tiêu xây dựng thị trấn thông minh hoặc xã thông minh tại 4 huyện NTM đến năm 2030; quan tâm việc xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu…
Sau khi nghe báo cáo tổng hợp thảo luận tổ và giải trình của các cơ quan chủ trì đề án, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng đã làm rõ hơn một số vấn đề mà đại biểu quan tâm liên quan đến 3 dự thảo nghị quyết. Trong bối cảnh COVID - 19 diễn biến phức tạp và sự phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì chuyển đổi số là tất yếu. Do đó, cần đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh để thích ứng với tình hình mới. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Con người là yếu tố cuối cùng và quan trọng trong thực hiện CCHC, vì thế UBND tỉnh sẽ căn cứ vào yếu tố này để đánh giá công tác thi đua khen thưởng cuối năm của các đơn vị nhằm nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Về Chương trình MTQG xây dựng NTM, Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh mục tiêu, quan điểm xuyên suốt của tỉnh là xây dựng NTM lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo kết quả, không chạy theo phong trào, thành tích, không để xảy ra tình trạng nợ tiêu chí, nợ công trình trong việc thẩm tra, thẩm định, xét công nhận địa phương đạt chuẩn. Chuyển đổi từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp” nhằm nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn. Xây dựng NTM gắn với phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và đảm bảo an ninh nông thôn.
Huy động, phân bổ hợp lý nguồn lực để thực hiện hiệu quả các nghị quyết
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng thống nhất: Về Nghị quyết CCHC, hội nghị đồng tình cao với các mục tiêu và những nhiệm vụ chủ yếu cho giai đoạn 2021- 2025. Trong đó xác định, tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp đối với công tác này. Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ CCHC. Thực hiện đơn giản hóa các TTHC trên lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
Hội nghị cơ bản đồng tình với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được cơ quan tham mưu đề xuất và dự thảo Nghị quyết Chuyển đổi số, trong đó nhấn mạnh: Muốn xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số cần phải tạo được nền tảng hạ tầng số, đó là phải chuyển đổi được nhận thức, phát triển hạ tầng, nền tảng số, đảm bảo an ninh mạng và phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, xây dựng chính quyền số, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. Thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số trên các lĩnh vực: Thương mại điện tử, giao thông vận tải, nông nghiệp, tài nguyên môi trường, năng lượng, tài chính ngân hàng, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch… để phục vụ người dân, doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững.
Trên cơ sở sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy khóa XVI, Tỉnh ủy khóa XVII thống nhất tách riêng ra hai vấn đề để ban hành kết luận về tái cơ cấu nông nghiệp và nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới.
Trong 5 năm tới, cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp không chỉ giữa các lĩnh vực mà cần chuyển đổi, tái cơ cấu trong nội bộ của từng lĩnh vực sản xuất. Nghiên cứu để ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Từng bước hình thành chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, khắc phục điểm nghẽn, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Tập trung công tác rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp. Tiếp tục đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả. Hỗ trợ hình thành các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ, xây dựng các chuỗi liên kết thực sự bền vững.
Để định hướng xây dựng NTM cho giai đoạn mới, trong các giải pháp chủ yếu cần tập trung đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng huyện, tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch xã NTM phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội các cấp, đồng thời quản lý tốt quy hoạch đất đai và sử dụng đất. Nghiên cứu và ban hành các chính sách địa phương để đẩy mạnh xây dựng NTM; thu hút và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Về tình hình thu hút đầu tư, hội nghị thống nhất cao với các kiến nghị, đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh về các nhóm giải pháp cho công tác thu hút đầu tư cũng như tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các nhóm dự án. Trong đó cần đẩy mạnh việc cải cách TTHC trong các lĩnh vực đất đai, đầu tư, giải phóng mặt bằng.... Tiếp tục nâng cao đạo đức công vụ, trách nhiệm thi hành các nhiệm vụ và có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của tỉnh.
Từ nay đến cuối năm, các cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục bám sát các phương án, kịch bản đã được xây dựng để vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa khôi phục các hoạt động xã hội và phát triển kinh tế. Trong đó, cần tập trung ưu tiên triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ thiết thực, có hiệu quả cho Nhân dân, người lao động và doanh nghiệp ổn định đời sống và phục hồi sản xuất kinh doanh.
Để các chủ trương của BCH Đảng bộ tỉnh được triển khai thực hiện hiệu quả, khả thi cao, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng đề nghị Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, các cấp, các ngành, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung đã được hội nghị quyết nghị để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, tạo đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện. Đối với từng nghị quyết, kết luận, cần rà soát, xây dựng đồng bộ các kế hoạch, đề án cụ thể, phân công rõ người chịu trách nhiệm, rõ tiến độ thực hiện. Có kế hoạch huy động, phân bổ hợp lý nguồn lực, chú trọng cân đối tổng thể nguồn lực toàn tỉnh; tiếp tục rà soát, xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với kịch bản tăng trưởng chung trong tình hình hiện nay nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Thanh Trúc