Tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam trình bày và phân tích các nội dung liên quan đến cuộc CMCN 4.0 và một số tác động của CMCN 4.0 đến phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Qua đó cung cấp một bức tranh toàn cảnh về cuộc CMCN 4.0 với những đặc trưng cơ bản, đó là: cuộc cách mạng kết nối chặt chẽ giữa thế giới thực với không gian số với quy mô và tốc độ phát triển chưa có tiền lệ trong lịch sử nhân loại, đồng thời tác động mạnh mẽ và toàn diện đến thế giới đương đại trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội, môi trường cũng như thể chế và quản trị nhà nước.
Bên cạnh những cơ hội, tiềm năng, cuộc CMCN 4.0 cũng đặt ra cho các quốc gia trên thế giới những vấn đề về quốc phòng- an ninh, tội phạm lừa đảo, quyền riêng tư… trong không gian số.
Đối với Việt Nam, cuộc CMCN 4.0 tác động tích cực đến tăng trưởng dài hạn kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm sức ép chi phí đẩy lên lạm phát đồng thời tác động tích cực đến môi trường. Từ thành tựu của cuộc CMCN 4.0, quản trị nhà nước trên nền tảng số hóa góp phần nâng cao tính minh bạch và năng lực của Nhà nước. Bên cạnh những cơ hội, Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều thách thức khi chịu sự chi phối ngày một gia tăng của công nghệ số. Có nhiều ngành sẽ bị tác động, cần có kế hoạch tái cơ cấu phù hợp như nhóm ngành năng lượng, công nghệ tái tạo, may mặc, giày dép, điện tử, du lịch, giáo dục và đào tạo…
Qua phân tích, Tiến sĩ Nguyễn Thắng cũng đã gợi mở những tiềm năng cũng như tác động tích cực từ cuộc CMCN 4.0 đến tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị, đồng thời giải đáp những thắc mắc của đại biểu về những vấn đề liên quan đến cuộc CMCN 4.0.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thắng, ngoài những tác động chung, cuộc CMCN 4.0 cũng tạo ra những cơ hội mới đầy triển vọng mà tỉnh Quảng Trị cần nắm bắt để thúc đẩy phát triển các ngành nghề về năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió; tiềm năng phát triển du lịch của một địa phương có nét đặc trưng về lịch sử, văn hóa, ẩm thực…
Lâm Thanh