Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị và đánh giá khái quát những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2020. Nổi bật là, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn do COVID - 19 gây ra nhưng Quảng Trị có mức tăng trưởng kinh tế 4,17%, đứng thứ 16 của cả nước và đứng thứ 2 trong các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên; cơ cấu kinh tế phát triển đúng hướng; thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc; văn hóa, xã hội có bước chuyển biển tích cực.
Có được kết quả này là nhờ cả hệ thống chính trị đã quán triệt sâu sắc chủ đề năm “Hành động quyết liệt - Về đích toàn diện - Tạo đà bứt phá” và triển khai hiệu quả các giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ kép là vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh vẫn đang gặp một số khó khăn, hạn chế là quy mô nền kinh tế còn nhỏ, tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào đầu tư công nhưng tỉ lệ giải ngân vẫn ở mức thấp, giải phóng mặt bằng vẫn là khâu khó... nên chưa tạo được sức mạnh tổng hợp trong phát triển.
Từ những vấn đề trên, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các đại biểu thảo luận, đánh giá sâu và khách quan những kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra được những hạn chế, yếu kém và cá nhân, đơn vị, địa phương nào phải chịu trách nhiệm về những hạn chế, yếu kém này. Hội nghị cũng cần thảo luận, xem xét những giải pháp đã đề ra trong Kết luận của Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 24 đến nay, xem những giải pháp nào còn phù hợp, giải pháp nào không còn phù hợp, cần phải đề xuất điều chỉnh, bổ sung nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2020 và cả nhiệm kỳ.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng thông tin đến hội nghị những kết quả trọng tâm, khó khăn, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm. Nổi bật là tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 9.404,5 tỉ đồng, tăng 4,17% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên 7.758,7 tỉ đồng, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.503 tỉ đồng, tăng lần lượt 15,09% và 7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng lương thực có hạt đạt 16,63 vạn tấn, bằng 62,7% kế hoạch năm...
Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ rõ những khó khăn cơ bản là nhiều chỉ tiêu tuy có tăng trưởng nhưng mức tăng còn thấp và không đạt tiến độ đề ra; một số dự án quan trọng tiến độ thực hiện và giải ngân chậm, ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế; công tác xúc tiến, vận động, thu hút đầu tư mặc dù được đẩy mạnh nhưng kết quả mang lại chưa tương xứng; hoạt động kinh tế du lịch có quy mô nhỏ, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu của du khách; kỷ luật, kỷ cương, ý thức chấp hành mệnh lệnh hành chính ở một số ngành, địa phương chưa nghiêm; một số cán bộ, công chức còn để xảy ra sai sót trong quá trình tham mưu giải quyết công việc... Đối với nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2020, tỉnh xác định 8 chỉ tiêu phấn đấu và 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.
Tham gia ý kiến tại hội nghị, các đại biểu đồng tình cao với dự thảo Kết luận về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trương Chí Trung phân tích làm rõ thêm một số yếu tố để nền kinh tế tỉnh đạt mức tăng trưởng khá; vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, tổng vốn đầu tư toàn xã hội; phát triển doanh nghiệp; những tác động khiến một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm sẽ khó hoàn thành.
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Duy Tân thông tin về kết quả thu ngân sách nhà nước và cho rằng chỉ tiêu thu ngân sách của năm sẽ khó đạt; lý giải nguyên nhân vì sao một số khoản thu ngân sách chưa đạt; nêu thực trạng giải ngân vốn đầu tư phát triển chậm, các giải pháp khắc phục và đề nghị cần phải làm rõ trách nhiệm thuộc về cơ quan, cá nhân nào.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe đề cập đến những thách thức và kết quả đạt được trong sản xuất nông nghiệp; tình hình thời tiết khô hạn gay gắt khi nhiều diện tích lúa bị thiếu nước, mực nước bình quân các hồ chứa trên địa bàn tỉnh chỉ còn chưa đến 30% và việc ưu tiên nguồn nước phục vụ sinh hoạt của người dân trên địa bàn thành phố Đông Hà và vùng phụ cận.
Giám đốc Sở Công thương Lê Quang Vĩnh nêu thực trạng hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ; tình hình xuất nhập khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh và dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của năm sẽ đạt kế hoạch đề ra; tiến độ triển khai các dự án thủy điện, điện gió, điện mặt trời.
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Phan Văn Linh khẳng định những kết quả trong đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động. Thông tin về tình hình xuất khẩu lao động sang thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản; thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách; tình hình chi trả hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do COVID - 19...
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Đông Hà Nguyễn Chiến Thắng làm rõ nguyên nhân dẫn đến nhiều dự án chậm tiến độ là do công tác giải phóng mặt bằng, do vậy tỉnh cần tiếp tục có chính sách hiệu quả hơn, đặc biệt là bảo đảm tốt hơn lợi ích của đối tượng bị ảnh hưởng. Đối với thu ngân sách cần rà soát lại tất cả các nguồn thu để có giải pháp căn cơ hơn, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động...
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng cho rằng, qua thảo luận các đại biểu đều thống nhất cao với dự thảo Kết luận về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020. Qua đó nêu bật được 6 thành tựu nổi bật của tỉnh và tiếp tục khẳng định rõ 3 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh là phát triển nông nghiệp bền vững, theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp chế biến và năng lượng tái tạo; thương mại, du lịch, dịch vụ. Bên cạnh đó, tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư và có nhiều phiên làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành trung ương để tìm kiếm các nguồn lực đầu tư, cơ chế, chính sách cho phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế. Đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận của cả hệ thống chính trị.
Đối với những khó khăn, hạn chế, Bí thư Tỉnh ủy trăn trở việc nhiều dự án đầu tư công chậm tiến độ, giải ngân chậm, có chủ đầu tư tắc trách trong triển khai dẫn đến bị thu hồi dự án và đặt ra vấn đề cần xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan. Cải cách hành chính mặc dù được coi trọng thực hiện nhưng vẫn còn có những điểm nghẽn, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp và người dân. Những vấn đề này cần phải quyết tâm khắc phục.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, bên cạnh những vấn đề đã được xác định, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tiếp thu các ý kiến tham gia và điều chỉnh, nhấn mạnh thêm các giải pháp gồm: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trung hạn; nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách để giải quyết các khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng trên cơ sở thực hiện đúng các quy định của pháp luật; động viên tốt hơn các doanh nghiệp có nguồn thu lớn, quan tâm hơn đối với các hộ kinh doanh cá thể để nuôi dưỡng nguồn thu gắn với đó là phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền trong thu ngân sách; duy trì tăng trưởng kinh tế nông nghiệp và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới; chú trọng công tác quy hoạch, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ hoàn thành quy hoạch phát triển tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và quy hoạch chung xây dựng thành phố Đông Hà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, có tính động lực và kết nối cao; thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng - an ninh, nhất là tăng cường tiềm lực quốc phòng, công tác cứu hộ cứu nạn, tấn công trấn áp các loại tội phạm.
Huy Nam